Theo dược sĩ Nguyễn Thị Trang, khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, thuốc giảm đau là những loại có tác dụng điều trị các cơn đau do bệnh lý, chấn thương hoặc phẫu thuật gây ra. Tuy nhiên, không phải tình huống nào cảm thấy đau đều có thể sử dụng loại này.
Các loại thuốc giảm đau thường gặp
Dược sĩ Trang cho biết thuốc giảm đau có thể được chia thành hai nhóm lớn.
- Nhóm thuốc giảm đau không kê đơn (OTC). Đây là những loại người bệnh có thể tự đến mua ở các nhà thuốc dưới sự tư vấn của dược sĩ mà không cần đơn của bác sĩ. Nhóm thuốc này rất hữu ích đối với những cơn đau ở mức độ nhẹ như đau đầu, đau răng, đau bụng kinh, viêm khớp...
Về cơ bản, nhóm thuốc này có thể chia thành 2 loại chính là paracetamol (acetaminophen) và một số thuốc giảm đau nhóm kháng viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen…
Thuốc giảm đau có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn nếu sử dụng quá liều. Ảnh: Shutterstock. |
- Nhóm thuốc giảm đau kê đơn. Khi cơn đau không thể xoa dịu bởi thuốc nhóm 1, người bệnh cần gặp bác sĩ để được kê các thuốc giảm đau mạnh hơn. Thuốc giảm đau kê đơn cũng được chia thành 2 loại là thuốc không opioid và opioid.
Các thuốc không opioid thường được bác sĩ kê cho người bị viêm, thoái hóa khớp. Các thuốc opioid là loại giảm đau mạnh nhất trong nhóm này, có thể kể đến như morphin, fentanyl. Những thuốc này cho hiệu quả giảm đau rất mạnh nhưng cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng nếu sử dụng không đúng cách.
Thuốc giảm đau opioid thường được bác sĩ kê đơn trong trường hợp đau nặng, không đáp ứng với các nhóm thuốc giảm đau khác như hậu phẫu, đau do ung thư. Người dùng thuốc này luôn cần được theo dõi, giám sát chặt chẽ bởi nhân viên y tế.
Thuốc giảm đau như "con dao 2 lưỡi"
Dược sĩ Nguyễn Thị Trang cảnh báo hiện nay, người bệnh thường có thói quen tự mua các thuốc giảm đau ở nhà thuốc mà không cần sự tư vấn của dược sĩ, bác sĩ. Nhiều trường hợp sử dụng thuốc giảm đau không đúng như uống quá liều, tự ý ngưng thuốc.
Một số thống kê trên thế giới đã cho thấy việc dùng thuốc giảm đau không hợp lý là tình trạng báo động, có thể để lại hậu quả khôn lường.
Nhiều trường hợp phải nhập viện vì ngộ độc sau khi sử dụng thuốc giảm đau không đúng liều. Ảnh: NYP. |
“Việc sử dụng thuốc giảm đau được xem là ‘con dao hai lưỡi’. Việc không sử dụng hợp lý sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đối với các thuốc giảm đau nhóm một, dù được đánh giá là khá an toàn, không đồng nghĩa là thuốc này không gây ra các tác dụng phụ. Trên thực tế, một số trường hợp bị ngộ độc paracetamol dẫn đến suy gan cấp, đe dọa tính mạng do dùng thuốc không đúng”, dược sĩ Trang cảnh báo.
Phó giáo sư Đặng Nguyễn Đoan Trang, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cảnh báo để sử dụng thuốc giảm đau an toàn, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc mà phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Đồng thời, người bệnh cần cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ, dược sĩ về triệu chứng, mức độ đau, tiền sử dùng thuốc điều trị…, để giúp lựa chọn loại thuốc giảm đau phù hợp, tránh biến chứng có thể xảy ra. Yêu cầu khi dùng thuốc giảm đau là người bệnh không tự ý nhai, bẻ hay nghiền viên thuốc, không tự thay đổi liều sử dụng, mua thêm hay ngưng thuốc đột ngột.
“Khi mua thuốc giảm đau, người bệnh cần chủ động kiểm tra thành phần hoạt chất trên bao bì hoặc tờ hướng dẫn sử dụng. Đặc biệt, các thông tin cần biết là chống chỉ định, liều dùng tối đa, tác dụng phụ có thể xảy ra và ghi nhớ thời điểm dùng thuốc. Nếu có dấu hiệu bất thường khi dùng thuốc giảm đau, hãy nhanh chóng báo cho bác sĩ điều trị hoặc đến cơ sở y tế thăm khám để được kiểm tra sức khỏe”, PGS Trang khuyến cáo.