Cô con gái nhỏ luôn miệng hỏi bao giờ mẹ về, chị Trần Thị Dung (cán bộ Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) chỉ vỗ về con và an ủi: "Mẹ đi bắt con virus, bao giờ xong việc, mẹ về với con".
Chị Dung là một trong những bóng hồng gác lại công việc gia đình, lên đường về Hải Dương, phụ trách nhiệm vụ kiểm soát nhiễm khuẩn cho Bệnh viện dã chiến số 2. Mùa xuân đã sang trên mảnh đất Hải Dương, chị Dung vẫn miệt mài với những dụng cụ sát khuẩn, mặc bộ đồ bảo hộ trắng, khuôn mặt in những vết hằn vì đeo khẩu trang liên tục trong thời gian dài.
Chưa rõ ngày trở về
Sớm 28/1, chị Dung nhận được quyết định chi viện cấp tốc cho Hải Dương. "Khi đó, chồng tôi đang trong nhiệm vụ phục vụ Đại hội Đảng, chỉ có hai mẹ con ở nhà. Nhận được tin công tác, tôi vội vã gọi con dậy, vệ sinh cá nhân rồi đưa cháu đi học", chị Dung nhớ lại. Câu tạm biệt con chị cũng chỉ nói vội vàng trước khi đi vào vùng dịch.
Sau khi xuống Hải Dương, chị Dung và đoàn công tác nhanh chóng tiến vào điểm nóng Chí Linh để khảo sát tình hình. Đây là bệnh viện hạng 2 nên công tác kiểm soát nhiễm khuẩn vô cùng thiếu thốn. Chị Dung và đoàn công tác ở lại Hải Dương để rà soát, tư vấn hỗ trợ cho 2 bệnh viện dã chiến.
Khuôn mặt đầy những vết hằn của chị Trần Thị Dung. Ảnh: Anh Văn - Kim Dung - Trung Sơn. |
“Tôi hoang mang vô cùng không biết là phải gửi con ở đâu, chồng tôi lại không thể ra khỏi đơn vị, tôi cũng không mang bất kỳ đồ đạc gì theo… Hàng trăm câu hỏi hiện ra trong đầu lúc bấy giờ. Cuối cùng, ông bà ngoại đã đón cháu về chăm sóc. Nhà ông bà cách đó 30 km. Khi ấy, tôi mới yên tâm phần nào".
Tối muộn ngày 28/1, chị Dung được tạo điều kiện quay về Hà Nội sắp xếp đồ dùng cá nhân để chuẩn bị bước vào cuộc “trường kỳ kháng chiến” chưa biết ngày về. Với chị, đó là một buổi tối thật nhiều cảm xúc. Vì để giữ an toàn cho người nhà, chị không thể gặp ai chào tạm biệt.
Trên đường về lại Hải Dương, lòng chị xen lẫn nhiều cảm xúc. Bởi chủng virus lần này là biến chủng mới tại Anh, có khả năng lây lan nhanh. Có thể, chị sẽ phải ở lại Hải Dương rất lâu.
Những lúc nhớ con, cuộc trò chuyện ngắn qua điện thoại là liều thuốc tinh thần giúp chị thêm mạnh mẽ. Ảnh: Anh Văn - Kim Dung - Trung Sơn. |
Quyết tâm ở tuyến đầu, đón Tết xa nhà
Ngày 26 Tết, đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai họp báo cáo tình hình phân bổ lực lượng hỗ trợ các điểm nóng khác. Lòng chị Dung vô cùng phân vân. Nhưng chị không thể yên tâm nếu về Hà Nội trong thời điểm này. Bởi lẽ, nhân lực mỏng, nếu không trực tiếp giám sát, chị không thể chắc chắn vào công tác kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả.
"Bệnh viện có quá nhiều khu vực điều trị, gồm cả hồi sức và cấp cứu. Nhân sự giám sát chỉ có 2 người, chạy không xuể", chị nói. Chính vì thế, người phụ nữ này quyết tâm ở lại chiến trường, sát cánh cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương.
Quyết tâm là thế, nỗi lòng chị vẫn không nguôi khi nhớ về con và gia đình. Thỉnh thoảng gọi cho con gái qua điện thoại, bé lại bật khóc, chị không thể kìm nén được cảm xúc. Những khi đó, nỗi nhớ thêm da diết. Nữ chiến binh này đều động viên cô con gái bé bỏng: "Mẹ đi Hải Dương bắt con virus, khi nào bắt được mẹ về với con”.
Trong thời điểm ở điểm nóng Hải Dương, cô bé đón sinh nhật 4 tuổi mà không có bố lẫn mẹ. Chị chỉ kịp nhờ ông bà chuẩn bị quà bánh, đồ chơi. Nhìn con rạng rỡ qua màn hình điện thoại, người phụ nữ này như được tiếp thêm sức mạnh trong cuộc chiến có thể còn rất dài với biến chủng virus mới.
Công việc vất vả, luôn phải mặc đồ bảo hộ kín mít trong thời gian dài nhưng chị Dung thấy may mắn vì có đồng nghiệp giúp đỡ. Ảnh: Anh Văn - Kim Dung - Trung Sơn. |
Hạnh phúc khi nghe tin bệnh nhân khỏi Covid-19
Ngày cuối cùng của năm Canh Tý, 30 bệnh nhân ở Hải Dương được công bố khỏi bệnh. Con số này chiếm gần 20% số người đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương.
Nhận được tin này, chị Dung rất vui và hạnh phúc. Bởi người phụ nữ này tin rằng chỉ trong thời gian ngắn nữa, chúng ta sẽ chiến thắng đợt dịch căng thẳng này, đánh bại virus biến chủng mới. Niềm tin vào giây phút đoàn tụ đang đến gần vẫn là sức mạnh giúp chị vượt qua khó khăn trong những ngày chiến đấu tại tâm dịch.
Khi làm việc, không thiếu lúc chị Dung buồn và chạnh lòng vì xa nhà, nhớ con. Nhưng các đồng nghiệp đều an ủi, động viên nên chị bớt cô đơn. Trong công việc, chị cũng thường xuyên được các anh em giúp đỡ. Với người phụ nữ này, đó là may mắn khi làm việc ở tâm dịch nhiều hiểm nguy nhưng cũng chan chứa tình người.
Năm Tân Sửu đã đến và mang theo nhiều hy vọng. Chị Dung và những y bác sĩ công tác tại tâm dịch Hải Dương vẫn chăm chỉ cống hiến sức lực nhỏ bé, với hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi, cả gia đình lại được đoàn tụ, đón một cái Tết “bù” ấm áp.
Tuyến bài "Tư vấn phòng Covid-19 chủng virus mới"
Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 553 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, nhiều bệnh nhân ở Quảng Ninh và Hải Dương SARS-CoV-2 chủng mới B117 từ Anh.
Đặc biệt, ngày 31/1, nhóm chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội), đã phát hiện người đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến chủng virus mới từ Nam Phi. Đó là chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
Các biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng. Do đó, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán này.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.