Tháng 8/2022, không lâu sau vụ xả súng tàn khốc vào trường học ở Uvalde, Texas, các quan chức ở Houston, cũng giống như nhiều nơi khác trên khắp tiểu bang nước Mỹ, quyết định tăng ngân sách cho các biện pháp tăng cường an ninh.
Houston phê duyệt loạt thiết bị mới trị giá 2,3 triệu USD cho bộ phận an ninh trường học chuyên dụng trên khắp thành phố. Hơn một nửa số tiền đó chảy vào túi một công ty đã từng là gã khổng lồ di động: Motorola.
Gã khổng lồ chuyển mình
Năm 2002, cứ 3 chiếc điện thoại được bán ra trên thế giới thì có một chiếc là của Nokia (với thị phần 35,8%), trong 6 chiếc thì có một chiếc là của Motorola (15,3%) và trong 10 chiếc thì mới có một chiếc là của Samsung (9,8%).
Trong suốt một thời gian dài, Motorola được mệnh danh như tượng đài di động. Thế nhưng, chỉ trong vài năm qua, hãng này đã trở thành một tay chơi lớn trong lĩnh vực an ninh ở các khu vực công cộng, một trong những lĩnh vực công nghệ nóng nhất hiện nay.
Bối cảnh suy thoái kinh tế trong năm 2022 đã khiến nhiều ông lớn công nghệ gặp khó khăn. Bất kể điều đó, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2022 của Motorola đã tăng trưởng đến hai con số, trong khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tăng đến 40%, giúp công ty vươn lên vị trí thứ 418 trong danh sách Fortune 500.
Lợi nhuận thường niên của Motorola. Ảnh: Fortune. |
Tờ Fortune nhận định Motorola là câu chuyện trở mình lớn nhất làng công nghệ. Đáng chú ý, không có hoạt động kinh doanh nào của Motorola đến từ điện thoại di động, sản phẩm mang tính cách mạng từng giúp hãng khẳng định tên tuổi.
Cũng giống Nokia, Motorola bị lu mờ bởi Apple và các nhà sản xuất điện thoại khác khi smartphone xuất hiện.
Tuy nhiên, khác với ông lớn Phần Lan, bắt đầu từ năm 2008, Motorola đã thẳng tay loại bỏ mảng điện thoại tiêu dùng, bao gồm cả điện thoại nắp gập Razr đặc trưng, mảng kinh doanh tháp di động và các bộ phận khác vốn đang thua lỗ nặng.
Vứt bỏ đi sản phẩm đã làm nên tên tuổi, Motorola làm lại từ đầu với mảng điện đàm của cảnh sát, một sản phẩm bán chạy nhưng kém hấp dẫn và bị nhiều người cho rằng cũng sẽ sớm bị smartphone thay thế.
Thay vào đó, các vụ xả súng hàng loạt, tỷ lệ tội phạm gia tăng và mối lo ngại của người dân nước Mỹ về sự bạo lực của cảnh sát đã tạo ra một thị trường công nghệ béo bở cho Motorola.
Việc gia tăng chi tiêu cho khâu an ninh như ở thành phố Houston đang trở thành thông lệ trên khắp nước Mỹ, góp phần giúp Motorola tự định vị mình ở một thị trường đang phát triển.
CEO Greg Brown của Motorola chính là người đã hồi sinh công ty khi ấy đang trên bờ vực sụp đổ. Vào giữa năm 2008, Tập đoàn Motorola đối diện muôn vàn khó khăn với mảng điện thoại di động u ám; cạnh tranh từ đối thủ iPhone của Apple quá lớn cùng nhiều công ty Trung Quốc, Hàn Quốc.
Tháng 3/2008, chỉ 2 tháng sau khi lên nhậm chức, CEO Greg Brown đã tuyên bố từ bỏ mảng điện thoại di động huyền thoại, dẫn đến cú trở mình lịch sử của Motorola. Ảnh: Motorola. |
Hiểu rõ nguy cơ sụp đổ đang đến gần, CEO Greg Brown đã quyết định tách Motorola làm hai công ty độc lập: Motorola Mobility – gồm mảng điện thoại và thiết bị giải mã truyền hình và Motorola Solutions - sản phẩm và dịch vụ doanh nghiệp như radio hai chiều, máy đọc mã vạch nhằm cứu lấy tập đoàn này.
“Ngay từ ngày đầu tiên gia nhập Motorola, tôi đã biết rằng lợi thế lớn nhất của công ty phải là mảng mà ít người quan tâm. Motorola có thể đạt được nhiều thứ hơn, bằng cách làm ít đi", Brown nói với Fortune.
Thâu tóm mảng thiết bị an ninh
Ý tưởng làm ít đi của ông Brown thực tế là thu hẹp đối tượng khách hàng của Motorola. Có đến 75% trong tổng doanh thu năm 2023 của Motorola, dự kiến sẽ đạt mức 10 tỷ USD, đến từ các dịch vụ công như sở cảnh sát, sở cứu hỏa, trung tâm cuộc gọi khẩn cấp trên khắp các tiểu bang và thành phố ở nước Mỹ.
Để so sánh, Motorola hiện có quy mô gấp 10 lần đối thủ gần nhất là Axon Enterprise, hãng nổi tiếng với súng điện Taser của lực lượng cảnh sát.
Theo Fortune, chi tiêu công cho hạng mục an ninh công cộng sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2023, thông qua Đạo luật American Rescue Plan với ngân sách khoảng 10 tỷ USD.
M500, trung tâm chỉ huy và giám sát tự động dành cho xe tuần tra cảnh sát của Motorola. Ảnh: NRoute. |
Một trong những sản phẩm mới nhất của Motorola là M500, trung tâm chỉ huy và giám sát tự động dành cho xe tuần tra cảnh sát. Fortune ví sản phẩm như RoboCop, với camera trước và sau tự động theo dõi các mối đe dọa từ tội phạm có vũ trang muốn tiếp cận cảnh sát.
Toàn bộ hình ảnh sau đó được đưa vào phần mềm AI chạy trên hệ thống máy tính chuyên dụng trong xe hơi, từ đó đưa ra cảnh báo nguy hiểm tự động cho các sĩ quan trong xe, cũng như cho nhân viên điều phối hoặc trung tâm khẩn cấp.
Tuy nhiên, mảng phát triển nhanh nhất trong hoạt động kinh doanh của Motorola lại là dòng sản phẩm bảo mật dành cho bệnh viện, những khu vực tổ chức sự kiện và trường học.
Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ 2023 (Super Bowl LVII), một trong những giải đấu thể thao có sức hút lớn nhất thế giới được tổ chức tại sân vận động State Farm, đã sử dụng camera và phần mềm của Motorola để theo dõi đám đông hơn 100.000 người dự khán sự kiện này.
Ưu điểm lớn nhất của hệ thống camera Motorola là nó được kết nối với phần mềm AI để có thể quan sát những khu vực nhạy cảm và tự phát hiện hoặc báo cáo về những hoạt động bất thường.
“Bạn thường xem lại băng hình sau khi có điều gì đó tồi tệ xảy ra. Còn chúng tôi có khả năng biến video thành thứ gì đó có thể được sử dụng như một phương pháp phòng ngừa rủi ro ở những nơi đông người”, Mahesh Saptharishi, giám đốc công nghệ của Motorola cho biết.
Phần mềm theo dõi đám đông của Motorola được áp dụng ở Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ 2023 (Super Bowl LVII) tại sân vận động State Farm. Ảnh: Good Morning America. |
Bất chấp nhiều tranh cãi, Motorola vẫn là ví dụ nổi bật cho một trong những câu chuyện trở mình vĩ đại nhất trong lịch sử giới công nghệ.
Gần như mọi đối thủ lớn mà mà Motorola từng phải cạnh tranh, bao gồm BlackBerry, Ericsson và Nokia, đều hiện chỉ có giá trị bằng một phần nhỏ so với thời kỳ đỉnh cao và không thể chuyển hướng sang các dự án kinh doanh mới.
Motorola là ngoại lệ duy nhất, khi mức vốn hóa trên thị trường của tập đoàn này đã đạt khoảng 48 tỷ USD vào đầu tháng 6, con số thậm chí còn cao hơn nhiều so với thời điểm mà chiếc điện thoại nắp gập RAZR làm mưa làm gió thị trường điện thoại.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn