Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cách các nước châu Á thực hiện 'mục tiêu kép'

Thay vì phong tỏa diện rộng và dừng nhiều hoạt động kinh tế như năm 2020, nhiều nước châu Á dần thay đổi cách thức chống dịch, quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép".

Tình hình dịch bệnh ở Malaysia và Ấn Độ đang diễn biến phức tạp, thách thức chính phủ 2 nước tìm ra giải pháp kiểm soát tối ưu, tìm đường phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Giống như cách Việt Nam đối diện với làn sóng dịch Covid-19 mới, Malaysia và Ấn Độ cũng lựa chọn giải pháp "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế". Hai quốc gia hướng tới mục tiêu duy trì đời sống người dân và giữ mức tăng trưởng dương trong năm 2021.

Cac nuoc thuc hien 'muc tieu kep' de chong dich anh 1

Malaysia và Ấn Độ - hai quốc gia có số người nhiễm Covid-19 tăng cao trong thời gian gần đây - lựa chọn thực hiện "mục tiêu kép" là giải pháp chống dịch. Ảnh: Reuters.

Ngành sản xuất là "bệ phóng"

Manufacturing Today India nhận định sản xuất công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế ở Ấn Độ. Trong giai đoạn 2006-2012, trung bình mỗi năm, sản xuất công nghiệp tại quốc gia 1,3 tỷ dân tăng trung bình 9,5%.

Ấn Độ từng đặt mục tiêu trở thành siêu cường quốc về kinh tế với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 diễn ra trong năm 2020 đã dần nhấn chìm giấc mơ đó.

Bloomberg chỉ ra biện pháp phong toả nghiêm ngặt được Chính phủ Ấn Độ triển khai trong tháng 3/2020 đã kéo tụt đà tăng trưởng GDP quý II/2020 xuống mức -23,9%, cùng với đó là tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh và nhiều hệ lụy khác.

Cac nuoc thuc hien 'muc tieu kep' de chong dich anh 2

GDP quý II/2020 của Ấn Độ (tính đến tháng 6/2020) tăng trưởng âm vì biện pháp phong toả nghiêm ngặt của chính phủ. Nguồn: Trading Economics.

Như rút ra kinh nghiệm từ bài học "để đời" trong năm 2020, kế hoạch chống dịch năm nay của Ấn Độ có chuyển biến mới. Thay vì dừng toàn bộ hoạt động kinh tế để tập trung dập dịch, trong khi thực hiện lệnh phong tỏa, hoạt động sản xuất tại bang Maharashtra (miền tây Ấn Độ) và thủ đô Delhi (Ấn Độ) vẫn được duy trì nhằm giữ mức tăng trưởng ngành.

Theo Statistics Times, Maharashtra là bang có tổng sản phẩm quốc nội cao nhất Ấn Độ, đóng góp 13,88% tổng GDP cả nước.

“Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo ngành công nghiệp hứng chịu ít rủi ro nhất trong làn sóng Covid-19 năm 2021”, Business Standard dẫn lời Thư ký Bộ Công nghiệp Ấn Độ, Baldev Singh.

Trái ngược với Ấn Độ, đại dịch Covid-19 không gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề lên Malaysia trong năm 2020. Tuy vậy, số ca nhiễm tăng kỷ lục trong thời gian gần đây buộc Thủ tướng Muhyiddin Yassin tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 1/6.

Tuy nghiêm khắc với các lệnh phong tỏa, Chính phủ Malaysia cho phép nhiều lĩnh vực sản xuất tiếp tục hoạt động như lĩnh vực sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân, y tế, thực phẩm, điện tử và dầu khí.

“Chúng tôi hy vọng các ngành được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội sẽ tuân thủ hướng dẫn của Chính phủ”, ông Ismail Sabri Yaakob, Bộ trưởng bộ Quốc phòng, chia sẻ trong buổi họp báo.

Bảo vệ công nhân trong các nhà máy trước dịch

Không chỉ đội ngũ y tế và giới chức nhà nước, nhiều quốc gia cũng tìm cách bảo vệ lực lượng nhân công tại các nhà máy trong suốt thời gian triển khai lệnh phong tỏa với mục tiêu duy trì nền kinh tế. Chính vì vậy, đảm bảo sức khỏe nhân công và môi trường làm việc an toàn là mối quan tâm hàng đầu ở những quốc gia đang hướng tới mục tiêu "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế".

Theo chỉ thị của Chính phủ Ấn Độ, thời gian làm việc của nhân công trong các nhà máy, phân xưởng sẽ được sắp xếp xen kẽ, duy trì quy tắc giãn cách xã hội. Các nhà máy với số lượng nhân công lên tới 500 người cần xây dựng khu cách ly riêng trong trường hợp phát hiện ca nhiễm.

Cac nuoc thuc hien 'muc tieu kep' de chong dich anh 3

Lực lượng nhân công nhà máy là nòng cốt để duy trì nền kinh tế trong giai đoạn thực hiện "mục tiêu kép". Ảnh: Bloomberg.

Ngoài ra, để tầm soát nguy cơ mắc Covid-19, Chính phủ Ấn Độ yêu cầu giới chức các bang thường xuyên thực hiện việc xét nghiệm Covid-19 cho nhân công.

Trong khi đó, Chính phủ Malaysia coi việc tiêm vaccine cho lực lượng công nhân đóng vai trò quan trọng. Ngày 3/6, Malay Mail đưa tin các trung tâm tiêm chủng Covid-19 ưu tiên sẽ bắt đầu đi vào sử dụng trong vòng 2 tuần tại bang Penang (Malaysia). Khu vực sẽ dành riêng cho bộ phận công nhân của các nhà máy.

“Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các công nhân nhà máy phải làm việc liên tục khi lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) có hiệu lực. Họ sẽ được tiêm phòng tại đây. Đó là một biện pháp bảo vệ nhân công và duy trì hoạt động sản xuất”, Khairy Jamaluddin - Bộ trưởng Điều phối Chương trình Tiêm chủng Covid-19 quốc gia - chia sẻ.

“Giải pháp duy nhất là tăng tốc độ tiêm chủng”

Dù cố gắng thực hiện “mục tiêu kép” trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các quốc gia coi chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 đóng vai trò quyết định.

“Dịch Covid-19 không phải nguyên nhân duy nhất gây tử vong. Lệnh phong tỏa cũng có thể tước đi mạng sống của người dân khi họ mất việc làm, không có tiền chữa trị bệnh tật và chết đói. Giờ đây, giải pháp duy nhất là nhanh chóng tăng tốc độ tiêm chủng”, TS Subramaniam Muniandy, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia, nhận định.

Đồng quan điểm, Ủy ban Cứu hộ Quốc tế cho rằng đại dịch chỉ có thể chấm dứt nếu vaccine ngừa Covid-19 được phân phát tới tất cả các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, việc vaccine tiếp cận nhóm người tị nạn và di tản khỏi các cuộc xung đột chính trị là đặc biệt quan trọng.

"Đại dịch Covid-19 không thể chấm dứt trừ khi các chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi trên toàn cầu", Ủy ban Cứu hộ Quốc tế khẳng định.

Đại dịch Covid-19 không thể chấm dứt trừ khi các chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi trên toàn cầu

Ủy ban Cứu hộ Quốc tế

The Star hôm 3/6 đưa tin chính phủ Malaysia đang tạo điều kiện cho các bang có thể trực tiếp thu mua vaccine ngừa Covid-19 từ các công ty dược, thúc đẩy tốc độ triển khai tiêm chủng trong khu vực.

"Dù những nhà cung cấp đó khác với nguồn cung cấp của chính phủ liên bang, các bang vẫn có thể mua vaccine từ họ. Miễn là loại vaccine đó được đăng ký bởi Cơ quan Quản lý Dược phẩm Quốc gia", Khairy Jamaluddin, Bộ trưởng Điều phối Tiêm chủng Covid-19 quốc gia, cho biết.

Malaysia đang nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm chủng. Ông Khairy khẳng định 3,28 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân trong vòng 100 ngày, kể từ khi chương trình tiêm chủng khởi động.

"Tôi hy vọng 150.000 liều vaccine sẽ được sử dụng trong tháng 6 và con số đó sẽ tăng lên 200.000 liều vào tháng 7", The Star dẫn lời ông Khairy Jamaluddin.

Cách chống dịch mới để nền kinh tế không ‘đứt gãy’

TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh và Bắc Giang là 4 trung tâm công nghiệp, cũng là 4 ổ dịch Covid-19 lớn nhất. Tuy vậy, cách chống dịch lần này đã khác, hạn chế được sự đứt gãy kinh tế.

Linh Đỗ

Bạn có thể quan tâm