Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TƯ VẤN

Cách theo dõi trẻ mắc Covid-19 tại nhà

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trẻ em F0 thường có triệu chứng nhẹ. Điều đáng lo ngại nhất là trẻ béo phì hoặc mắc cùng lúc hai bệnh truyền nhiễm.

Chồng và con trai 5 tuổi của tôi cùng nhiễm SARS-CoV-2 và đang cách ly tại phòng riêng. Tôi rất lo lắng không biết nên chăm sóc và theo dõi sức khỏe của cháu nhỏ như thế nào?

(Minh Thu, 30 tuổi, Tiền Giang)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), tư vấn:

Đa số trẻ em mắc Covid-19 đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Do đó, khi trẻ bị ho, sốt, chán ăn... phụ huynh cứ chăm sóc trẻ tương tự những lần bé bị bệnh.

Trẻ nhỏ thường chỉ có diễn biến nặng với trường hợp thừa cân, béo phì (chỉ số BMI từ 30 trở lên), trẻ có miễn dịch quá kém như mắc bệnh suy thận, xơ gan giai đoạn cuối, suy giảm miễn dịch bẩm sinh.

Đối với trẻ mắc Covid-19, người lớn nên thường xuyên theo dõi chỉ số oxy trong máu (SpO2), nhịp thở. Nếu chỉ số SpO2 dưới 94-95%, gia đình cần báo bác sĩ, tuy nhiên, nên chú ý đo đúng cách.

Khi trẻ bị sốt trên 38,5 độ C, cha mẹ cho bé uống thuốc hạ sốt. Nếu con sốt trên 48h hay lừ đừ, nôn nhiều, cần đưa trẻ đi khám. Nếu đã uống thuốc vẫn không hạ, phụ huynh nên xem lại liều, lau mát người trẻ (chú ý lau bằng nước thường, không lau nước quá ấm hay nước đá).

Với trẻ nhỏ, thuốc đường uống thường có tác dụng nhanh hơn thuốc nhét hậu môn, liều thuốc là Paracetamol 10-15 mg cho một kg cân nặng.

Khi trẻ ho, sổ mũi, cha mẹ có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, làm bấc sâu kèn để lấy sạch gỉ mũi khi trẻ chưa biết tự xì mũi, thoa dầu lòng bàn chân, xem lại phòng có bí, có lạnh hay không.

Khi trẻ bị nghẹt mũi và khó ngủ, bỏ bú, cha mẹ nên nhỏ mũi cho trẻ trước bú và trước khi ngủ, kê cao đầu bé khi ngủ. Nếu có đờm nhiều, cho trẻ bú và uống đủ nước để đờm loãng ra và tiêu đi.

Việc uống thuốc long đờm nên có chỉ định của bác sĩ vì tự uống thuốc này có thể khiến trẻ bị ho thêm.

Khi trẻ bị tiêu chảy, phụ huynh nên xem lại thức ăn của bé và mẹ. Nếu không có máu, cha mẹ không quá lo, chủ yếu đừng để trẻ mất nước, chỉ cần cho bé bú nhiều, uống đủ nước.

Khi không tiêu chảy nhiều, trẻ chưa cần uống Oresol. Thường trẻ tiêu chảy khoảng 3-5 ngày, người lớn có thể dùng thêm cho bé Smecta, uống Xitrina hay Motiliium, nếu kèm đau đầu, nôn thì đi khám siêu âm bụng xem có lồng ruột hay không.

Trẻ em bình thường sẽ khỏi bệnh sau 2-5 ngày, đa số trẻ càng nhỏ càng ít bị kéo dài triệu chứng và thường mau khỏi bệnh.

Điều đáng lo ngại nhất khi chăm trẻ F0 là tình huống bé cùng mắc 2 loại bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm nhất là sốt xuất huyết, lao. Lúc này, các triệu chứng thường tương tự Covid-19 nên người lớn và ngay cả bác sĩ cũng dễ nhầm lẫn.

Khi nào TP.HCM tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em?

TP.HCM sẽ triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 780.000 trẻ em trong độ tuổi 12-17 khi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn.

Bạn có thể quan tâm