Trong hơn 50 năm qua, máy ảnh có gương lật (SLR và DSLR) đã trở thành biểu tượng của giới nhiếp ảnh nhờ thông số kỹ thuật ấn tượng cùng thân máy cứng cáp, thể hiện sự chuyên nghiệp đặc trưng.
Tuy nhiên, những ông lớn trong lĩnh vực ảnh kỹ thuật số như Sony, Canon và Nikon đã dần thu nhỏ các thiết bị mà vẫn kế thừa những đặc tính chuyên nghiệp vốn có. Đó là lúc những chiếc máy ảnh không gương lật (mirrorless) nhỏ gọn ra đời, chúng dần chiếm lấy doanh số của máy ảnh DSLR.
Theo dữ liệu của Techno System Research, đã có tổng cộng 5,65 triệu máy ảnh ống kính rời được sản xuất tại Nhật Bản vào năm 2020, trong đó bao gồm 3,26 triệu máy ảnh mirrorless so với 2,39 triệu máy ảnh DSLR. Đây cũng là năm đầu tiên máy ảnh mirrorless tại Nhật bán chạy hơn DSLR. Hiệp hội sản phẩm ngành ảnh Nhật Bản (CIPA) vào tháng 2 cũng công bố số liệu cho thấy lượng camera bán ra giảm mạnh trong năm 2020 do đại dịch. Trong đó, mức giảm của máy ảnh mirrorless là 24%, trong khi con số của DSLR lên tới 48%.
Sony là công ty tiên phong nghiên cứu và sản xuất các dòng máy ảnh mirrorless cao cấp. Ảnh: The Verge. |
Đến năm 2021, các nhà sản xuất máy ảnh DSLR lớn như Canon hay Nikon đều chấp nhận sự thật là dòng máy ảnh này không còn khả năng phát triển mạnh trong tương lai. Đại diện Canon xác nhận hãng đang tập trung vào phát triển dòng ống kính ngàm RF cho máy ảnh mirrorless, trong khi Nikon cũng cho biết đang tập trung cho máy ảnh không gương lật.
Đặc điểm nổi bật của các dòng máy ảnh mirrorless là chúng có thiết kế nhỏ, dễ dàng mang vác và sở hữu hệ thống lấy nét tốt hơn khá nhiều so với các dòng máy DSLR. Máy ảnh mirrorless cũng thường sở hữu hàng trăm điểm lấy nét so với chỉ hàng chục điểm trên DSLR.
“Bạn có đầy đủ thông tin về ánh sáng đi qua cảm biến hầu như mọi thời điểm, và một trong những yếu tố quan trọng nhất mà bạn có thể sử dụng chính là khả năng lấy nét rất tốt của máy ảnh mirrorless”, Stephen Shankland, phóng viên, nhiếp ảnh gia lâu năm của CNET cho biết.
Bên cạnh đó, máy ảnh mirrorless lại được đánh giá cao ở chức năng quay phim. Các thiết bị này sở hữu thiết kế nhỏ gọn, khả năng bắt nét chính xác gần như tuyệt đối và có nhiều công nghệ hỗ trợ quay phim đi kèm.
Tất nhiên, máy ảnh DSLR vẫn có đối tượng khách hàng riêng, là những người yêu cầu dung lượng pin cao, khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt. Điều này khá dễ hiểu vì các máy DSLR thường sở hữu thân máy to hơn, được trang bị vật liệu cứng cáp và bền bỉ nhằm phục vụ các mục đích khác nhau trong nhiều môi trường riêng biệt.
Ngoài ra, giá của các ống kính sử dụng cho dòng máy ảnh mirrorless vẫn còn khá cao và chưa thể tiếp cận phân khúc người dùng phổ thông. Chúng thường có giá cao hơn từ 1,5-2 lần so với những ống kính cùng tiêu cự và khẩu độ sử dụng trên các dòng máy DSLR.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội các sản phẩm máy ảnh và hình ảnh Nhật Bản, thị trường máy ảnh ống kính rời, bao gồm cả DSLR và mirrorless, sẽ chưa thể đạt tới giai đoạn bão hòa như những gì Canon khẳng định trước đó. Mỗi dòng máy ảnh đều có chức năng riêng và sẽ phù hợp với từng nhu cầu cụ thể của người dùng.