- Mina Chung, đại sứ The New Savvy Việt Nam
- 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, fintech và quỹ đầu tư khởi nghiệp
- Hiện tham gia quản lý tổ chức giáo dục phi lợi nhuận về tài chính cá nhân
Thuế hồng không phải là một loại thuế chính thức, nhưng vốn đã tồn tại từ lâu và khiến phụ nữ phải trả thêm chi phí cho không ít sản phẩm, dịch vụ.
Có nhiều lý do cho sự xuất hiện của thuế hồng. Tuy nhiên, việc tìm hiểu nguyên nhân, thực tế, không quan trọng bằng cách chúng ta kiểm soát để nó không ảnh hưởng lớn đến tài chính của mình.
3 yếu tố dẫn đến thuế hồng
Nếu quan sát, bạn sẽ thấy các sản phẩm "dành cho nữ giới" thường có kiểu dáng bắt mắt hơn một chút so với sản phẩm nam. Màu hồng được sử dụng khá phổ biến, có lẽ đây cũng là lý do khoản chênh lệch mà phụ nữ trả được gọi là thuế hồng.
Nữ giới có xu hướng bị thu hút bởi những thứ xinh xắn. Thay vì chiếc balo đựng laptop thông thường, chúng ta thích balo có họa tiết, kết hợp 2-3 màu sắc khác nhau; giữa tai nghe màu đen và phiên bản màu hồng, nhiều khả năng chúng ta sẽ chọn cái thứ hai.
Các mặt hàng được sản xuất và truyền thông cho nữ giới vì vậy cũng cần cầu kỳ, trau chuốt hơn mặt bằng chung, từ đó chi phí bị đội lên kha khá.
Một yếu tố khác lý giải pink tax là nhu cầu tiêu dùng của phái nữ cao hơn nam giới. Nó được xem là cả "emerging market economy" (nền kinh tế đang phát triển).
A Boston Consulting Group đã thống kê và kết luận đến năm 2028, phụ nữ sẽ đạt 2/3 tiêu thụ của toàn cầu. Và nhiều thứ đã ra đời dựa trên nhu cầu rất lớn này.
Khi bạn mua một chiếc túi hiệu, bạn sẽ muốn sắm kệ hoặc hộp để giữ nó luôn sạch sẽ; khi bạn nhuộm tóc, bạn cần loại dầu gội giữ màu cùng kem ủ chăm sóc tóc tại nhà. Chưa kể, nữ giới sẽ mua bra, băng vệ sinh gần như cả đời mình, đàn ông thì không.
Một số dòng sản phẩm cũng lạm dụng sự đa dạng này để tăng giá và tạo thêm doanh thu, gây ra hiện tượng thuế hồng.
Cuối cùng, định kiến giá và sự phân biệt giới tính có thể phải chịu trách nhiệm cho thuế hồng. Ví dụ, tóc của phần lớn phụ nữ dài và cần tạo kiểu chi tiết hơn khách hàng nam, do đó tiệm mặc định giá cắt, uốn mái tóc nữ phải luôn luôn cao hơn.
Tại Việt Nam, nhiều trường trung học quy định nữ sinh mặc áo dài khi đến lớp, khiến các bạn tốn tiền may áo dài bên cạnh váy đồng phục - trong khi hầu hết nam sinh chỉ cần quần tây, áo sơ mi là đủ.
Sự phân biệt ấy đôi khi không phải do trường hay salon cố ý, nhưng các tình huống trên đều dẫn đến kết quả chung rằng, phụ nữ hiện vẫn chi nhiều hơn nửa còn lại khi nói đến mua sắm, lựa chọn đồ dùng hàng ngày.
Nữ giới có thể làm gì để bảo vệ ví tiền?
Việc quan tâm đến pink tax là bước đầu để bạn hạn chế sự tác động của nó đến tài chính cá nhân. Nếu không đồng tình, bạn hoàn toàn có thể có những hành động cụ thể để phản đối loại thuế ẩn này, như:
- Tìm hiểu thông tin sản phẩm trước khi quyết định mua, đồng thời so sánh nhiều sản phẩm mang công dụng giống nhau rồi xem chúng chênh lệch giá vì điều gì. Khi phát hiện thương hiệu đang "đánh thuế" bạn một cách vô lý, bạn có thể không mua và bày tỏ quan điểm với người xung quanh.
- Tránh chi tiêu chỉ vì sản phẩm có hình dáng đẹp mà quên lưu ý đến chức năng, mức độ cần thiết ở hiện tại, số lần sử dụng trong tương lai,..
- Đặt ngân sách cho việc sắm sửa mỗi tháng, giả sử dưới 30% thu nhập. Cách này giúp bạn hạn chế phóng tay và sẵn sàng trả tiền cho những món đắt hơn bình thường.
- Sử dụng sản phẩm phù hợp với cả hai giới. Nếu không có nhu cầu đặc biệt, hãy ưu tiên sản phẩm trung tính để ủng hộ sự bình đẳng.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không đại diện cho bất cứ cơ quan, tổ chức nào.
#HerMoney là series dành cho nữ giới, nơi những nhân vật chia sẻ góc nhìn cá nhân. Với kinh nghiệm và màu sắc của họ, mỗi bài viết gửi đến người đọc một hướng tiếp cận mới về tài chính, công việc và cuộc sống.