Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách chức trưởng trạm quản lý rừng vì nhiều cây sa mu dầu bị đốn hạ

Nhà chức trách xác định có 36 cây sa mu dầu bị đốn hạ tại xã Nậm Càn. Sau khi họp bàn, cấp trên đã ra quyết định kỷ luật 3 cán bộ trạm quản lý quản lý bảo vệ rừng tại đây.

Ngày 24/3, Phòng tổ chức cán bộ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An (NN&PTNT) đã ra quyết định kỷ luật đối với ba cán bộ Trạm quản lý rừng Na Ngoi - Nậm Càn thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vì đã để xảy ra mất rừng trong lâm phần mình được giao quản lý.

Cụ thể những người này đã để lâm tặc đốn hạ 36 cây sa mu dầu tại xã Nậm Càn. Trong đó, trưởng trạm Phạm Văn Tình bị cách chức còn hai nhân viên Trương Văn Sáng và Lương Vĩnh Phúc bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương và chậm nâng lương 6 tháng.

cach chuc anh 1
Số lượng gỗ sa mu dầu bị đốn hạ. Ảnh: N.A.

Sở NN&PTNT Nghệ An cũng xem xét trách nhiệm liên đới của ông Cao Văn Quỳnh, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn. Hình thức kỷ luật đối với ông Quỳnh dự kiến sẽ được Hội đồng kỷ luật của Sở đưa ra vào đầu tháng tới.

Trước đó một tháng, nhà chức trách phát hiện có 36 cây sa mu dầu tại bản Huồi Nhao, xã Nậm Càn bị chặt hạ. Khối lượng gỗ bị đốn hạ là 139 m3.

Sau khi sự việc xảy ra, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn đã họp hội đồng xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Số cây sa mu dầu bị chặt hạ sau đó được thu giữ và tập kết tại trụ sở ban này.

cach chuc anh 2
Xã Nậm Càn, nơi số cây sa mu dầu bị đốn hạ. Ảnh: Google maps.

Công an huyện Kỳ Sơn cho biết đang điều tra xử lý vụ việc chặt phá rừng nghiêm trọng này.

Trạm quản lý bảo vệ rừng Nậm Càn – Na Ngoi có 5 cán bộ, nhân viên, chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ 40.000 ha rừng phòng hộ. Sau khi ông Tình bị cách chức, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn đã điều một trưởng phòng kỹ thuật vào phụ trách trạm.

Sa mu dầu có tên khoa học là Cunninghamia konishii Hayata thuộc họ Bụt mọc (Taxodiaceae), hiện mới được ghi nhận phân bố ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Sơn La.

Sa mu dầu là nguồn gen quý hiếm được phân hạng ở cấp VU A1adC1 trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và xếp nhóm 2 trong danh lục thực vật rừng động vật rừng nguy cấp quí hiếm của Nghị định số 32 của Chính phủ. Loài cây này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có giá trị kinh tế rất cao.

 

Cây di sản Việt Nam bị chết do nấm tấn công

Cây long não (Di sản Việt Nam) tại khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk bị chết 80% do nấm tấn công. Hiện các cơ quan đang tìm cách cứu chữa hai nhánh còn lại.

 



Nam An

Bạn có thể quan tâm