Cuối thập niên trước, khái niệm số 9 ảo bắt đầu phổ biến trong bóng đá thế giới, với sự bùng nổ của Cristiano Ronaldo trong màu áo Manchester United, Lionel Messi dưới thời Pep Guardiola hay Cesc Fabregas trong màu áo tuyển Tây Ban Nha thống trị châu Âu và thế giới.
Tuy nhiên, khái niệm số 9 ảo thực tế đã được áp dụng trong bóng đá từ những thập niên đầu của thế kỷ XX.
Matthias Sindelar qua đời đầy bí ẩn ở tuổi 35. Ảnh: Getty. |
Mozart của bóng đá
Trong cuốn sách “Tor: Câu chuyện của bóng đá Đức”, tác giả Hesse-Lichtenberger khẳng định Matthias Sindelar, một tiền đạo người Áo là người đầu tiên của bóng đá thế giới, thành danh trong vai trò số 9 ảo.
Chân sút sinh năm 1903 từng là trung phong của ĐTQG Áo trong những năm 1930. Sindelar có thân hình gầy gò nhưng cực khéo léo và thông minh, ông được gọi là “Mozart của bóng đá”. Thế nên sau này, tiền vệ của Arsenal, Tomas Rosicky, chỉ có danh xưng “Tiểu Mozart”.
IFFHS (Liên đoàn Thống kê và Lịch sử bóng đá thế giới) năm 1999 chọn Sindelar là chân sút vĩ đại nhất nước Áo trong thế kỷ XX. Nhiều chuyên gia nhận định ông là một trong những cầu thủ hay nhất lịch sử thế giới trước Thế chiến II. IFFHS xếp Sindelar đứng thứ 22 trong danh sách những cầu thủ hay nhất thế giới thế kỷ XX.
Ở thời đại của Sindelar, tại nước Áo, những người am hiểu bóng đá nhất thường là các nhà phê bình điện ảnh hay văn học. Alfred Polgar là nhân vật như thế. Ông chính là chuyên gia có cơ hội xem tận mắt Sindelar chơi bóng, để có thể viết nên một chương lịch sử đầy biến thiên của bóng đá Áo.
“Sindelar như sở hữu đôi chân có mắt”, Polgar viết. “Rất nhiều điều kỳ diệu được anh ta tạo ra khi đang chạy với tốc độ cao. Cú sút tung lưới đối thủ của Sindelar chỉ là đoạn kết cho một bản giao hưởng tuyệt vời”.
Cuộc cách mạng trong việc sử dụng tiền đạo đầu tiên của bóng đá thế giới có lẽ đến từ Hugo Meisl, người dẫn dắt tuyển Áo trong những năm 30 của thế kỷ trước. Meisl nhìn ra phẩm chất đặc biệt của Sindelar và quyết định từ bỏ việc sử dụng một số 9 truyền thống, để biến Sindelar thành một bóng ma trước khung thành trong sơ đồ 2-3-5 của mình.
Xuất thân là một tiền đạo, nhưng Sindelar lùi sâu và đóng góp rất nhiều vào lối chơi của đội bóng. Trong 9 năm chơi cho ĐTQG Áo (1926-1937), Sindelar ghi 26 bàn sau 43 lần ra sân.
Với phát kiến độc đáo của Meisl, tuyển Áo vào đến bán kết World Cup 1934, còn cá nhân Sindelar giành danh hiệu Chiếc giày bạc và vào đội hình tiêu biểu giải đấu.
Nhiều người Áo tin nếu không có cái chết đột ngột và đầy bí ẩn vào năm 1939, Sindelar đã có thể vĩ đại hơn nữa.
Sindelar được nhiều người Áo coi là chân sút hay nhất lịch sử. Ảnh: Getty. |
Trận đấu định mệnh và màn khiêu khích
Sindelar được đề nghị chơi cho tuyển Đức, nhưng từ chối khi viện cớ mình đã quá tuổi, nhưng Sepp Herberger, HLV trưởng tuyển Đức khi đó, không tin.
Ngày 3/4/1938, tuyển Áo chơi một trận đấu cuối cùng trước khi bị giải tán tại thủ đô Vienna. Sindelar chơi trận này.
Trận đấu này nổi tiếng đến mức sau này nó đã được đưa vào từ điển tiếng Đức với tên Anschlussspiel (tạm dịch: trận đấu đoàn kết), như cách để thể hiện mối thân tình giữa hai quốc gia thời bấy giờ.
Tuy nhiên, không phải người dân Áo nào cũng có thiện cảm với chính quyền Đức khi ấy. Sindelar dường như là một trong số đó.
Tuyển Áo chơi trên chân Đức. “Mozart của bóng đá” bỏ lỡ hàng loạt cơ hội ngon ăn trong hiệp 1. Những nhân chứng kể lại rằng cái cách ông sút bóng ra ngoài khung thành gần như là lời chế nhạo với người Đức.
Các trang báo thêu dệt Sindelar không ghi bàn là có lý do. Ông không muốn mình mang niềm vui đến cho những khán giả theo dõi trận đấu sặc mùi phi bóng đá này.
Tuy nhiên, sang hiệp 2, sau khi Schasti Sesta ghi bàn cho tuyển Áo từ một quả đá phạt, Sindelar đã ăn mừng bằng cách nhảy múa trước mặt những quan chức người Đức. Áo thắng chung cuộc 2-0.
Nhiều tháng sau đó, Sindelar tiếp tục từ chối việc thi đấu cho ĐTQG mới. Ông cũng không giấu việc ủng hộ người Do Thái. Cánh báo chí được dịp đưa tên tuổi cầu thủ này lên các mặt báo, và những câu chuyện thêu dệt được đưa ra.
Sindelar (đầu tiên từ phải sang), cùng các đồng đội ở ĐTQG Áo dự World Cup 1934. Ảnh: Getty. |
Bi kịch
Buổi sáng ngày 23/1/1939, trong nỗ lực tìm kiếm Sindelar, một người bạn thân của ông phải phá vỡ cánh cửa trong một căn hộ tại Annagasse. Chân sút vĩ đại của nước Áo nằm đó trong trạng thái không mặc quần áo, chết bên cạnh Camilla Castignola, bạn gái mới quen được 10 ngày.
Camilla sau đó qua đời trên đường đến bệnh viện. Nhà chức trách thông báo cả hai nạn nhân bị ngạt khí CO phát ra từ lò sưởi bị lỗi. Tuy nhiên, các công tố viên lại không đưa ra được kết quả điều tra cuối cùng. 6 tháng sau, chính quyền Đức khép lại vụ án.
Kronen Zeitung, một tờ báo của Áo từng đăng một bài viết với tuyên bố “mọi chỉ dấu đều cho thấy cầu thủ vĩ đại của đất nước là nạn nhân của một vụ đầu độc”. Trong một bộ phim tài liệu được BBC phát vào năm 2003, Egon Ulbrich, người bạn của Sindelar, tuyên bố một quan chức địa phương đã bị mua chuộc để ghi lại cái chết của bạn mình như một tai nạn.
Trong cuốn sách, “Vũ điệu chết chóc của một ngôi sao”, tác giả Friedrich Torberg lại tin rằng Sindelar đã tự sát, vì quá chán ghét thời cuộc.
Guardian sau khi tiếp cận những hồ sơ của vụ án, tin rằng đây dường như chỉ là một vụ tai nạn khí độc thông thường. Những bằng chứng cho thấy vài ngày trước khi xảy ra vụ tai nạn, các hàng xóm đã thấy khói bốc lên từ căn hộ của Sindelar.
Tuy nhiên, nhiều người không chấp nhận sự thật đó. Làn sương bí ẩn quanh cái chết của tiền đạo này như dày thêm, sau khi bạn gái mới Camilla của Sindelar được cho là một người Do Thái.
Trong sự nghiệp của mình, Sindelar cũng nổi danh trong màu áo Austria Vienna, một CLB của những người Do Thái di cư. Bất kể sự thật là gì, Sindelar cũng đã có một sự nghiệp đặc biệt, trong giai đoạn đầy biến động của thế giới.
Guardian gọi Sindelar giống như một “con thiên nga phi thường”, có kết cục bi tráng, hoặc đau thương, trong mắt nhiều người hâm mộ.