Trương Lộc là nhà văn, chủ yếu làm việc tại nhà. Chồng của cô là kỹ sư, thường xuyên đi công tác xa. Phần lớn thời gian, con trai của Trương Lộc đều ở bên mẹ. Do cậu bé mới học lớp 1, nữ nhà văn có thêm thời gian cho công việc cá nhân.
Tuy nhiên, đến dịp nghỉ hè, mọi việc trở nên mất kiểm soát. Dù học tập hay sinh hoạt, con trai đều tìm đến Trương Lộc và liên tục gọi mẹ. Điều này gây gián đoạn công việc, khiến bà mẹ mất tập trung.
"Chúng tôi đã ở cạnh nhau trong thời gian dài nên con trai hơi dựa dẫm vào tôi", Trương Lộc nói với 163.
Bản thỏa thuận "không gọi mẹ" giữa Trương Lộc và con trai. Ảnh: 163. |
Sau thời gian suy nghĩ, bà mẹ trẻ quyết định lập thỏa thuận "không gọi mẹ" và yêu cầu con trai tuân thủ. Bản thỏa thuận có 10 điều, bao gồm các vấn đề xung quanh cuộc sống và học tập.
Nội dung yêu cầu đứa trẻ tự tra từ điển khi không biết viết chữ Hán, đọc kỹ câu hỏi 3 lần trước khi làm bài, tự tìm quần áo mặc... Toàn bộ 9 nội dung đầu của hiệp ước đều hướng đến yêu cầu chung là tự làm việc, không tìm đến mẹ.
Trương Lộc kết thúc bản thỏa thuận bằng một yêu cầu đặc biệt: "Đối với những vấn đề không thể giải quyết, khi bố về nhà, con hãy nhờ bố giúp đỡ nhé".
Trương Lộc cho biết sau khi cùng con trai "ký hiệp ước", những tiếng gọi mẹ đã giảm đáng kể. Hiện, con trai tự biết làm những việc phù hợp khả năng, không cần tìm đến mẹ.
Khi thỏa thuận trên được chia sẻ lên mạng, nhiều người ủng hộ cách làm của người mẹ. Một số cá nhân đồng cảm với hoàn cảnh của Trương Lộc, cho rằng cô và những bà mẹ khác cần áp dụng cách này để dạy con sống tự lập, đồng thời tự cho mình khoảng thời gian, không gian riêng để làm việc, nghỉ ngơi.
Cha mẹ và con có mối liên kết chặt chẽ. Khi còn bé, trẻ phải được phụ huynh quan tâm, chăm sóc. Nhưng khi lớn lên, cha mẹ cần buông bỏ để con học cách tự lập, trưởng thành. Cha mẹ quá bao bọc có thể phá hủy khả năng tập trung, tư duy của trẻ.
Khả năng tập trung của trẻ không tốt bằng người trưởng thành, các em cũng chưa có khả năng tự chọn lọc thông tin. Do đó, sự chú ý của trẻ dễ bị phân tán. Những tác nhân bên ngoài như sự can thiệp, giúp đỡ của cha mẹ cũng ảnh hưởng đáng kể đến điều này.
Chỉ khi chơi hoặc học một mình trong không gian riêng, khả năng tập trung của trẻ mới được đẩy lên mức cao nhất. Do đó, cha mẹ cần tạo cho con môi trường yên tĩnh, độc lập để con có cơ hội tự làm những việc phù hợp với khả năng của bản thân. Nói cách khác, cha mẹ nên "lười biếng" một chút để con cái "chăm chỉ" hơn.