Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách đây 12 năm, Apple đã đặt cược vào canh bạc lớn nhất của mình

Có lẽ áp lực lớn nhất mà những lãnh đạo Apple chịu đựng là khoảng thời gian nửa năm trước khi chiếc iPhone đầu tiên được bán ra.

"Tôi đã mong chờ ngày này 2 năm rưỡi rồi", CEO Steve Jobs chia sẻ tại lễ ra mắt iPhone ngày 9/1/2007. Gần 6 tháng sau, iPhone mới bắt đầu lên kệ, và mọi con số ước tính của Apple đều vượt ngoài mong đợi.

Sau 12 năm, iPhone đã trở thành biểu tượng thành công của Apple. Tuy nhiên, vào thời điểm iPhone ra mắt, rất nhiều người nhìn vào iPhone đều cho rằng nó sẽ thất bại.

Đặt cược cả công ty vào chiếc iPod gọi điện được

So với những chiếc smartphone cùng thời khi ra mắt, iPhone thiếu đi nhiều yếu tố, đặc biệt là bàn phím vật lý, bên cạnh giá bán đắt và tốc độ chậm. Ngay cả bây giờ, nhiều người sẽ không đánh giá cao nếu một chiếc smartphone mới có giá quá đắt hoặc chạy chậm.

Những người còn lại, nếu không tập trung vào thông số, sẽ nhìn xem thiết bị có chức năng hay tác dụng gì. Ở khía cạnh này thì rõ ràng iPhone không có đối thủ.

iphone tung la canh bac lon nhat cua apple anh 1
Hình ảnh iPhone xuất hiện trên website Apple năm 2007. Ảnh: AppleInsider.

Apple biết điều đó, và họ đặt cược vào chúng. Nhiều nguồn tin khẳng định táo khuyết đã tiêu tốn 150 triệu USD cho việc phát triển chiếc iPhone đầu tiên. Không ai nghĩ rằng iPhone có thể bán tốt, thậm chí trở thành một "biểu tượng" như hiện nay.

Có thể xem iPhone là "canh bạc" rất lớn của Apple.

"Sẽ không có những thứ này nếu không có Steve Jobs", Fred Vogelstein, tác giả nhiều cuốn sách bình luận về công nghệ nói với CNN. "Để làm ra iPhone, về cơ bản, bạn phải đặt cược cả công ty. Ông ta phải dừng mọi dự án, tập trung nguồn lực tốt nhất cho chiếc iPhone này".

"Do đó, nếu iPhone thất bại, không còn một sản phẩm nào có thể khiển Apple vực dậy nữa", Vogelstein nói thêm.

Sau khi được giới thiệu, mọi người đều nói về iPhone, nhiều đến nỗi không cần chi hàng triệu USD tiền quảng cáo mà iPhone vẫn được nhắc đến. Tuy nhiên, nói là nói, nhưng ai sẽ "xuống tiền" khi iPhone lên kệ vào ngày 29/6, không ai có thể chắc chắn được.

Nửa năm chờ đợi căng thẳng

Ngày nay, người ta đã quen với việc iPhone được bán sau khi ra mắt khoảng 2 tuần. Tuy nhiên với thế hệ iPhone đầu tiên, thời gian chờ đợi lên tới gần nửa năm.

Theo Apple Insider, lý do Apple công bố iPhone vào tháng 1/2007 là vì hãng lo ngại quy trình chứng nhận, cấp phép viễn thông có thể khiến thông tin về iPhone bị lộ ra. Vì thế, tốt nhất là Apple công bố sớm, sớm hơn rất nhiều so với thời điểm sản phẩm sẵn sàng.

iphone tung la canh bac lon nhat cua apple anh 2
Steve Jobs và chiếc iPhone đầu tiên. Ảnh: AP.

Ngay cả chiếc iPhone được mang lên sân khấu trong buổi ra mắt cũng là bản mẫu chưa hoàn thiện, chưa được chứng nhận và không làm được gì ngoài những thứ mà Steve Jobs trình diễn. Đó là lý do phải đến gần 6 tháng sau lễ ra mắt, iPhone mới chính thức đến tay người dùng.

Không phải ai cũng kiên nhẫn chờ đến gần nửa năm. Trong suốt thời gian ấy, iPhone phải đối mắt với sự chỉ trích ngày càng nặng nề.

Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ câu "đá xoáy" nổi tiếng của cựu CEO Microsoft, Steve Ballmer, khi cho rằng iPhone không bao giờ bán được:

"Nếu nhìn vào 1,3 tỷ chiếc điện thoại bán ra, tôi sẽ muốn phần mềm của mình có mặt trên 60%, 70% hoặc 80% thiết bị thay vì 2% hay 3%, đó là con số mà Apple có thể đạt được".

Lời tuyên bố của Steve Ballmer đưa ra vào tháng 4/2007, gần 4 tháng sau khi iPhone ra mắt. Đây là quan điểm của một lãnh đạo công nghệ sau khi có nhiều thời gian phân tích chứ không phải một lời nói chọc ghẹo đối thủ.

Và như chúng ta đều biết, Ballmer đã sai.

Tất nhiên không phải ai cũng có suy nghĩ tiêu cực về iPhone. Mike Lazaridis, khi đó là đồng CEO BlackBerry, lại khá ấn tượng khi cho rằng iPhone là chiếc điện thoại "thực sự tốt".

Dù vậy, đa số nhân vật trong ngành công nghệ đều cho rằng Apple sẽ thất bại, kể cả giới truyền thông.

iphone tung la canh bac lon nhat cua apple anh 3
Một hình ảnh hài hước khi Steve Jobs công bố iPhone với bàn phím xoay, màn hình trắng đen giống iPod. Tất nhiên chiếc điện thoại này không bao giờ có thật. Ảnh: Apple.

AdAge từng có bài viết "Tại sao iPhone sẽ thất bại" vào tháng 6/2007, chỉ vài ngày trước khi iPhone lên kệ, cho rằng đây sẽ là "nỗi thất vọng lớn".

Trang công nghệ TechCrunch cũng từng dự đoán iPhone sẽ trở thành "bom xịt" khi cho rằng màn hình hoàn toàn cảm ứng bằng kính phía trước rất dễ vỡ, trải nghiệm bàn phím ảo tồi tệ, ý tưởng phần mềm "tệ hại nhất lịch sử", và nhiều lý do khác chứng tỏ iPhone sẽ thảm bại.

Walt Mossberg, một trong những nhà báo thân nhất với Steve Jobs, cũng chỉ ra nhiều thiếu sót, nhưng vẫn tin iPhone sẽ thành công:

"Đơn giản vì iPhone quá đẹp. Nó không thể đáp ứng kỳ vọng quá cao của mọi người. Nó không dành cho người bình thường chỉ cần gọi điện hay nhắn tin. Tuy còn nhiều giới hạn nhưng iPhone là một trải nghiệm hoàn toàn mới đáng để sử dụng".

Sau ngày lên kệ, David Pogue từ New York Times lên tiếng chỉ trích iPhone vì pin không thể tháo rời và kết nối mạng thì chậm.

Những tín hiệu thành công ban đầu

Dù vậy, sau 6 tháng chờ đợi thì iPhone cũng chính thức ra mắt thị trường. Trong 6 tháng còn lại của năm, Apple bán được 1,39 triệu iPhone. Để so sánh, kỷ lục bán iPhone năm 2015 là 231,22 triệu chiếc.

Một thời gian sau đó, Apple thừa nhận giá bán 599 USD của iPhone quá đắt nên giảm xuống còn 399 USD, tương đương 500 USD hiện nay tính cả lạm phát. Chiếc iPhone rẻ nhất mà Apple còn bán là iPhone 7 với giá 449 USD, còn bộ ba iPhone 2018 có giá rẻ nhất từ 749 USD. Mẫu iPhone đắt nhất hiện tại là iPhone XS Max với giá 1.499 USD, tương đương 1.200 USD vào năm 2007, hơn gấp đôi giá của iPhone đầu tiên.

iphone tung la canh bac lon nhat cua apple anh 4
Thành công của iPhone là nhờ kết hợp giữa iPod (máy nghe nhạc), điện thoại và thiết bị truy cập Internet. Ảnh: Apple.

"Lúc đó chúng tôi đã kỳ vọng iPhone sẽ thành công, hàng triệu người sẽ sử dụng nó", quản lý cấp cao bộ phận iPhone, Andy Grignon, nói với CNN nhân dịp 10 năm ra mắt iPhone vào năm 2017.

"Thú thực, tôi không nghĩ rằng hàng tỷ người sẽ sử dụng nó. Nó trở thành cách bạn tìm kiếm công việc, cách bạn giao tiếp, cách bạn làm mọi thứ".

Khoảng thời gian chờ đợi cuối cùng cũng được đền đáp bằng những thành công đầu tiên. Vài năm sau, iPhone ngày càng phổ biến, trở thành "biểu tượng" của làng smartphone với thiết kế mạnh mẽ, màn hình cảm ứng và nút Home đã quá quen thuộc.

Với thành công của "canh bạc" iPhone, hàng loạt tên tuổi của Apple cũng đi vào lịch sử làng công nghệ. Bên cạnh Steve Jobs, nhà thiết kế Jony Ive là một trong những người đóng góp nhiều nhất cho iPhone. Việc ông rời đi vào cuối tháng 6/2019, ngay trước dịp kỷ niệm 12 năm ra mắt iPhone do đó cũng đánh dấu một thời kỳ mới của Apple, thời kỳ hậu iPhone.

Sự ra đi tìm lối riêng của Ive là dấu chấm hết cho một kỷ nguyên với những thiết kế đỉnh cao "đóng mác" Ive tại Apple, trong đó iPhone là sản phẩm thành công nhất, để chuyển sang các dịch vụ sinh lời hơn. Thế giới thay đổi, và mục tiêu của Apple cũng sẽ thay đổi. Giờ đây, họ phải tìm kiếm những "canh bạc" mới.

Bản dựng iPhone Pro với camera ẩn dưới màn hình Các nhà thiết kế tại Concept Creator đã tạo ra bản dựng của chiếc iPhone Pro với màn hình tràn viền hoàn toàn. Phần camera selfie của máy đặt ngay dưới màn hình.

Đừng mong iPad có thể thay thế laptop

Dù hỗ trợ kết nối chuột không dây, iPadOS hiện tại chưa cho phép người dùng sử dụng được như trên máy tính.


Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm