Bắc Giang được biết đến là "ngôi sao" kinh tế mới của Việt Nam, khi liên tục tăng trưởng 2 con số những năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp lớn toàn cầu như Foxconn, Luxshare... đã đến đầu tư hàng trăm triệu USD và đặt nhà máy tại Bắc Giang.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư từ cuối tháng 4 đã khiến hoạt động sản xuất của tỉnh bị đình trệ. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, Bắc Giang đã đi đầu trong mô hình "3 tại chỗ" - ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ. Nhờ vậy, nhiều nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn nói rằng khi tổ chức "3 tại chỗ", gần như cả hệ thống chính quyền gồm ngành y tế, giao thông, lao động thương binh xã hội… đều vào cuộc, ra những quy định cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Tinh thần là tạo thuận lợi tối đa, tiết kiệm chi phí, nhưng vẫn chống được dịch bệnh.
Cho phép xét nghiệm mẫu gộp để giảm chi phí
Ông Phan Thế Tuấn nhớ lại trước khi quyết định dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, Bắc Giang đã tổ chức họp trực tiếp với các doanh nghiệp. Đầu tiên các doanh nghiệp rất lo lắng và không ủng hộ phương án dừng sản xuất, nhưng khi tỉnh đưa ra kế hoạch khôi phục sản xuất theo lộ trình, các biện pháp và giải pháp giúp doanh nghiệp tiến hành sản xuất an toàn trong điều kiện có dịch thì doanh nghiệp rất hưởng ứng.
"Bài học hay kinh nghiệm ở đây chính là phải đặt lợi ích của doanh nghiệp, người lao động thành trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh. Đi cùng với đó, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, nhất là cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện "mục tiêu kép", ông nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn. Ảnh: HL. |
Bắc Giang tiến hành bàn bạc, thống nhất tìm ra hướng giải quyết tốt nhất, với mục tiêu bảo đảm an toàn tuyệt đối trong công tác phòng, chống dịch, nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đầu tiên, tỉnh đã họp bàn với các doanh nghiệp, tìm hiểu điều kiện, khả năng, lắng nghe ý kiến, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành ban hành hướng dẫn trình tự các bước. Từ đó, các ngành y tế, giao thông, lao động thương binh xã hội… đều ra những quy định cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.
Bài học hay kinh nghiệm ở đây chính là phải đặt lợi ích của doanh nghiệp, người lao động thành trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn
Thứ hai, tỉnh tổ chức thành lập các tổ phòng, chống dịch, vào các doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp về công tác phòng chống dịch, xét nghiệm. Để đảm bảo an toàn trong giai đoạn đầu khôi phục sản xuất, Bắc Giang quy định xét nghiệm PCR 100% công nhân tại các doanh nghiệp với tần suất tối thiểu 7 ngày/lần.
Tuy nhiên, kinh phí xét nghiệm là khó khăn với các doanh nghiệp. Để hỗ trợ, tỉnh đã cho phép doanh nghiệp có thể thực hiện mẫu gộp 20, mẫu gộp 10 và yêu cầu đơn vị xét nghiệm giảm 50% tiền công xét nghiệm cho doanh nghiệp.
Giai đoạn tiếp theo, tùy thuộc vào tình hình dịch trên địa bàn, tỉnh Bắc Giang sẽ có chỉ đạo về việc xét nghiệm cho công nhân, có thể giảm tần suất, giảm số lượng và thay đổi phương thức xét nghiệm để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa giúp doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động sản xuất.
Thẩm định nhà trọ an toàn để giới thiệu cho doanh nghiệp
Bắc Giang cũng thành lập bộ phận thường trực ban quản lý khu công nghiệp để kiểm tra, giám sát xem các doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện hay không. Nếu không đủ điều kiện, thì hướng dẫn doanh nghiệp.
"Chúng tôi hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện phân tách, chia nhỏ nhất có thể, tạo sự tách biệt, hạn chế tiếp xúc giữa các nhóm lao động theo tổ, đội, dây chuyền, phân xưởng, khu vực sản xuất... gắn với tổ an toàn Covid”, ông Tuấn chia sẻ.
Mô hình này giúp đảm bảo điều kiện trong trường hợp có ca nhiễm, nghi nhiễm có thể nhanh chóng khoanh vùng cách ly để các tổ, đội, dây chuyền, phân xưởng, khu vực sản xuất... khác không bị ảnh hưởng vẫn tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất.
Hàng trăm doanh nghiệp của Bắc Giang đã trở lại sản xuất. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tỉnh đã hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng diện tích nhà kho chứa hàng hóa, khoảng trống trong nhà xưởng, khu nhà ăn, phòng làm việc, thậm trí cả khu garage để xe... để bố trí khu lưu trú cho người lao động.
Tuy nhiên, trong 4 khu công nghiệp (có 354 doanh nghiệp, ở nhiều loại hình và quy mô khác nhau), không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện thuận lợi trong việc bố trí chỗ ở, kinh phí xét nghiệm, đưa đón công nhân.
Do đó, Bắc Giang có những biện pháp riêng để giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp sửa chữa, xây dựng tạm nơi ở tập trung cho công nhân ngay trong nhà máy, khu vực sản xuất. Rà soát toàn bộ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, trường học trên địa bàn, giới thiệu để doanh nghiệp thuê làm nơi ở cho người lao động.
Thậm chí, Bắc Giang huy động một số trường học đang trong thời gian nghỉ hè, cải tạo khu vực vệ sinh, tắm giặt để doanh nghiệp sử dụng làm nơi nghỉ cho công nhân. Tỉnh cũng có tổ hỗ trợ xét nghiệm cho các công nhân có nhu cầu quay trở lại làm việc.
Một sáng tạo của Bắc Giang là tỉnh tổ chức rà soát, thẩm định, chấp thuận danh sách các cơ sở lưu trú đảm bảo điều kiện phục vụ lưu trú; giới thiệu tới doanh nghiệp để bố trí chỗ ở cho công nhân. Đến nay, công tác thẩm định, công bố nhà trọ đủ điều kiện tổng số 3.075 nhà trọ với 53.262 phòng, đáp ứng 109.730 công nhân.
Quan tâm đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết phần đông doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ và là doanh nghiệp địa phương, do đó tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt đến việc nối lại hoạt động của các doanh nghiệp này.
"Chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về lao động; hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ nhà trọ, nơi lưu trú đủ điều kiện hoạt động đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch", ông nói.
Xét nghiệm tầm soát cho công nhân tại Bắc Giang. Ảnh: Thạch Thảo. |
Sau 20 ngày áp dụng "3 tại chỗ", tỷ lệ doanh nghiệp và người lao động quay trở lại làm việc rất cao. Đến ngày 22/7 đã có 353 doanh nghiệp thông báo hoạt động trở lại.
Việc hỗ trợ của tỉnh Bắc Giang được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chính quyền năng động, thân thiện, là điểm đến hấp dẫn đầu tư
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn
"112.205/150.000 lao động thực tế đã đi làm trở lại. Các doanh nghiệp quy mô lớn đang dần phục hồi sản xuất ở mức trên 45% so với quy mô ở thời điểm trước dịch; một số doanh nghiệp đạt trên 70% quy mô", ông Tuấn chia sẻ.
Ông cho biết rất nhiều doanh nghiệp FDI như Nichirin Việt Nam, S-Connect BG Vina, Jeil-Tech, Dae Gwang Vina, KCD Việt Nam, ĐK Hope... đang tăng sản lượng rất nhanh. Bên cạnh đó Bắc Giang có thêm 19 dự án mới đi vào hoạt động trong giai đoạn này.
"Việc hỗ trợ của tỉnh Bắc Giang được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chính quyền năng động, thân thiện, là điểm đến hấp dẫn đầu tư", ông Tuấn vui mừng chia sẻ.