CÁCH HỒ GƯƠM 3 KM LÀ XÓM PHAO NGHÈO KHÔNG ĐIỆN NƯỚC
Chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 3 km nhưng cuộc sống người dân tại hai bờ sông Hồng tạm bợ với những dãy lụp xụp.
Hà Nội là thành phố được bao quanh bởi con sông Hồng với dòng chảy lớn và phù sa bồi đắp màu mỡ. Với đặc điểm sinh sống từ lâu đời, hai bờ sông luôn là điểm quy tụ dân cư đông đúc.
Rất nhiều cây cầu lớn trên địa bàn Hà Nội nối hai bờ sông Hồng như Nhật Tân, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì,...
Trải rộng từ khu dân cư của quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ ra đến giữa sông là khoảng đất trống kéo dài tít tắp với một màu xanh ngắt của cây cối, hoa màu. Mặc dù có diện tích rộng lớn nhưng nơi mà người dân quen gọi là "bãi giữa" này chỉ là nơi người dân canh tác, tăng gia sản xuất và làm bãi tắm.
Ông Phạm Văn Thi hôm nay ra thăm vườn và thu hoạch rau muống. Ông có 2 sào đất ven sông. Mùa nào thức nấy, mỗi lúc một loại rau khác nhau, ông trồng để gia đình vừa ăn vừa đem bán.
Xoa tay xuống nền đất ruộng còn ẩm nước, ông Thi chia sẻ: “Đất ở ven sông nên màu mỡ. Rau cỏ lên tốt tươi, chẳng cần bón phân đạm gì nhiều. Cứ gieo hạt, tưới nước, dọn cỏ đều là vườn rau sẽ cho thu hoạch”.
Tuy nhiên, mảnh đất màu mỡ là vậy nhưng cây trồng tại đây chủ yếu là: chuối, ngô, khoai và các loại rau Bắc Bộ. Đây là những giống cây trồng ít vốn và thời gian thu hoạch ngắn hạn. Sở dĩ trồng những loài cây này vì đây là diện tích đất của của thành phố, người dân chỉ trồng cây trong tâm thế "tạm bợ", khi nào quy hoạch thì sẽ trả lại.
Lối xuống bãi giữa sông Hồng được bao phủ bởi một màu xanh ngắt với những dãy chuối, vườn rau lẫn với cây cỏ rậm rạp. Nếu chưa quen đường xuống thì rất dễ bị lạc bởi tầm nhìn bị khuất.
- Mực! Chạy đâu thế, quay về nào.
Tiếng ông Vũ gọi chú chó của mình để nó không đi lạc trên quãng đường ra bãi tắm. Đều đặn chiều nào cũng vậy, ông Vũ và người bạn đồng hành của mình lại đạp xe qua cầu Long Biên, cùng nhau ra ven sông Hồng giải nhiệt.
Dọc bờ sông có đến 3-4 bãi tắm lớn nhỏ. Mỗi bãi cũng tới cả mấy chục người. Từ trẻ em, thanh niên đến người lớn tuổi, tiếng gọi nhau, cười nói khuấy động cả hai bên dòng sông.
Không ai nhớ rõ những bãi tắm ven sông này có từ bao giờ, nhưng từ lâu, bơi lội ở đây là hình ảnh sinh hoạt rất quen thuộc.
Nằm sát rìa sông Hồng, khu trọ Phúc Xá (Ba Đình) với những mái nhà lợp ngói xi măng cũ kỹ đã có từ hơn 20 năm nay. Các dãy trọ dài, nối nhau với hàng chục phòng. Đây được biết đến là khu trọ của những người dân ngoại tỉnh lên Hà Nội kiếm sống với mức thu nhập thấp. Hầu hết là người lao động làm việc trong chợ đêm Long Biên như bán hàng, bốc vác, kéo xe…
Bà Phạm Thị Ngát là cán bộ Nhà nước, được vận động lên Hà Nội từ năm 1992. Bà đang sở hữu 30 phòng trọ rộng chừng 500 m2 tại phường Phúc Xá. Trước kia đây là phần đất canh tác ven sông, để trồng rau. Sau này bà đổ đất nền, dựng phòng trọ rồi cho thuê với giá rẻ.
Những căn phòng nhỏ là nơi ở của 2-3 người lao động, diện tích chỉ vừa kê một chiếc giường, tủ quần áo, kệ nấu ăn, ước chừng 10 m2.
Người dân xóm trọ đi làm từ 22h hôm trước cho tới 6-7h ngày hôm sau. Họ dành tất cả gần hết thời gian ban ngày để nghỉ ngơi, ăn uống tại phòng.
Đến hơn 15h, khu trọ vẫn im lìm. Chỉ có cô Vùng và một vài người thức giấc, cô kéo mấy chiếc ghế nhựa đã sờn màu từ trong nhà ra ngồi hóng gió.
- Dậy đi nào, dậy ra đây ngồi cho mát chị Hải ơi, Tươi ơi!
Tiếng cô Vùng đủ lớn để phòng cô Tươi tận phía cuối dãy trọ nghe được.
Câu chuyện ngày nào cũng vậy, chỉ xoay quanh những việc đi chợ, bán hàng… nhưng lúc nào cũng rôm rả. Vừa nói chuyện vừa rủ nhau ăn hoa quả, nắng nóng thì lại mua kem, sữa chua.
Trời Hà Nội vào những ngày nắng nóng được xem là “khắc nghiệt” vô cùng đối với người dân xóm trọ. Ngồi trong căn phòng trọ lúc trời nhá nhem tối, ông Phạm Văn Bình dùng bữa với những giọt mồ hôi trên trán cứ đầm đìa. "Ban ngày nóng không ngủ được thì đêm không có sức mà đi làm", ông than thở.
Bà Tươi đã lên Hà Nội làm việc được 4 năm nay. Căn phòng chưa đầy 15 m2 là nơi bà ở cùng chồng và con gái "chui ra chui vào".
Sức khỏe của bà không tốt nên thu nhập chủ yếu trong nhà vẫn do chồng và con gái lo liệu. Thỉnh thoảng, bà ra chợ Long Biên lấy ít tôm đem về bán lẻ để thêm thắt chút tiền tiêu.
Khu trọ tạm bợ dựng trên nền đất canh tác, không có sổ đỏ. Mặc dù năm nào cũng đóng thuế đất đầy đủ nhưng bà Ngát và cả xóm lúc nào cũng sẵn tinh thần “ở tạm”, nếu thành phố có lấy đất để xây dựng thì sẽ chuyển đi.
“Xóm trọ của dân lao động, không được khang trang, đẹp đẽ, cái gì cũng tạm bợ, nhưng mọi người sống với nhau luôn vui vẻ”, bà Tươi nói.
Bà kể thêm, có những gia đình sống ở đây cũng mấy chục năm, từ những ngày đầu tiên xóm trọ mới xây lên. Cứ thế, có những đứa trẻ đã lớn lên ở đây cùng bố mẹ chúng.
“Bà ơi cho cháu lên bờ”, tiếng cậu nhóc Hiếu gọi với lên bà Oanh.
Với những người dân xóm Phao, “lên bờ” đồng nghĩa là được đi làm, đi chơi còn “xuống nước” chính là về nhà.
Con thuyền cũ với diện tích khoảng 20 m2 là căn nhà của gia đình bà Oanh được gần 20 năm nay. Cả gia đình 3 người là 3 thế hệ: Bà, con gái út và đứa cháu ngoại.
Cậu bé Nguyễn Tiến Hiếu (5 tuổi) đã được sinh ra tại đây, cũng có thể coi là một cậu bé người Hà Nội, mặc dù giấy khai sinh, hộ khẩu của Hiếu phải rất khó khăn mới có thể làm được.
Bà Nguyễn Thị Oanh, một nông dân quê ở Yên Thành (Nghệ An). Bà là một trong những người ở xóm Phao lâu nhất, không nhớ rõ năm nào mình lên đây, người phụ nữ chỉ nhớ rằng lúc đó cô con gái út của mình mới được 7 tuổi.
Từng ấy năm trải qua, căn nhà thuyền của bà đã hỏng hóc, thậm chí vỡ vụn trong những trận lụt lớn. Tuy vậy, bà vẫn sửa chữa để bám trụ, vì cuộc sống tại đây "vẫn dễ dàng hơn ở quê".
Sông Hồng đang mùa nước lớn, mỗi khi có tàu thuyền đi qua lại thì những đợt sóng nước lại xô vào con thuyền của gia đình bà, con thuyền cứ vậy bập bênh cả ngày. Tuy vậy, với mấy bà cháu thì "sống lâu ắt sẽ quen", bà Oanh nói.
Người dân xóm Phao, gần 30 chục hộ, sống san sát nhau ngay cạnh phía bờ sông. Đến nay sinh hoạt của họ vẫn không có điện, nước.
Gia đình bà Oanh cũng vậy. Một vài đơn vị xuống hỗ trợ cho người dân những tấm pin năng lượng mặt trời, bình ắc quy. Tuy nhiên, ngày nào nắng to thì điện khoẻ, còn như mùa đông thì cả không gian trong con thuyền le lói chút ít ánh sáng vì không đủ điện tích.
Mặc dù cách trung tâm chừng 3 km nhưng xóm Phao muốn kết nối, di chuyển qua lại với thành phố thì chỉ có một con đường duy nhất từ giữa cầu Long Biên dốc xuống. Một con đường bê tông đổ vội, mấp mô, rộng chưa đầy 1m với cỏ lau lùm xùm hai bên.
Cậu bé Hiếu học tại một trường mầm non tư thục phía bên kia sông. Ngày nào cũng vậy, đúng 6h30, bà Oanh lại lấy xe đạp đưa cháu đi học, chiều 16h lại đón về.
Cách đây ít hôm, trong lúc đón Hiếu đi học về, khi dắt chiếc xe đạp từ cầu Long Biên xuống đường dốc thì hai bà cháu ngã nhoài, phải nằm chờ mọi người xung quanh ra giúp. Tai nạn cũng khiến đầu gối bà đau nhức đến nay.
Cuộc sống người dân xóm Phao là vậy, nước lớn thì chạy lên bờ, ở nhờ nhà hàng xóm, nhanh thì vài hôm, lâu thì cả tháng trời. Vì thế mà ai ai cũng mong mùa lũ ngắn thôi để cuộc sống được ổn định.
Khi được hỏi, nếu sau này tiến hành quy hoạch đất hai bên bờ sông, gia đình bà sẽ ở đâu, bà Oanh chỉ nhìn về phía cây cầu xa xa, buông thõng đôi vai gầy guộc: “Muốn đi lắm, nhưng chuyển đi đâu thì chưa biết. Ít ra ở đây không phải tốn tiền thuê nhà như những người ở trọ".