'Cái nôi' của võ thuật Biên phòng
"Phòng ngự - phản công", đó là lối đánh được áp dụng xuyên suốt trong tất cả các đòn đánh của võ thuật Biên phòng, được chắt lọc và phát huy từ những "tinh túy" của võ cổ truyền, võ hiện đại và võ nước ngoài. "Cái nôi" của võ thuật Biên phòng chính là Học viện Biên phòng (HVBP).
>> Hình ảnh Việt Nam tại Bảo tàng Quân đội Liên Xô
>> Hành trình chế tạo máy bay trinh sát của quân đội Việt Nam
>> Xem máy bay quân đội Việt Nam diễn tập ném bom, bắn tên lửa
Trong cái nắng hè "cháy da cháy thịt", hàng trăm học viên của HVBP vẫn hăng say ngoài sân tập. |
Đại tá Lê Như Tấn, Trưởng khoa Vũ thuật Đặc nhiệm, người nắm toàn bộ chương trình giảng dạy võ thuật của HVBP cho biết: "Các học viên năm thứ nhất khi vào HVBP chỉ học 3 bài võ thể dục gồm những động tác cơ bản nhằm tăng cường sức khỏe, độ dẻo dai... Sang năm thứ 2, các bài tập nâng dần độ khó cũng như thời lượng mỗi bài tập. Hiện chương trình huấn luyện võ thuật cho tất cả các học viên từ năm thứ 2 trở đi được chia làm 156 tiết với khoảng 15 bài tập lớn".
Theo Đại tá Lê Như Tấn, cái làm nên "thương hiệu" võ thuật Biên phòng chính là sự khác biệt trong lối đánh của các đòn thế khi áp dụng thực chiến. Võ thuật Biên phòng được chắt lọc từ võ cổ truyền, Vovinam (Võ Việt Nam), Karatedo (Nhật Bản) và Taekwondo (Hàn Quốc). Riêng võ thuật trong nước đều có một điểm chung là "lấy nhu thắng cương", lợi dụng vào sự dẻo dai, nhanh nhẹn để chống lại kẻ thù.
Riêng môn võ Vovinam lại có những đòn đánh không thể lẫn vào đâu được. Các động tác đấm, đá, chỏ, chém, gạt... đều hết sức phù hợp với tầm vóc người Việt Nam. Ngược với võ thuật Việt Nam, Karatedo và Taekwondo lại thiên về sức mạnh. Những đòn đánh hết sức uy lực, có thể gây tử vong ngay tức khắc cho kẻ địch. Chắt lọc tinh túy từ những loại võ trên, võ thuật Biên phòng thực sự tạo được "thương hiệu" hoàn toàn khác biệt. "Nhưng dù học bất kì một loại võ nào thì học các bộ tấn, cách khai triển nó là quan trọng nhất", Đại tá Lê Như Tấn chia sẻ. Nếu đứng tấn sai hoặc di chuyển không chuẩn rất dễ phản tác dụng. Chính vì thế, khi mới tập, cả tuần các học viên phải tập luyện thành thạo các động tác đơn giản nhất từ xuống tấn đến khai triển tấn và di chuyển.
Một điểm đặc thù của lực lượng là thường đi tuần tra theo đội nhỏ lẻ, địa hình hiểm trở. Lực lượng có thể tấn công bất cứ khi nào nhưng không thể ra đòn trước nếu chưa chắc chắn đối tượng đó phạm pháp. Để nâng cao tính thực chiến, các bài tập như chống đòn đánh bất ngờ, chống dao găm, đoạt súng, lựu đạn... luôn được các thầy trong khoa Vũ thuật Đặc nhiệm lưu tâm.
Thượng tá Đinh Ngọc Hòa, Phó Trưởng khoa Vũ thuật Đặc nhiệm cho biết, vì đặc thù của lực lượng nên các bài tập kể trên phải được luyện tập thường xuyên, nhằm tăng độ phản xạ và cũng để rèn luyện sự dũng cảm mưu trí khi đối mặt với kẻ địch.
Không chỉ chọn lọc và phát huy, võ thuật Biên phòng còn được phát triển ngày càng toàn diện nhờ sự đam mê và tâm huyết của những thầy giáo "quân hàm xanh". Năm 2008, HVBP cử hai thầy Trần Hữu Dũng, Tạ Hữu Hoàng vào đất võ Bình Định để học hỏi. Bốn tháng ròng rã, hai thầy học thêm được nhiều "ngón" đòn hay như bài "Hùng Kê Quyền", "Thái Sơn Côn", "Côn Nhị Khúc"..., trong đó, đặc sắc nhất là bài "Hùng Kê Quyền". Tất cả các đòn đánh trong bài quyền toát lên sức mạnh, sự tinh anh của loài gà chọi khi tham chiến. Sau chuyến đi của hai thầy Trần Hữu Dũng, Tạ Hữu Hoàng, Câu lạc bộ (CLB) võ thuật trẻ HVBP ra đời. Ba năm qua, CLB vẫn được duy trì đều đặn với số học viên tham gia từ 500 đến 600 người.
Quệt những giọt mồ hôi trên trán, học viên Nguyễn Hữu Cường cho biết, hầu hết các anh em trong Học viện đều mê võ thuật, vừa rèn luyện được sức khỏe lại nâng cao sức chiến đấu, chuẩn bị cho những nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp. CLB ra đời giúp cho việc huấn luyện võ thuật chính khóa được sâu hơn, bài bản hơn. Thời gian tập luyện tại CLB chính là để ôn lại những kiến thức đã được học.
Theo Biên phòng