Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái khó của những diễn viên là con lai

Việc mang hai sắc tộc Á - Âu khiến nhiều diễn viên không được xem trọng khi hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Cộng đồng người gốc Á ở phương Tây thường vui mừng khi thấy những diễn viên mang hai dòng máu Á - Âu thành công trong làng giải trí.

Henry Golding - ngôi sao của Crazy Rich Asians và Andrew Koji, nam chính loạt phim Warrior lấy cảm hứng từ Lý Tiểu Long, đều cho rằng vai chính của họ là bước tiến mới, những chiến thắng cho cuộc đấu tranh vì sự đa dạng sắc tộc.

Trong khi hầu hết diễn viên lai nhận ra vai trò của họ trong việc đại diện sắc tộc, không phải lúc nào cũng được chào đón, đánh giá đúng giá trị.

Diễn viên lai không có tiếng nói ở Hollywood

Với một số người, việc lớn lên với cha mẹ mang quốc tịch khác nhau đã mang đến cơ hội tiếp cận nhiều nền văn hóa và cộng đồng. Số khác lại đối mặt với câu chuyện xung đột văn hóa, khủng hoảng sắc tộc. Đôi khi, họ bị cô lập khi cố gắng hòa nhập vào cộng đồng châu Âu hoặc tiệm cận với văn hóa châu Á.

Khi South China Morning Post trò chuyện với Koji hồi tháng 1, nam diễn viên lai Anh-Nhật giải thích rằng anh đã đấu tranh rất nhiều để nhận ra việc mang hai dòng máu là niềm tự hào.

“Tôi trốn tránh điều đó trong thời gian dài. Nhiều người có suy nghĩ mặc cảm giống tôi, đều cho rằng họ không thuộc về một trong hai nền văn hóa”, sao phim Warrior nói.

Koji - người cũng đóng cùng Brad Pitt trong phim hành động kinh dị Bullet Train sắp tới, cho biết do các đặc điểm của diễn viên mang bản sắc của Á - Âu, họ thường bị hạn chế về vai diễn.

“Thật không may khi điện ảnh là ngành công nghiệp chú trọng hình thức. Những người như chúng tôi gặp quá nhiều hạn chế. Chúng tôi khó lòng hóa thân thành nhân vật cụ thể nào, dù đó là châu Âu hay châu Á. Tôi nhận thấy điều này ở nhiều bạn bè, đồng nghiệp của mình”, nam diễn viên nói thêm.

Khi được hỏi về vấn đề đa dạng sắc tộc trong Hollywood, Koji nói: “Đôi khi tôi nhận được kịch bản, chúng tôi không được quyền đòi hỏi bất cứ điều gì”.

Mia Kang - một trong những người mẫu quốc tế, võ sĩ Muay nổi tiếng nhất ở Hong Kong - cũng cho biết cô có thời gian dài đấu tranh về chuyện sắc tộc. “Khi bắt đầu sự nghiệp ở châu Á, tôi luôn bị cho rằng ‘bạn quá Tây’”, cô nói.

Cô gái 32 tuổi hiện sống ở Mỹ. Không chỉ là người Âu - Á, nữ người mẫu còn có sự giao thoa văn hóa ở quốc gia thứ ba. Cô là con út trong gia đình có cha là người Anh, mẹ Hàn Quốc và sang sống ở Đài Loan.

Nữ người mẫu cho biết việc bị tra hỏi về lý lịch và văn hóa là điều cô thường xuyên gặp phải trong cuộc đời. Sống ở đâu, cô cũng bị bắt nạt. Việc là người lai Á - Âu khiến cô thường xuyên bị cô lập trong môi trường chủ yếu là trẻ em Hong Kong, Trung Quốc hoặc toàn người châu Âu. Đó cũng là nguyên nhân khiến cô bị chứng rối loạn ăn uống.

Việc bị bắt nạt thúc đẩy Kang viết ra cuốn sách Knockout để kể về tuổi thơ cô đơn, nghiện ngập và chứng cuồng ăn, những khó khăn khi là con lai hoạt động trong ngành giải trí.

“Thuở nhỏ, mỗi khi bị bắt nạt, tôi đều tìm đến thức ăn. Ăn uống mang lại cho tôi cảm giác thoải mái về mặt tinh thần. Tôi dần phụ thuộc vào nó”, cô viết trong cuốn sách.

Sự bắt nạt tiếp tục kéo dài cho đến năm cô 13 tuổi. Áp lực con lai tiếp tục đẩy cô vào chứng rối loạn. Nữ người mẫu phải giảm cân một cách nhanh chóng để phù hợp với nghề người mẫu. “Những người như chúng tôi rất khó để tìm việc. Chúng tôi phải tận dụng mọi cơ hội có được”, Kang nói.

Nghịch lý Á - Âu

Hiện tại, dù đang hoạt động trong lĩnh vực giải trí, Kang vẫn thường xuyên đối mặt với những câu hỏi về màu da sắc tộc. Cô thường xuyên gặp những câu hỏi oái ăm từ nhiều đối tượng. “Khi tôi chuyển đến Mỹ sống, họ không nói gì khác ngoài câu ‘Bạn là người châu Á’”, Kang kể.

“Khi mọi người hỏi ‘Em là người ở đâu?, tôi luôn trả lời là Hong Kong. Tuy nhiên, họ luôn thắc mắc vì sao vẻ ngoài của tôi không giống người Trung, tôi không nói được tiếng Hoa... Điều này khiến tôi tự hỏi tiêu chí để chúng ta xác định ai đó đến từ một quốc gia là gì”, Kang thấy khó hiểu.

Nữ người mẫu cũng khẳng định khi cô xác định mình là người châu Á, những gì người khác nhìn thấy đều không còn quan trọng.

Arifin Putra, 33 tuổi, nam diễn viên người Indonesia, cho biết việc là con lai Á - Âu mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng lắm rắc rối. Ngôi sao của loạt phim Halfworlds vốn sinh ra ở Đức và chuyển đến Jakarta sống khi anh lên ba tuổi.

Sự nghiệp diễn viên của Putra bắt đầu vào năm 13 tuổi. “Một khi tôi bắt đầu diễn xuất, nhiều người cảm thấy thích thú với điều đó nhưng cũng xem diễn viên Á - Âu là điều gì đó khá kỳ lạ. Khi tôi làm việc với MTV, vẫn có người thấy lạ lẫm khi hợp tác với con lai”, Putra nói với SCMP.

Nam diễn viên cho biết diễn viên mang hai dòng máu Âu - Á đã mở ra cho anh cơ hội làm việc ở Singapore, Brunei và Hong Kong: “Những công việc này xuất hiện vì tôi không hoàn toàn phù hợp với một vùng địa lý nhất định. Nhờ vẻ ngoài lai Á nên tôi có thể làm được nhiều việc hơn”.

Cũng theo sao phim Halfworlds, Indonesia là quốc gia khá thoải mái về vấn đề sắc tộc. Tuy nhiên, là một diễn viên lai ở các nước phương Tây lại khó khăn hơn nhiều.

Khi được hỏi nếu xác định là một trong hai dân tộc, Putra nói rằng rất khó để nói. "Đó là câu hỏi khó có đáp án. Trong hộ chiếu, tôi là người Indonesia nhưng thành thật mà nói tôi không thể xác định được. Không thể chối cãi được việc tôi là con lai”, nam diễn viên nói với SCMP.

Trạch Dương

Bạn có thể quan tâm