Em họ của bà Cullors, ông Keenan Anderson, đã chết trong cuộc chạm trán với cảnh sát Los Angeles sau khi bị tai nạn giao thông.
Người đàn ông 31 tuổi này là một giáo viên trung học. Theo các cáo buộc từ gia đình và video từ camera hành trình vào ngày 3/1 được công bố hôm 11/1 cho thấy các sĩ quan cảnh sát dùng súng điện để khống chế ông Anderson trên đường phố.
Ông Anderson cần giúp đỡ sau cuộc va chạm ôtô. Ảnh: Patrisse Cullors. |
“Xin hãy cứu tôi”
Sự việc diễn ra vào lúc 15h30 chiều 3/1 tại đại lộ Venice và Lincoln khi một sĩ quan bắt gặp ông Anderson tại hiện trường va chạm ôtô.
Ông Anderson đứng giữa đường cầu xin sự giúp đỡ sau vụ tai nạn, viên cảnh sát yêu cầu ông lên vỉa hè và ra lệnh: “Quay mặt vào tường”.
Sau vài phút tuân theo mệnh lệnh của sĩ quan và ngồi xuống vỉa hè, Anderson bày tỏ sự lo lắng về hành vi của viên cảnh sát. “Tôi muốn mọi người nhìn thấy tôi”, ông Anderson nói và cho rằng: "Anh đang đặt sự áp chế lên tôi đấy”.
Cuối cùng, ông Anderson bắt đầu bỏ chạy, viên cảnh sát đuổi theo và hét lên: “Nằm xuống đất ngay”.
Trong tình thế bị giật điện và cưỡng chế, ông Anderson liên tục cầu xin sự giúp đỡ: “Xin hãy giúp tôi, họ đang cố giết tôi.
Họ đang cố "George Floyd" tôi, ông Anderson nói, trong đó dùng cái tên George Floyd như một động từ để diễn tả hành động tấn công có nguy cơ làm chết người. George Floyd là người da đen đã thiệt mạng sau khi bị các sĩ quan cảnh sát dùng đầu gối đè vào cổ trong vụ việc chấn động nước Mỹ năm 2020.
Một sĩ quan dùng khuỷu tay đè lên cổ ông Anderson nằm xuống, trong khi một sĩ quan khác liên tục dùng súng điện bắn vào cơ thể ông liên tục 30 giây, dừng lại, rồi tiếp tục tấn công thêm 5 giây.
Một sĩ quan dùng khuỷu tay đè lên cổ ông Anderson nằm xuống, trong khi một sĩ quan khác liên tục dùng súng điện bắn vào cơ thể ông. Ảnh: Cắt từ video hiện trường. |
“Em họ của tôi đã cần giúp đỡ, nhưng không được ai giúp và đã bị giết”, bà Cullors chia sẻ với tờ Guardian sau khi xem video của Sở cảnh sát Los Angeles (LAPD).
“Không ai đáng phải chết trong sự sợ hãi và hoảng loạn. Cậu ấy đã nhận thức khi bị đe dọa và chỉ đang cố gắng bảo vệ bản thân, nhưng không ai sẵn sàng bảo vệ cậu ấy”, bà Cullors nói thêm.
Người đồng sáng lập phong trào Black Lives Matter cho rằng cái chết của em họ mình lẽ ra có thể tránh được.
“Đó là một vụ tai nạn giao thông. Cảnh sát nên gọi xe cứu thương thay vì đối xử với cậu ấy như một tên tội phạm tiềm ẩn”, bà Cullors nói.
Bà cho biết thêm: “Những kiểu giết người bằng vũ lực này sẽ không dừng lại trừ khi chúng ta có các quan chức dũng cảm lên tiếng, thách thức không chỉ cảnh sát mà còn cả các chính sách”.
Bà Patrisses Cullors, người đồng sáng lập Black Lives Matter. Ảnh: Los Angeles Times. |
Tranh cãi sau cái chết
Dữ liệu quốc gia Mỹ chỉ ra rằng khoảng 10% vụ giết người do cảnh sát thực hiện mỗi năm bắt đầu từ một vụ tai nạn giao thông, và trong ba người thiệt mạng có một người bỏ chạy trước khi vũ lực gây tử vong xảy ra.
Báo cáo cũng cho rằng riêng LAPD đã bắn chết hai người trong năm nay và gây ra cái chết của Daniel Hernandez sau một vụ tai nạn ôtô.
Ngoài ra, ngày càng có nhiều bằng chứng về hậu quả gây tử vong của súng giật điện. Reuters đã điều tra hơn 1.000 trường hợp tử vong sau khi bị cưỡng chế bằng súng giật điện từ năm 2000 đến 2018.
Nhiều nghiên cứu cũng đã đặt nghi vấn việc sử dụng súng bắn điện liệu có phải là giải pháp thay thế cho súng cầm tay. Nghiên cứu ở San Francisco và Chicago đã chỉ ra sự thay thế này không giảm số lượng người chết, khi cảnh sát dùng súng điện kể cả trong trường hợp mà trước đây họ không dùng súng.
Sau khi cùng bà Cullors xem đoạn video, tiến sĩ Melina Abdullah, người đồng sáng lập Black Lives Matter Los Angeles cho rằng: “Sự việc là một lời nhắc nhở với câu nói ‘Mạng sống của người Da đen quan trọng’. Chúng ta không đấu tranh cho lý do nào khác ngoài cuộc sống của chính người dân chúng ta”.
Ông Michael Moore, Giám đốc LAPD, nói rằng ông Anderson đã có những cư xử “thất thường”, tuyên bố kết quả xét nghiệm máu sơ bộ cho thấy cần sa và cocaine trong cơ thể nạn nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân chính thức của cái chết vẫn chưa xác định. Nhiều người ủng hộ phong trào cũng chỉ trích cảnh sát vì nêu bật lên việc chất kích thích liên quan đến cái chết.
Ngoài ra, ông Moore khẳng định Anderson đang ở trong “trạng thái tinh thần bị thay đổi” và “không rõ vai trò cuộc chạm trán thể chất với các sĩ quan và việc sử dụng súng bắn điện” trong cái chết đáng tiếc của người này.
“Cái chết của Anderson thật khủng khiếp. LAPD gọi đó là ‘cái chết khi bị khống chế’ thay vì ‘giết người’ kể cả khi cậu ấy đã bị giật điện đến chết”, bà Abdullah nhấn mạnh. “Chúng tôi biết rằng một vụ tai nạn giao thông nhỏ không thể dẫn đến cái chết của bất kỳ ai, đặc biệt là một người đàn ông da đen, người không có vũ khí và không làm gì sai”, bà khẳng định.
Thị trưởng Los Angeles Karen Bass đã gọi đoạn video về Anderson và hai vụ xả súng chết người gần đây “đáng lo ngại sâu sắc”, đồng thời tuyên bố: “Khi người dân không gây ra những rủi ro lập tức cho người khác, cơ quan thực thi pháp luật không được là người phản ứng đầu tiên khi ai đó đang gặp khủng hoảng về sức khỏe tâm thần”.
Keenan Anderson, 31 tuổi, một người cha và là một giáo viên tận tâm. Ảnh: Patrisse Cullors. |
Kể về người em họ của mình, Cullors cho biết bà và ông Anderson là thành viên của đại gia đình di cư từ Louisiana nhằm “thoát khỏi nạn phân biệt chủng tộc, thoát khỏi sự khủng bố của những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng”.
Ngoài ra, bà cũng chia sẻ rằng em họ mình là "một nhà giáo dục tận tâm" với học sinh.
“Cậu ấy luôn hiện diện với một nhà giáo dục đặt niềm tin vào giáo dục”, bà Cullors nói.
Người đồng sáng lập Black Lives Matter còn cho biết thêm ông Anderson khi còn trẻ đã được khích lệ để “trở thành một con người tốt hơn, tạo nên sự khác biệt và tác động đến cuộc sống mọi người”.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.