Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cái đầu lạnh' ở HSBC

Nhạy bén, sắc sảo, mạnh dạn, đưa ra những quyết định “lạnh lùng”, Phạm Hồng Hải đã trở thành người VIệt Nam đầu tiên bước lên vị trí cao nhất trong tập đoàn HSBC.

Phải hẹn đến 2 lần, chúng tôi mới hoàn thành cuộc trò chuyện với tân tổng giám đốc của Ngân hàng (NH) HSBC Việt Nam do anh quá bận rộn với công việc cuối năm. Buổi hẹn cũng bắt đầu lúc 7 giờ, khi quán cà phê còn chưa mở cửa.

Trước cuộc hẹn, thư ký và vị tổng giám đốc này phải dò hết lịch các cuộc họp và chốt lại chỉ còn khoảng trống duy nhất lúc sáng sớm.

Dấu ấn từ những lần đầu tiên

“Mười năm trước, không có người Ấn Độ nào nằm trong danh sách CEO (tổng giám đốc điều hành) của 500 doanh nghiệp (DN) lớn nhất nước Mỹ. Nhưng ngày hôm nay, họ là lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia.

Tôi hy vọng trong tương lai, người Việt Nam cũng làm được điều này. Mặc dù khó thành hiện thực với thế hệ của tôi nhưng thế hệ kế tiếp có đầy đủ điều kiện để làm được” - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải mở đầu câu chuyện.

 

Lần đầu tiên, Tập đoàn HSBC có người Việt làm ở vị trí CEO tại một thị trường. Ngay ở Việt Nam, việc NH nước ngoài có tổng giám đốc người Việt còn chưa phổ biến nhưng với Phạm Hồng Hải, có rất nhiều lần đầu tiên để lại dấu ấn.

Một ngày tháng 7/2004, anh được Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam lúc đó là ông Alain Cany trao quyết định bổ nhiệm làm giám đốc kinh doanh vốn và ngoại tệ tại Việt Nam. Anh là người Việt đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này, khi mới 30 tuổi, bởi theo thông lệ của NH quốc tế, vị trí này thường do người nước ngoài nắm giữ.

Đến cuối năm 2004, giới tài chính trong nước xôn xao về một thương vụ hoán đổi tiền tệ giữa USD và VNĐ cho một công ty đa quốc gia với số vốn 15 triệu USD. Đây là lần đầu tiên giao dịch này được thực hiện, chỉ thí điểm tại HSBC Việt Nam.

Và người đề xuất ý tưởng này không ai khác là Phạm Hồng Hải. Thương vụ gây được sự chú ý của giới tài chính, NH trong nước bởi đã tạo nền tảng cho các giao dịch sản phẩm hoán đổi tiền tệ trong tương lai.

Anh Hải nhớ lại hoán đổi tiền tệ là sản phẩm tương đối thông dụng ở nước ngoài nhưng với Việt Nam lúc đó chưa có quy định nào về điều này. Khách hàng là một công ty đa quốc gia vay vốn ở công ty mẹ bằng ngoại tệ nhưng bán hàng ở Việt Nam thu bằng VNĐ nên chịu rủi ro rất lớn về tỉ giá. HSBC đưa ra ý tưởng sẽ hoán đổi cặp tiền tệ nhưng không biết có thực hiện được hay không.

“Quy định về luật chưa có. Thuyết phục khách hàng đồng ý xong, chúng tôi quay sang tiếp cận NH Nhà nước để giải thích và xin phép nhưng không dễ bởi quan điểm của cơ quan quản lý lúc đó không muốn có một sản phẩm mới ảnh hưởng đến tỉ giá. Hơn nữa, nếu hoán đổi với kỳ hạn quá dài sẽ khó biết biến động thực tế. Quan trọng là NH Nhà nước đánh giá có cần thiết phải thí điểm hay không?” - anh nhớ lại.

Nếu thương vụ này thành công sẽ giúp DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quản lý rủi ro về tỉ giá, ổn định tài chính và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khi chúng ta có công cụ phòng chống rủi ro.

Phải mất 6 tháng thuyết phục, NH Nhà nước mới chấp thuận cho làm thí điểm và sự thành công của giao dịch này đã mở ra bước phát triển đa dạng của sản phẩm phái sinh hiện nay.

Khi vào một thị trường, bên cạnh lợi nhuận, HSBC còn kỳ vọng xây dựng thị trường phát triển bền vững hơn. “Nếu thị trường cứ nhỏ bé hoài thì dù anh có là người dẫn đầu, miếng bánh cũng chẳng là bao” - CEO của HSBC Việt Nam nhìn nhận.

Giai đoạn anh lãnh đạo Phòng Kinh doanh vốn và ngoại hối năm 2004, rồi đến vị trí giám đốc khối dịch vụ tài chính toàn cầu, thị trường vốn và ngoại hối năm 2012 đã hỗ trợ thực hiện nhiều giao dịch lớn như tư vấn phát hành trái phiếu quốc tế, tư vấn phát hành trái phiếu tăng vốn... cho các DN, NH thương mại trong nước.

Trăn trở nhiều về trí thức trẻ 

21 tuổi, ra trường là quyết định đầu quân vào HSBC Việt Nam và bám trụ đến nay, không ít lần Phạm Hồng Hải cảm thấy chông chênh trên con đường sự nghiệp và có ý định dừng lại. Vài ba lần, Hải bị mất định hướng khi suy nghĩ việc lựa chọn con đường mình đi có đúng hay không nhưng anh may mắn vì có những người lãnh đạo tâm lý và người bạn đời luôn kề vai sát cánh trong những quyết định mạo hiểm của mình.

Trở thành CEO người Việt đầu tiên khi tròn 40 tuổi (năm 2014), ngoài cảm giác tự hào của bản thân, niềm vui lớn nhất mà Phạm Hồng Hải cảm nhận được đó là lúc nói chuyện với nhân viên của NH, khách hàng và cả cơ quan quản lý, đối thủ cạnh tranh, nghe họ chia sẻ người Việt có khả năng hoàn thành những mục tiêu lớn lao.

Anh nhìn nhận thế hệ của mình chắc khó vươn ra quốc tế để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tập đoàn mà trông đợi nhiều vào thế hệ kế tiếp đang có thuận lợi về ngoại ngữ, sự thâm nhập nền giáo dục quốc tế và năng lực của các em.

Tại HSBC toàn cầu, hiện chỉ có 2 người Việt đảm nhiệm vị trí quản lý cấp cao ở các thị trường. Con số thật ít ỏi. Thế nên, làm CEO ở một nước cũng tốt nhưng chúng ta cần nghĩ rộng hơn ra việc chinh phục thế giới.

Các khách hàng lớn đã chia sẻ rằng thế hệ trẻ Việt Nam bây giờ dường như nghĩ đến cái trước mắt nhiều hơn. Trong khi tập trung vào việc “làm sao tôi có được vị trí của sếp tôi?”, họ lại lo dè chừng, cạnh tranh nhau. Đôi lúc, để chiếm được chỗ đứng này, họ lại kéo tất cả cùng đi xuống. Thế nên, vị CEO trẻ này trăn trở làm sao để bất kỳ người Việt nào thành công phải được hỗ trợ tối đa. Nhìn ra các nước, Việt Nam đã tụt hậu rất xa trong việc xuất khẩu tài năng.

Ngành tài chính quá khắc nghiệt, không phải ai cũng đủ nhiệt huyết, quyết tâm và kiên trì theo đuổi con đường mình đã chọn. Ở Việt Nam, kiếm tiền đã vất vả nhưng các quy định đối với ngành tài chính do còn đang ở giai đoạn hình thành nên càng khó.

“Mình vẫn phải năng động, phát triển nhưng không nên vượt qua lằn ranh mà nhiều khi rất mong manh giữa cái đúng, cái sai” - anh nói. Lứa sinh viên ngành tài chính NH thế hệ của anh ra trường năm 1995, đến nay, người còn trụ lại trong ngành chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Trước Hải một vài khóa, chỉ vài người đến giờ còn làm tài chính ở vị trí lãnh đạo.

Trong câu chuyện, anh nói nhiều về những kỳ vọng mà HSBC Việt Nam sẽ làm trong tương lai để đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng DN. Lợi thế chính là mạng lưới của tập đoàn ở 74 quốc gia. Việt Nam ngày càng tăng cường kết nối giao thương với các nước, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, với mạng lưới của HSBC, bất kỳ khách hàng nào của HSBC muốn mở rộng mạng lưới ở nước ngoài đều được đáp ứng.

“HSBC có sứ mệnh quảng bá Việt Nam ra nước ngoài vì còn chưa nhiều nhà đầu tư hiểu thật sự về Việt Nam. Thông thường, nghĩ tới Việt Nam, họ sẽ hình dung một bức tranh về chiến tranh hoặc kinh tế với lạm phát cao nhưng thực tế, đất nước đã đổi thay rất nhiều. Chúng tôi cho rằng mình có sứ mệnh phải quảng bá môi trường đầu tư trong nước bởi kinh nghiệm cho thấy chỉ cần họ đến Việt Nam một lần, họ sẽ thay đổi cách nhìn” - anh Hải hồ hởi.

 

http://nld.com.vn/kinh-te/cai-dau-lanh-o-hsbc-20150205094444628.htm

Theo Thái Phương/Người lao động

Bạn có thể quan tâm