Khi cha mẹ Goi Zhen Feng đến Thái Lan, họ mong mỏi sẽ tìm thấy và mang đứa con trai lớn của mình trở về Malaysia một cách an toàn. Thế nhưng, hai tuần sau, thứ mà họ cầm trên tay lại là một chiếc bình đựng tro cốt.
Goi Zhen Fen, giáo viên thực tập 23 tuổi, đã chết một mình vào ngày 11/5 trong bệnh viện ở thị trấn Mae Sot, nằm tại biên giới phía tây Thái Lan. Cuộc đời của anh đã kết thúc khi gia đình không hề hay biết, sau chuyến hành trình hỗn loạn và ngoài ý muốn đến trung tâm của thế giới lừa đảo ở châu Á.
Tại buổi lễ hỏa táng ở Si Racha, thị trấn ven biển miền Đông Thái Lan, cha mẹ Zhen Fen hôm 15/9 đã nhẹ nhàng đặt áo hoodie và balo của con trai vào trong quan tài màu trắng.
Khi chiếc quan tài biến mất bên trong lò thiêu, người mẹ Yang Fei Pin đã siết chặt cánh tay chồng mình, Goi Chee Kong.
“Tôi đã ở đó theo dõi phòng sinh khi vợ tôi sinh thằng bé. Lúc đó, tôi rất vui sướng”, ông Goi Chee Kong, một thợ cơ khí 50 tuổi, kể lại. "Nhưng giờ đây, khi tôi nhìn thấy thi thể của con trai mình, trái tim tôi đau đớn".
Bà Yang Fei Pin cầm điện thoại chụp ảnh con trai quá cố Goi Zhen Feng. Ảnh: South China Morning Post. |
Ác mộng tại "địa ngục trần gian"
Các quan chức Malaysia tin rằng cái chết của Goi Zhen Feng là một trong những trường hợp chính thức đầu tiên bắt nguồn từ các băng nhóm lừa đảo, chuyên săn lùng thanh niên châu Á để cưỡng bức lao động và tống tiền.
Nhưng lời khai từ những người được giải cứu, cũng như video trên mạng xã hội, cho thấy nhiều khả năng đã có nhiều người khác, bị giết bởi nhóm bắt giữ hoặc trong các lần đào tẩu tuyệt vọng.
Theo South China Morning Post, cái chết của Zhen Feng ở miền Đông Thái Lan có thể không bao giờ được làm rõ.
Tuy nhiên, giống như hầu hết nạn nhân, nó bắt nguồn bên trong mảnh đất kiếm ăn của những tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội .
“Con trai tôi đã đã gặp một người bạn gái trên mạng và nói chuyện qua các cuộc gọi video”, cha Zhen Feng nói. "Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy khuôn mặt của cô ấy nhưng chúng tôi nghe thấy giọng nói của cô ấy… Bất cứ khi nào chúng tôi vào phòng, cô ấy sẽ kết thúc cuộc gọi vì ngại ngùng hoặc do kết nối Internet bị lỗi".
Vào ngày 19/1, Zhen Feng rời nhà ở thành phố Ipoh, trung tâm của Malaysia, đến Bangkok để gặp gỡ “người tình” trực tuyến của mình. Anh hứa sẽ trở lại vào ngày 5/2, một ngày trước sinh nhật mẹ. Thế nhưng, khi ngày đó đến, anh không xuất hiện.
"Tôi biết có điều gì đó không ổn", bà Yang Fei Pin nói. "Con trai tôi sẽ luôn bên tôi vào ngày sinh nhật".
Cha mẹ anh sau đó đã báo cáo vụ mất tích với cảnh sát Malaysia.
Vào ngày 31/3, họ nhận được một cuộc gọi khó hiểu từ con trai mình, nói rằng anh đang nằm viện ở Mae Sot - một thị trấn biên giới giáp với “đặc khu kinh tế” của Myanmar, nơi có sòng bạc khét tiếng KK Park, và cách Bangkok gần 500 km.
Sòng bạc này nổi tiếng là một cơ sở lừa đảo lớn và được tạo thành từ hàng chục tòa nhà bao gồm siêu thị, ký túc xá và khách sạn.
“Con trai tôi nói rằng nó cần khoảng 17.600 USD để chữa bệnh. Chúng tôi chắc chắn rằng nó đang bị đe dọa”, cha của Zhen Feng nói. "Con trai tôi nói chuyện như một người hoàn toàn khác".
Đó cũng là lần cuối cùng họ nghe thấy giọng nói của Zhen Feng. Anh ấy đã biến mất sau cuộc nói chuyện điện thoại này.
Cha mẹ anh Goi Zhen Feng trong lễ hỏa táng cho con trai ở Thái Lan hôm 15/9. Ảnh: South China Morning Post. |
Các quan chức Malaysia, cùng với nguồn tin bên trong các phòng lừa đảo tại KK Park, cho biết họ đã nhìn thấy những người đàn ông trẻ ốm yếu, suy nhược, làm việc nhiều giờ.
Những người đến từ Hongkong, Đài Loan và Thái Lan đã thoát ra khỏi nơi này, mô tả một mê cung các trung tâm lừa đảo, nơi các hoạt động giao dịch, buôn bán “nhân viên bán hàng" được tiến hành. Những người bị ép buộc lao động phải chịu tra tấn, lạm dụng và thậm chí cưỡng bức lấy nội tạng.
Zhen Feng bị một người lạ mặt đưa vào bệnh viện vào ngày 11/4, nhập viện với tên và số hộ chiếu Malaysia giả, trong tình trạng không thể nói được. Điều này khiến gia đình không thể tìm ra anh, cho đến khi quá muộn.
Giấy chứng tử của anh ta ghi nguyên nhân cái chết là hội chứng Guillain - Barre, một chứng rối loạn hiếm gặp, trong đó hệ miễn dịch tự tấn công vào các dây thần kinh của cơ thể. Nhưng các quan chức Malaysia và những người khác biết về vụ án tin rằng anh bị đánh vì có những dấu hiệu như xuất hiện nội.
Sau khi không có ai nhận ở Mae Sot, thi thể của Zhen Feng được các tình nguyện viên vận chuyển đến một ngôi chùa Phật giáo ở Si Racha, miền Đông Thái Lan. Tại đây, thi thể đã được hỏa táng vào hôm 15/9, sau khi cha mẹ Zhen Feng đối chiếu ADN.
Trước đó, chỉ đến hôm 30/8, họ mới phát hiện ra con trai mình được cho là đã chết khi các mảnh ghép của câu đố bi thảm từ từ được đặt đúng vị trí.
Cái chết của Goi Chee Kong là một lời cảnh tỉnh đau đớn cho những người trẻ tuổi khác.
“Dù là lời mời gặp gỡ bạn bè hay lời đề nghị làm một công việc lương cao qua mạng, xin đừng để bị họ lừa. Các tổ chức này sẽ dùng mọi cách để dụ bạn vào địa ngục trần gian”, theo South China Morning Post.
Cái chết của Goi Chee Kong là một lời cảnh tỉnh đau đớn cho những người trẻ tuổi khác. Ảnh: South China Morning Post. |
Băng đảng xã hội đen Trung Quốc
Vụ lừa đảo do các băng đảng xã hội đen Trung Quốc cầm đầu, điều hành từ các khu phức hợp chủ yếu ở thị trấn ven biển Sihanoukville, Campuchia, cùng một số nơi khác tại biên giới Myanmar và Lào.
Hoạt động thông qua các hồ sơ giả mạo tinh vi và trang web bóng tối - chuyên sao chép các ngân hàng và doanh nghiệp thực - chúng đi “săn bắt" và lừa các nạn nhân vào bẫy bằng cách đóng giả là đại lý giao dịch tiền điện tử, cảnh sát hoặc quan chức khác.
Một số người được gọi là “nhân viên bán hàng" đã làm việc cho các băng đảng này dù ý thức được những thiệt hại mà họ gây ra, các nhà chức trách cho biết.
Nhưng nhiều người khác bị lừa và trở thành nạn nhân của đường dây buôn người. Một khi đã vào bên trong trung tâm lừa đảo, họ sẽ trở thành nợ nô và phải trả khoản phí dao động từ 3.000-15.000 USD mới có thể rời đi.
Victor Wong, một doanh nhân Malaysia làm việc tại Thái Lan, người đã giúp đỡ cha mẹ của Zhen Feng cũng như các nạn nhân trong mạng lưới lừa đảo cho biết: “Đó là một khoản tiền chuộc”.
“Nó được thanh toán bằng tiền điện tử... không thể theo dõi được”, ông nói.
Những người từ chối làm việc hoặc quá nghèo không thể trả nổi sẽ tiếp tục bị bán vào các mạng lưới mới.
Các quan chức tin rằng cơ sở tồi tệ nhất trong số các địa điểm lừa đảo là bên trong tòa nhà mái đỏ KK Park, thuộc khu vực của phiến quân Myanmar.
“Đó là một nơi rất tồi tệ” Sim Chon Siang, một nghị sĩ của cơ quan lập pháp bang Pahang, người đã giúp giải cứu một số người Malaysia và đồng hành cùng cha mẹ của Zhen Feng, cho biết.
KK Park nổi tiếng là một cơ sở lừa đảo lớn và được tạo thành từ hàng chục tòa nhà bao gồm siêu thị, ký túc xá và khách sạn. Ảnh: Shutterstock. |
Vào giữa tháng 8, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ doanh nhân Trung Quốc She Zhijiang, người đứng sau các dự án tình nghi liên quan đến hoạt động cờ bạc bất hợp pháp ở Đông Nam Á và bị Interpol truy nã.
Báo chí Trung Quốc đưa tin She, người mang hộ chiếu Campuchia, được cho là chủ tịch Yatai International Holdings Group - tập đoàn đã đổ hàng tỷ USD vào việc xây dựng thành phố mới Yatai của Myanmar, đối diện với Mae Sot của Thái Lan.
Khu vực này có khu giải trí Shwe Koko, nơi KK Park được biết đến là sòng bạc nổi tiếng nhất.
Dân biểu Sim tin rằng vài trăm người Malaysia vẫn đang gặp khó khăn. Ông cho biết gần đây, ông đã giúp hai người bị mắc kẹt trong nhiều tuần ở Sihanoukville. Họ đã chạy khỏi một chiếc xe tải, chở đầy người đến từ Đài Loan và Trung Quốc đại lục, trong khi bị buôn bán qua Thái Lan trên đường đến KK Park.
“Con cái của chúng ta đang rơi vào những cơ sở lừa đảo này… Mọi quốc gia đều có nghĩa vụ tìm cách để ngăn chặn nó”, ông Sim nói thêm.
Khi ngọn lửa nuốt chửng quan tài của Zhen Feng, từ ngôi nhà tại Ipoh, Malaysia, em trai và em gái của anh đã theo dõi qua video phát trực tiếp. Họ khóc nức nở và chắp tay cầu nguyện.
Giờ đây, một người con đã chết, một người anh đã mất - khoảng trống trong một gia đình sẽ mãi mãi không bao giờ được lấp đầy.