1. Trịnh Long H., chủ một tiệm cầm đồ trên quận Đống Đa (Hà Nội) có bề ngoài khá hầm hố. Đầu húi cua, móng tay dài nghều, chuyên mặc áo phanh ngực. Nhưng trái ngược với vẻ ngoài, H. lại có giọng nói khá điềm đạm, thậm chí nhũn nhặn. Dân trong nghề ai cũng biết, tiệm cầm đồ chỉ là cái vỏ bọc, thực chất H. là một trong những "chủ họ" có tiếng ở Hà Nội.
H. nổi tiếng trước hết là bởi cái sự linh hoạt, mềm dẻo của hắn. Khách hàng bất cứ khi nào có việc cần đến tiền, gõ cửa H. thì đều không phải ra về tay không. Ngân hàng có bao nhiêu kiểu cho vay, thì H. cũng có chừng ấy kiểu.
Từ những bát họ "cò con" tầm mười, mười lăm, hai mươi triệu đồng… cho đến những khoản vay tầm một vài trăm triệu H. đều "ôm" hết. Có nhiều chủ họ chê khách hàng vay ít, không thèm tiếp, hoặc tiếp nhưng với thái độ lạnh nhạt. Thì H. lúc nào cũng rất niềm nở, bởi hắn thuộc lòng bài học "năng nhặt chặt bị", "tích tiểu thành đại".
Trong một buổi trà dư tửu hậu, H. bật mí với tôi. Ngày ra tù (H. từng nhiều năm phải bóc lịch về tội cố ý gây thương tích, đánh bạc, tổ chức đánh bạc), H. cùng mấy "bạn tù" mới rủ nhau lập hội làm ăn. Nghĩ mãi mà chẳng ra, vì 4-5 thằng chẳng thằng nào có nghề ngỗng gì tử tế cả. Được một người bà con mách nước cho nghề "làm tài chính", vậy là H. xin vào mấy tiệm cầm đồ để học việc. Chừng một năm sau, H. vay mượn bạn bè, hùn vốn cùng 3 người anh em khác mở riêng một tiệm cầm đồ.
Trang rao vặt của một đường dây tư vấn tài chính ở Hà Nội. |
Chỉ trong 2 năm "làm tài chính", H. đã có một cơ ngơi riêng và một chiếc xe ôtô trị giá cả tỷ bạc. Trong khi vốn lúc đầu của H. chỉ tầm vài trăm triệu. "Nếu được trời thương, thì còn ăn được gấp đôi, gấp ba như thế kia", H. nói.
"Ông làm kiểu gì mà hay thế?", tôi hỏi.
"Thế này nhé, với một bát họ 20 triệu, trong vòng 50 ngày đã ăn ra được 4 triệu lãi ròng. Giả sử có khoảng 1 tỷ đầu tư vào bát họ, thì 50 ngày đã có 200 triệu lãi ròng. Một năm là đã có tiền tỷ. Rồi cứ khoản nọ gối khoản kia, tiền phạt chậm trả… thì tiền đẻ ra nhanh lắm".
"Nhưng nhu cầu đâu ra mà lắm thế?".
Là ông bạn không biết đó thôi, ông cứ thử khảo sát những quán phở, quán lẩu… ở Hà Nội xem. "Khách hàng ruột" của bát họ là ở đấy mà ra. Giả sử một nhóm mở quán phở bò, thì gần như 90% là sẽ đi vay, chứ ít ai dại gì mà mang tiền nhà đi đầu tư. Vì đi vay mới có động lực làm để trả, việc chia chác cũng sẽ dễ dàng, minh bạch hơn. Rồi các bà các mẹ bán thịt, bán cá ngoài chợ cũng thường bốc họ để làm vốn buôn bán. Dạng khách hàng này của H. hiện lên đến cả nghìn.
Bên cạnh đó, việc cho vay với số lượng ít thế này thì việc bị con nợ "bùng" là thấp. Hơn nữa, dù có bị bùng thì thiệt hại cũng không lớn lắm. Mà cũng ít khi bị bùng cả vốn lẫn lãi, vì mỗi ngày con nợ sẽ phải trả một phần gốc. Vay 20 triệu (chỉ được cầm về 18 triệu) thì mỗi ngày đều đặn phải trả cho chủ nợ 400.000 đồng, cho tới khi hết 20 triệu thì thôi.
Phương "cu", cũng là một dân làm tài chính lâu năm cho chúng tôi biết thêm, chuyện làm tài chính nghe có vẻ cũng đơn giản, nhưng thực tế khốc liệt lắm. Vì với lãi suất "khủng" như vậy, rất nhiều người lao vào mảng "làm tài chính". Cũng vì vậy mà một đường dây tư vấn tài chính phải hình thành được "tam giác quỷ".
Trước hết là chủ đường dây phải là người có máu mặt, có chút tiếng nói trên giới "giang hồ". Thứ hai là phải có giấy phép mở tiệm cầm đồ. Và thứ ba là phải có "tay buôn". Nghĩa là mát tay, huy động được nhiều khách. Chứ dăm tháng mà lèo tèo vài ba khách thì sập tiệm sớm.
Cũng vì thế mà các đường dây làm tài chính còn phải chủ động đi tìm khách. Nếu một con nợ nào giới thiệu thêm được khách hàng thì sẽ được giảm phần trăm lãi suất, hoặc giảm một phần tiền lãi. Đặc biệt, dân làm tài chính có một công đoạn không thể bỏ qua là "ngửi khách" (nghĩa là biết đánh giá khách hàng).
Với những khách thuộc dạng tiềm năng như tài sản cầm cố dồi dào (có sổ đỏ, nhà chung cư, xe hơi đẹp…) thì lập tức sẽ được các cò chào mời nhiệt tình, cho vay tối đa nhu cầu. Còn dạng "cha căng chú kiết" thì chỉ được vay một cách hạn chế.
Đường dây làm tài chính thường núp bóng tiệm cầm đồ. |
Cũng theo Phương "cu", dân làm tài chính giỏi cần phải "bắt thóp" được khách khi tiến hành giao dịch. Khách nào cò kè về phần trăm lãi suất thường là khách có nhu cầu thật sự, và có khả năng trả vốn, lãi đúng hạn.
Còn khách nào mà gật đầu lập tức trước cái giá "chát" mà chủ nợ phát ra (10.000-30.000 đồng/ngày) thì lại cần hết sức cảnh giác. Bởi khách dạng này thường là con bạc khát nước, tiền cho đám này vay khác nào gió vào nhà trống, "còn khuya mới đòi lại được"!
Ấy là nghe những ông chủ của đường dây "làm tài chính" nói vậy. Song thực tế chuyện mở bát họ, cho vay lãi thì chủ đường dây còn có trăm phương ngàn kế để có thể "hút máu" con nợ. Bốc họ, nếu chậm trả dăm ba ngày là lập tức bị tính lãi, rồi khi con nợ cạn vốn thì bát họ trước sẽ được khoanh lại, và mở tiếp bát sau. Có không ít những tiệm phở mới mở ra được ba tháng đã sập tiệm, vì không đủ tiền trả lãi.
Bên cạnh đó, không ít những đường dây làm tài chính cho vay, bốc họ ban đầu thỏa thuận với con nợ lãi một ngày chỉ là 2.000 đồng đến 4.000 đồng mỗi triệu. Song khi mà con nợ đã quá hạn, rồi phải vay đáo hạn… thì lãi suất không còn dừng ở đó nữa. Nó sẽ tăng lên 5.000, 7.000, thậm chí 10.000 đồng một ngày.
Con nợ buộc phải chấp nhận mức giá cắt cổ này, vì không vay thì sẽ không thể yên thân. Cũng chính vì thế mà có những người lúc đầu vay 50 triệu, nhưng một năm sau không trả đúng, trả đủ thì số nợ đã gấp lên cả chục lần!
Một con nợ từng phải bán tất cả gia sản vì bốc họ kể với chúng tôi. Dạo trước Tết Nguyên đán vừa rồi, một công chức bị chủ nợ khủng bố tinh thần để đòi tiền. Chủ nợ cho người ngày nào cũng đến cơ quan để đòi. Hết giờ làm thì theo về tận nhà. Dù khoản vay không quá lớn, song có lẽ do quá stress nên anh này đã phải treo cổ tự tử!
2. Ngoài những đường dây "làm tài chính" kiểu "ăn chắc mặc bền" như H., hiện tại ở Hà Nội cũng có không ít đường dây làm lớn, cho vay đến dăm bảy tỷ đồng một lúc.
Có thể kể đến đường dây của Thiên "hoạt" (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội). Nhắc đến Thiên có lẽ dân làm tài chính ít nhiều đều nghe tên biết mặt. Ngoài ra, Thiên từng xuất hiện trong một số phim truyền hình dài tập. Cũng khởi nghiệp bằng một tiệm cầm đồ, nay Thiên đã sở hữu một công ty. Vợ Thiên đang làm tại một ngân hàng, nên trở thành cánh tay đắc lực cho chồng.
Người ta biết đến dây của Thiên vì anh ta chuyên làm ăn lớn. Thường những ai cần đáo hạn ngân hàng, vay chừng dăm bảy tỷ trong thời gian ngắn có thể đến liên hệ với Thiên. Dĩ nhiên, lãi suất cũng khá mềm chứ không thể cao như bên bốc họ.
Để có thể duy trì công ty, Thiên cũng phải huy động từ rất nhiều nguồn. Và đặc biệt, Thiên ít nhiều phải có mối quan hệ với người có vai vế, chức sắc ở phường, quận, để mỗi khi có vụ việc thì có thể dàn xếp cho êm thấm.
Còn để huy động được tiền, tài sản, dân làm tài chính như Thiên phải xoay đủ mọi cách. Thủ đoạn đơn giản nhất là… mua nhà trả chậm.
Vũ Văn T., một kỹ sư chuyên làm máy bơm nước, trú tại quận Hai Bà Trưng đang sống dở chết dở với một hợp đồng bán nhà oái oăm với một dân làm tài chính. T. có căn nhà hơn 100m2, ở vị trí khá đắc địa. Cuối năm 2013, ông được một chủ đường dây làm tài chính tên Hoan đến gạ bán.
Vì đang có nhu cầu, T. đồng ý bán cho Hoan với giá thỏa thuận là 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hoan xin trả chậm bằng hình thức sẽ trả trước cho ông 2 tỷ, còn 10 tỷ kia coi như ông T. cho Hoan "vay". Lãi suất Hoan sẽ trả gấp rưỡi lãi suất ngân hàng.
Tin lời Hoan, và thấy cái giá mua nhà quá hời (rất nhiều người đã đánh tiếng mua nhà ông T. với giá 11 tỷ), nên ông T. đồng ý giao giấy tờ để chuyển quyền sở hữu cho Hoan. Ông T. cũng ngây thơ ký tất cả những văn bản mà Hoan soạn sẵn.
Và hiện tại, khi mà quyền sở hữu căn nhà đã không còn, ông T. cũng mới nhận được 2 tỷ. Trong khi đó, sổ đỏ của ông đã bị Hoan "cắm" vào ngân hàng để vay mượn. Chưa biết khi nào có thể rút ra.
Bên cạnh hình thức huy động tài sản kiểu lừa đảo như trên, giới làm tài chính còn có muôn vàn ngón nghề để vơ vét cho đầy túi. Đặc biệt, chừng 1-2 năm trở lại đây, nhiều chủ thầu, công ty xây dựng "chết sặc gạch" vì trót dính vào các đường dây tư vấn tài chính.
Thường các chủ thầu vay với số lượng lớn, 5-10 tỷ trong vòng 1-3 tháng. Với những tính toán thông thường rằng, sau khi được chủ đầu tư giải ngân thì thừa sức trả lãi. Nhưng thực tế hoàn toàn khác.
Việt Phương là giám đốc một công ty xây dựng nhận làm hợp đồng xây dựng cho một ủy ban huyện. Sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư hẹn 3 tháng sau sẽ giải ngân. Vì cần tiền để thực hiện tiếp hợp đồng khác, Phương chấp nhận vay một khoản là 5 tỷ từ một đường dây làm tài chính.
Với lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày, mỗi tháng Phương phải trả lãi 300 triệu đồng. Vay 3 tháng vị chi Phương phải trả lãi 900 triệu đồng. Nhẩm tính công trình lãi tầm 2 tỷ nên Phương đồng ý ký vào giấy tờ vay nợ.
Nhưng hỡi ôi, sau 3 tháng chủ đầu tư vẫn chưa giải ngân. Vậy là số nợ của Phương được cộng dồn vào gốc, thành gần 6 tỷ, và tiếp tục bị tính lãi suất ngày.
Có những đường dây làm tài chính cao thủ còn cố tình "quên", không thúc ép con nợ trả đúng hạn. Khi quá hạn chừng 1-2 tuần thì mới gọi con nợ đến để phạt nợ quá hạn. Thậm chí con nợ còn không biết rằng, chủ nợ "bắt tay" với chủ đầu tư để không giải ngân, khiến cho con nợ đành phải ngậm đắng nuốt cay mà trả lãi ngày.