Thị trường hiện nay có rất nhiều mẫu máy tính từ giá bình dân cho đến cao cấp, mẫu mã và cấu hình phong phú cho người dùng lựa chọn.
Tuy nhiên với đối tượng học sinh, sinh viên, bạn có thể tốn rất ít tiền nhưng cũng có thể sắm được chiếc máy tính “ngon lành” phục vụ tốt các nhu cầu của mình, không nhất thiết phải tốn kém hơn 10 triệu đồng để đầu tư những chiếc máy xịn.
Giá 7 triệu đồng
Theo anh Lê Duy, quản trị diễn đàn công nghệ MobileWorld, máy tính bao gồm cả xách tay và máy để bàn hiện giờ có giá rất tốt, phù hợp với những người có kinh phí eo hẹp.
Với đa số học sinh, sinh viên có thể chọn trong khoảng 7 triệu đồng là phù hợp với các nhu cầu như online lướt web tìm tài liệu học tập, xem phim, giải trí…
“Về màn hình, học sinh, sinh viên nên chọn laptop loại khoảng 13-14 inch là phù hợp. Với kích thước màn hình như vậy, thường thiết kế có thêm ổ đĩa quang để tiện xem các DVD tài liệu cần thiết.
Với các bạn học đồ họa hay xử lý phim ảnh, cần chọn loại có cấu hình cao hơn tí như CPU mạnh hơn, card màn hình xử lý đồ họa cao hơn, RAM cao hơn và ổ cứng cũng cao hơn để chứa nhiều dữ liệu hơn.
Đối với máy tính để bàn, độ lớn của màn hình tùy số tiền mà bạn có. Loại màn hình 19 inch có kích thước vừa đủ lớn, tầm nhìn thoải mái đối với máy để bàn nhưng có giá chỉ trong khoảng 1 triệu đồng. Tất nhiên tính năng của màn hình càng hiện đại thì giá càng cao.
Khi chọn các thành phần của thùng máy để bàn (hay còn gọi là thùng CPU), bạn lưu ý đừng quá chú trọng vào công nghệ mới vì sẽ rất tốn tiền.
Trong một thùng máy tính, những bộ phận như có thể được nâng cấp sau một thời gian sử dụng như bộ nhớ RAM, ổ cứng lưu trữ. Vì vậy, bạn không nhất thiết phải đầu tư nhiều tiền vào chúng nếu “túi tiền” không cho phép. Hãy từ từ nâng cấp sau này cũng không sao.
Khi đi mua bạn nên nhờ nhân viên bán hàng ở các siêu thị máy tính tư vấn, đề xuất những mẫu máy có cấu hình phù hợp với nhu cầu của mình. Tất nhiên bạn cũng nên so sánh giá bán và cấu hình máy của nhiều siêu thị, cửa hàng khác nhau để có sự lựa chọn tốt nhất”, Lê Duy cho biết.
Theo nhu cầu sử dụng
Theo ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm đào tạo và an ninh mạng Athena, việc chọn mua máy tính cần phải xác định theo nhu cầu và tính cách của người dùng.
Nếu như người dùng học các ngành nghề về kinh tế thì việc chọn mua một chiếc máy tính mới không cần nhu cầu phức tạp. Máy tính loại này chỉ cần đáp ứng các nhu cầu cơ bản là kết nối Internet, sử dụng các phần mềm văn phòng.
Đối với máy tính kiểu văn phòng, người dùng có thể tìm kiếm ở các cửa hàng bán máy tính dân dụng như Thành Nhân, Phong Vũ …
Nhưng nếu như đối tượng là sinh viên thuộc các ngành học về kiến trúc, đồ họa, mạng, an ninh mạng thì sẽ cần những máy tính dòng business, workstation. Các máy tính thuộc dòng này có khả năng nâng cấp phần cứng tốt hơn so với các dòng phổ thông.
Ví dụ như số lượng khe RAM trên máy tính dạng này sẽ từ 2-4 khe (dòng workstation), hỗ trợ số lượng kết nối trên ổ cứng nhiều hơn, hỗ trợ đa dạng các kết nối thiết bị ngoại vi. Đối với máy tính dạng business và mobile workstation có thể tham khảo ở đơn vị SaigonKTS.
“Các bạn nên chọn các máy có độ bền, dễ dàng nâng cấp khi phát sinh thêm nhu cầu cần nâng cấp trong tương lai. Lưu ý các bạn ở trọ hoặc thường xuyên di chuyển nên chọn laptop để thuận tiện. Máy tính để bàn có thể khiến bạn bất tiện khi ở phòng trọ nhỏ hay chuyển chỗ ở”, ông Thắng khuyến cáo.
Kiến trúc, đồ họa không nhất thiết phải dùng máy “khủng”
Với một số ngành đặc thù như xây dựng, kiến trúc, nhiều người vẫn thường nghĩ phải đầu tư một chiếc máy có cấu hình “khủng” mới đáp ứng được yêu cầu học tập. Tuy nhiên, theo Th.S. Trần Quốc Huy, khoa kỹ thuật xây dựng Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng, sinh viên không nhất thiết phải tốn quá nhiều tiền để theo mốt thời thượng.
“Khi mua máy tính để phục vụ thì xét đến vấn đề: hiện tại và tương lai. Nếu để phục vụ tầm sinh viên năm 1,2,3 thì chỉ cần trang bị cấu hình tối thiểu cỡ Pentium 4, Ram 2G để chạy MS Office, Autocad... là học được.
Nếu sắm cho năm 4, phục vụ sau này làm mảng thiết kế kết cấu thì cần cấu hình lớn hơn để chạy các phần mềm chuyên ngành thiết kế: Sap2000, Etabs, Safe, Nova, Revit… Tất nhiên máy nên có card đồ họa rời để đảm bảo xử lý tốt chứ không nên dùng loại chia sẻ RAM”, thầy Huy chia sẻ kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, thầy Huy cũng lưu ý: thông thường khi sinh viên theo học các ngành xây dựng, kiến trúc, ít nhiều nhà trường cũng đã có đầu tư sẵn máy bàn để phục vụ học tập.
Việc có thêm máy tính cá nhân chủ yếu đảm bảo tính riêng tư và tiện lợi hơn khi học tập cũng như giải trí mà thôi. Đặc biệt, các sinh viên ở trọ rất cần phải lưu ý khả năng mất mát có thể xảy ra trong quá trình học.
“Nếu không đủ tiền các em hoàn toàn có thể chọn mua máy đã qua sử dụng (second-hand). Hiện nay có nhiều máy đã qua sử dụng nhưng cấu hình rất mạnh và giá lại khá rẻ, thừa sức đáp ứng các nhu cầu học tập và giải trí của sinh viên. Tất nhiên việc chọn mua nên nhờ người có am hiểu về máy tính để đảm bảo chọn được máy tốt, giá rẻ”.
Nhất giá bán, nhì cấu hình
Ông Đoàn Văn Hiểu Em - giám đốc ngành hàng viễn thông di động Công ty Thế giới di động, cho biết khách hàng khi đi mua máy tính sẽ quan tâm trước nhất đến giá bán, sau đó mới xét lần lượt các tiêu chí sau: cấu hình; thương hiệu; kiểu dáng thiết kế, chất liệu sản phẩm; hệ điều hành/phần mềm văn phòng bản quyền tích hợp sẵn.
Tầm giá được khách hàng quan tâm nhiều nhất từ 10-12 triệu đồng (máy tính phổ thông đáp ứng các nhu cầu học tập, làm việc, giải trí cơ bản).
Các đối tượng như học sinh, sinh viên thường quan tâm đầu tiên đến giá tốt, cấu hình tiêu chuẩn, đáp ứng được các nhu cầu học tập và làm việc như các ứng dụng văn phòng, mạng xã hội Facebook, chat hay giải trí nghe nhạc, xem phim, có thể chơi được một số game web. Tầm giá của đối tượng này là 6-10 triệu đồng.