Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái Tết cuối cùng 'sống treo' trên kinh thành Huế

Nhiều hộ dân còn "sống treo" trên kinh thành Huế sẽ đón cái Tết cuối cùng trước khi được di dời đến khu tái định cư.

Giáp Tết, những con đường ở TP Huế rộn ràng không khí mùa xuân được tô điểm bởi những phố hoa. Người dân tất bật chuẩn bị cho một cái Tết vui tươi, đầm ấm dù trải qua một năm đầy khó khăn với thiên tai, dịch bệnh.

Trên đường Xuân 68, nhiều ngôi nhà người dân nằm ở khu vực Thượng Thành đang được tháo dỡ để trả lại đất cho di tích Huế. Tại đây, một số hộ dân nằm trong diện di dời đang chờ để đến nơi mới ở khu tái định cư.

Nguoi dan Thuong thanh anh 1

Khu tái định cư mới khang trang cho người dân kinh thành Huế. Ảnh: Điền Quang.

Người dân đồng tình

Ngồi ngậm ngùi trên quán cà phê ở Thượng Thành, anh Lê Quang Vinh (50 tuổi, chủ quán) cho biết trước đây, quán của anh đông khách hơn bây giờ nhiều. Khi chưa di dời, bà con trong xóm còn đông và thường đến quán của anh để uống cà phê.

"Lúc trước, mỗi ngày, quán tôi cũng bán được gần 50 ly cà phê, thu nhập gia đình cũng tạm ổn. Bây giờ, mọi người đã ra khu tái định cư, có nhà cửa ổn định rồi nên quán cũng ế khách nhiều", anh Vinh ngậm ngùi nói.

Quán cà phê của anh Vinh được che chắn tạm bợ được sử dụng vừa là nơi sinh sống của 5 nhân khẩu. Những ngày cận Tết, vợ anh Vinh phải chạy ngược, chạy xuôi tranh thủ bán mớ rau, con cá để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Hoàn cảnh gia đình còn khó khăn và đang chờ để ra khu tái định cư nên nhà anh Vinh cũng chẳng sắm sửa được nhiều để đón Tết. Đây có thể là cái Tết cuối cùng trước khi gia đình anh dọn đến nơi ở mới tại khu tái định cư phường Hương Sơ.

Nguoi dan Thuong thanh anh 2

Gia đình anh Lê Quang Vinh đang chờ được di dời đến nơi ở mới. Ảnh: Điền Quang.

Dù cuộc sống hiện còn nhiều khó khăn, anh Vinh không khỏi vui mừng vì năm sau cả nhà anh được chuyển đến nơi ở mới khang trang hơn. "Tôi đã bốc thăm nhận đất ở khu tái định cư Hương Sơ và đang chờ quyết định cấp đất của thành phố. Hy vọng ra năm, chúng tôi sẽ có nhà để cuộc sống gia đình ổn định hơn", anh Vinh chia sẻ.

Gia đình ông Nguyễn Quy ở kiệt 10 đường Xuân 68, là một trong những hộ định cư lâu đời ở khu vực Eo Bầu, kinh thành Huế (trước năm 1975).

Hộ ông Quy đang hoàn thiện các thủ tục cấp đất tái định cư và dự kiến khoảng tháng 5/2021 sẽ chuyển đến nơi ở mới. Hơn 60 năm sống ở khu vực Eo Bầu, ông Quy không khỏi bùi ngùi khi chuyển đến nơi ở mới.

"Gia đình chúng tôi rất đồng tình với chính sách của Nhà nước về việc di dân đến nơi ở tái định cư. Nơi ở hiện tại của chúng tôi mang tính tạm bợ, điều kiện sinh hoạt gặp nhiều khó khăn", ông Quy tâm sự.

Vỡ òa khi nhận chìa khóa nhà mới từ chủ tịch tỉnh

Trong căn nhà khang trang rộng 60 m2 do Nhà nước hỗ trợ xây dựng theo phương thức "chìa khóa trao tay", bà Trương Thị Hương (68 tuổi) xúc động khi nhớ lại cảnh Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế trao chìa khóa nhà tận tay cho bà.

Kinh phí xây dựng nhà cho những hộ nghèo là 209 triệu đồng/nhà. Số tiền này được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế viết thư kêu gọi từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân trong, ngoài tỉnh.

Nguoi dan Thuong thanh anh 3

Bà Trương Thị Hương vui mừng khi được hỗ trợ nhà mới. Ảnh: Điền Quang.

"Cả đời sống khổ trên Thượng Thành trong căn nhà tuềnh toàng, chật chội, nhà mới được Nhà nước cấp cho dân nghèo chúng tôi như một món quà chỉ có trong giấc mơ. Chúng tôi chỉ biết cảm ơn Nhà nước và những nhà hảo tâm đã giúp bà con có được cuộc sống mới tốt đẹp hơn", bà Hương nghẹn ngào.

Khu tái định cư như một khu đô thị mới, đường sá thênh thang, sạch sẽ, đèn đường hai bên, điện chạy ngầm. Các ngôi nhà liền kề nhau, thẳng tắp. Cách đó không xa, trường mầm non đang được xây dựng. Những hình ảnh đó, cư dân Kinh thành Huế nằm mơ cũng không thể tin là sự thật.

Gần Tết, những hộ dân ở khu tái định cư cảm thấy ấm cúng hơn vì nhà cửa khang trang, ổn định. "Tết sắp tới sẽ vui vẻ hơn, con cháu đoàn tụ, ở lại trong nhà rộng rãi. Nơi ở cũ, ngôi nhà chừng 30 m2, cả nhà chen chúc khổ sở, sinh hoạt rất bất tiện", bà Hương nói.

Nhớ cái Tết cuối ở nơi cũ, bà Hương không quên khoảnh khắc khi nhà đang cúng 30 Tết. Lúc này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã đến đón giao thừa cùng dân nghèo. Sự xuất hiện của lãnh đạo tỉnh cùng những lời chúc phúc khiến người dân Thượng Thành càng thêm tin tưởng chủ trương di dời dân cư của Nhà nước.

Chính quyền địa phương đã hỗ trợ xây dựng nhà liền kề cho 28 hộ dân nghèo Thượng Thành. Trong đó, 25 hộ đã nhận nhà, riêng 3 hộ còn lại có điều kiện đa quyết định nhường lại tiêu chuẩn cho những hộ khó khăn hơn.

Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1, di tích Kinh thành Huế là cuộc di dân lịch sử. Hơn 4.200 hộ dân phải di dời, tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 (2019-2021), 2.950 hộ dân ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ sẽ được di dời. Giai đoạn 2 (2022-2025) di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài, hệ thống hồ 4 phường nội thành TP Huế.

Bí thư tỉnh kêu gọi ủng hộ người nghèo trong cuộc di dân lịch sử

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế viết thư kêu gọi mọi người chung tay giúp những hộ dân nghèo trong cuộc di dân ở kinh thành Huế.

Điền Quang

Bạn có thể quan tâm