Theo đó, sau khi xem xét nhiều phương án, thiết kế của đơn vị tư vấn GENSLER đã được chọn. Sau khi cải tạo Dinh Thượng Thơ sẽ trở thành nhà truyền thống UBND TP.HCM.
Thời gian tới, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM sẽ làm việc với đơn vị tư vấn GENSLER để nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế cho phù hợp, tham mưu, tư vấn phương án kinh phí để báo cáo lên TP.
Dinh Thượng Thơ hiện là trụ sở của Sở Thông tin Truyền thông và Sở Công thương. Ảnh: Người Lao Động. |
Trước đó, Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc đã khảo sát hiện trạng và đánh giá Dinh Thượng Thơ mang tính lưu giữ dấu vết của những công trình công quyền đầu tiên của Sài Gòn.
Dinh Thượng Thơ hiện vẫn còn như nguyên trạng ban đầu, những đặc trưng xây dựng, kiến trúc tiêu biểu của một thời kì chưa bị mất.
Tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng trước đây là tòa nhà Nha giám đốc Nội vụ, người dân gọi là Dinh Thượng Thơ. Công trình được chính quyền xứ Nam Kỳ xây vào những năm 1860.
Tòa nhà Dinh Thượng Thơ đã gần 160 năm tuổi, nhưng vẫn giữ được chiếc cổng sắt được thiết kế tinh xảo và lối vào lát đá xanh. Dù là một trong những công trình lâu đời nhất của TP.HCM nhưng tòa nhà hiện chưa được đánh giá xếp hạng di tích và không thuộc đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị.
Tòa nhà hiện được Sở Thông tin Truyền thông và Sở Công Thương sử dụng làm trụ sở. Đầu năm 2019, Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo về việc mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND và UBND TP.
Do việc mở rộng sẽ ảnh hưởng tới tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng nên UBND TP giao Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với cơ quan liên quan tìm ra giải pháp quản lý quy hoạch kiến trúc đối với công trình này.