LHP Quốc tế Tokyo (TIFF) lần thứ 34 diễn ra trong 10 ngày, từ 30/10-8/11 tại Tokyo, Nhật Bản dưới hình thức sự kiện trực tiếp kết hợp tường thuật trực tuyến. Buổi tọa đàm với tên gọi Tương lai của điện ảnh được tổ chức vào chiều 31/10, với sự góp mặt của khách mời là thành viên ban tổ chức nhiều liên hoan phim quốc tế uy tín.
Họ gồm Giám đốc nghệ thuật LHP Tribeca Frédéric Boyer; Giám đốc nghệ thuật LHP Quốc tế Berlin Carlo Chatrian; Jean-Michel Frodon - nhà phê bình, phó giáo sư sử học chuyên ngành điện ảnh, Giáo sư danh dự của Đại học Saint Andrews; Giám đốc mảng Điện ảnh kiêm Phó trưởng ban tổ chức LHP Cannes Christian Jeune; nhà sản xuất và giám tuyển phim Lorna Tee.
Trong chương trình, dưới sự dẫn dắt của nhà sản xuất Shozo Ichiyama, các khách mời đã chia sẻ những thay đổi quan sát được song song kinh nghiệm đã tích lũy sau hai năm vận hành các liên hoan phim và làm phim giữa đại dịch. Chương trình mang đến cho khán giả cái nhìn khái quát về điện ảnh thế giới dưới góc nhìn của nhà tổ chức các liên hoan phim.
Sự hồi sinh của các LHP
Mở đầu tọa đàm, nhà sản xuất Shozo Ichiyama chia sẻ năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, ban tổ chức TIFF không thể mời các giám khảo quốc tế tới Nhật Bản tham gia chấm giải. Điều này dẫn đến việc liên hoan phải hủy bỏ một số hạng mục tranh giải.
Đại sứ Hashimoto Ai và chủ tịch LHP TIFF 2021 Ando Hiroyasu xuất hiện trên thảm đỏ lễ khai mạc LHP. Ảnh: TIFF. |
2021, với sự cho phép của chính phủ Nhật Bản, ban tổ chức TIFF đã có thể tổ chức sự kiện trực tiếp với các nhà làm phim và chuyên gia từ quốc tế tới tham dự. Dù vẫn chưa đạt quy mô trước đại dịch, TIFF 2021 nói riêng và các LHP nói chung đã phản ánh một phần sự hồi phục của điện ảnh thế giới.
Ông Frédéric Boyer cho hay năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, LHP Tribeca lần thứ XIX đã tổ chức trực tuyến. Do đó, tại sự kiện lần thứ XX được tổ chức trực tiếp, họ đã trình chiếu toàn bộ tác phẩm được chọn tham gia LHP năm 2020 như một phần của các sự kiện chính.
Ban tổ chức đã thiết lập các buổi chiếu phim không gian mở tại New York - địa điểm tổ chức LHP Tribeca 2021 - để đông đảo công chúng theo dõi. “Chúng tôi đã biến cả New York thành một sân chơi kiêm rạp chiếu phim khổng lồ”, Boyer chia sẻ.
Theo chia sẻ của ông Christian Jeune, trước tình hình LHP Cannes 2020 không thể diễn ra đúng kế hoạch, họ đã cho phép một số tác phẩm tham gia được phát hành và quảng bá với tư cách “Cannes 2020 Selection” (phim được lựa chọn bởi LHP Cannes 2020). “Đó là một năm nhiều vất vả”, ông Jeune nhận xét.
Nhà tổ chức cho hay bước sang năm 2021, bài toán đặt ra với các nhà tổ chức LHP không chỉ gói gọn trong câu chuyện trực tuyến hay trực tiếp mà còn là các lệnh giới nghiêm cùng biện pháp an toàn phòng dịch. Khách mời gặp khó khăn khi di chuyển tới quốc gia tổ chức sự kiện còn LHP không thể phục vụ khán giả với 100% công suất.
Với LHP Cannes 2021, việc tổ chức vào tháng 7 sau mùa cao điểm du lịch đã khiến sự kiện mất đi một lượng khách nước ngoài đáng kể. Theo ông Christian Jeune, Cannes chỉ còn khách du lịch nội địa dẫn đến việc " trong các bức ảnh chụp LHP, bạn sẽ thấy trên phố, các nghệ sĩ quần là áo lượt xuất hiện bên cạnh khách du lịch quần đùi, dép xốp". Tuy nhiên, ông vẫn đánh giá LHP Cannes 2021 là một sự kiện thành công.
Tầm quan trọng của các LHP phim
Chia sẻ với nhà sản xuất Shozo Ichiyama, ông Christian Jeune đánh giá cao vai trò của các LHP với thành công của một tác phẩm điện ảnh. Theo lời nhà tổ chức LHP Cannes, cái mác “Selection” (phim được ban giám tuyển LHP lựa chọn) là lời quảng cáo rầm rộ và uy tín cho một tác phẩm.
Bên cạnh đó, một bộ phim có thể được gửi tham gia nhiều liên hoan phim. Việc được nhiều LHP chọn chiếu càng chứng minh sức nặng của phim với giới chuyên môn, và sau đó, là khán giả.
Nhà sản xuất Shozo Ichiyama phát biểu mở màn buổi tọa đàm Tương lai của điện ảnh thế giới. Ảnh: TIFF. |
Năm 2021, LHP Quốc tế Berlin lần thứ 71 đã được tổ chức làm hai chặng - nửa đầu với hình thức trực tuyến từ 1/3-5/3 và nửa sau diễn ra cách đó vài tháng dưới hình thức trực tiếp. Giám đốc nghệ thuật LHP Quốc tế Berlin Carlo Chatrian cho hay đây là cách ban tổ chức LHP thích nghi với hoàn cảnh đại dịch song song thỏa mãn nhu cầu mua bán phim mới từ thị trường.
Ông cho hay ban tổ chức LHP nhận được nhiều yêu cầu giao dịch bản quyền từ các hãng phim, đơn vị phát hành. Việc trình chiếu phim tại các liên hoan đóng vai trò cầu nối, đưa tác phẩm đến với đơn vị phát hành. Liên hoan phim là mắt xích quan trọng trong thị trường điện ảnh. Việc đại dịch khiến các LHP không thể diễn ra bình thường cũng khiến thị trường giao dịch bản quyền bị gián đoạn.
Tương tự người đồng nghiệp Christian Jeune, ông Chatrian đánh giá cao vai trò của các LHP với việc quảng bá cho các bộ phim mới. Vị đạo diễn nghệ thuật nói: “Các LHP không chỉ giúp bộ phim được biết đến. Chúng còn giúp quảng bá cho tác phẩm một khi nó được phát hành rộng rãi trên thị trường”.
Nhà sản xuất Lorna Tee đánh giá cao việc các LHP được tổ chức trực tuyến. Cô nhận xét ngay cả trước đại dịch, nhiều nhà làm phim vẫn khó tiếp cận các LHP. Họ gặp vấn đề tài chính, giấy tờ, địa lý… và không thể tham dự các lễ hội điện ảnh. Việc hàng trăm người từ khắp nơi trên thế giới đổ về một địa điểm, thường bằng đường hàng không, cũng góp phần gia tăng lượng khí thải carbon.
Do đó, việc đưa các LHP phim lên nền tảng trực tuyến giúp đông đảo khán giả tiếp cận tác phẩm và các sự kiện bên lề mà không cần trực tiếp xuất hiện tại liên hoan phim. “Các LHP đưa phim lên nền tảng trực tuyến giúp bộ phim được nhiều khán giả nước ngoài biết đến và thưởng thức thay vì chỉ những ai trực tiếp đến dự chuỗi sự kiện”, cô nói.
Dấu ấn Covid-19 trong các tác phẩm tham gia LHP
Trong chương trình, các chuyên gia cũng nhận được câu hỏi về việc đại dịch Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng tác phẩm gửi tham gia liên hoan. Ông Carlo Chatrian cho hay vì các bộ phim thường mất 1-2 năm từ khi khởi quay đến lúc công chiếu, đa phần tác phẩm tham dự LHP năm nay đã được hoàn thành trước thời điểm đại dịch bùng phát.
Nhà sản xuất và giám tuyển phim Lorna Tee là gương mặt nữ duy nhất xuất hiện trong tọa đảm. Ảnh: TIFF. |
Theo ông, ảnh hưởng của đại dịch đến các tác phẩm tham gia LHP thể hiện rõ nét ở khía cạnh sản xuất. Phim có xu hướng sử dụng ít diễn viên hơn, với chỉ từ một đến hai bối cảnh cố định. Nội dung các bộ phim chủ đề này thường xoay quanh các vấn đề cá nhân khi con người đối mặt với ảnh hưởng của dịch bệnh. “Tuy nhiên, số lượng phim lấy đề tài đại dịch thực tế ít hơn so với ước lượng của tôi”.
Ông Frédéric Boyer cho hay chủ đề đại dịch xuất hiện phổ biến hơn ở thể loại phim ngắn do ưu thế về thời gian sản xuất. Tương tự phim dài, chúng cũng khai thác cách cá nhân đương đầu với đại dịch. “Trong các phim ngắn tôi đã xem, rất nhiều nhân vật đeo khẩu trang. Điều này hiếm thấy hơn trong các bộ phim dài”, Boyer nói.
Về phần nhà sản xuất và giám tuyển phim Lorna Tee, cô tiết lộ đại dịch khiến việc sản xuất các bộ phim đa quốc gia trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tee đang đảm nhận việc sản xuất một dự án với dự tham gia của ê-kíp đến từ Nhật Bản và Philippines. Tuy nhiên, dự án chưa thể triển khai vì quy định hạn chế di chuyển ở cả hai quốc gia.