Tàu Sewol xuất phát khi sương mù xuất hiện, người cầm lái không có kinh nghiệm điều khiển tàu trong vùng nước nguy hiểm. Chiếc tàu chở hàng hóa cồng kềnh nghiêng sang một bên và lật. Một số thành viên thủy thủ đoàn rời tàu, bỏ mặc hàng trăm hành khách đang gặp nguy hiểm. Nhiều người cho rằng, thảm họa tàu Sewol bộc lộ vấn đề lớn hơn trong xã hội Hàn Quốc, nơi con người đề cao những giá trị về vật chất. Chosun liệt kê các nguyên nhân biến tai nạn tàu Sewol thành thảm họa tàu chìm thảm khốc nhất Hàn Quốc kể từ năm 1993.
Sương mù
Theo lịch trình, tàu Sewol rời Incheon vào 18h30 phút ngày 15/4. Vì sương mù dày đặc nên các tàu khác hoãn. Tàu Sewol vẫn bắt đầu hành trình nhưng muộn hơn hai tiếng rưỡi và nó là con tàu duy nhất rời bến vào tối 15/4.
Khi tàu bắt đầu hành trình, Sewol chở 3.608 tấn hàng hóa như xe khách, xe tải, máy xúc, xe nâng. Trọng lượng hàng hóa cao gấp 3 lần mức cho phép (987 tấn).
Lẽ ra thủy thủ đoàn phải buộc chặt hàng hóa nhưng họ đã làm ngơ. Sewol rời cảng lúc 21h ngày 15/4, khoảng 3 phút sau khi hành khách cuối cùng lên tàu. Điều đó chứng tỏ thủy thủ đoàn đã không dành nhiều thời gian để kiểm tra lại hàng hóa. Nhiều người cho rằng tàu chở quá tải là một trong những nguyên nhân gây tai nạn.
Thân nhân hành khách trên tàu Sewol than khóc trên đảo Jindo hôm 26/4. Ảnh: Reuters |
Chủ sở hữu nâng cấp, kéo dài tuổi thọ tàu
Công ty Chonghaejin Marine mua Sewol từ Nhật năm 2012 khi con tàu đã hoạt động 18 năm. Sau khi mua tàu, họ nâng cấp, sửa chữa để kéo dài tuổi thọ tàu thêm 7 năm. Hồi tháng 2 năm nay, tàu vượt qua các yêu cầu về an toàn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng hoạt động kiểm tra có thể diễn ra không chặt chẽ. Con tàu hoạt động không ổn định trước khi gặp nạn.
Bên cạnh đó, 46 thuyền cứu sinh của tàu Sewol đủ sức để cứu hết các hành khách. Trên thực tế, khi tai nạn xảy ra, chỉ một thuyền cứu sinh duy nhất hoạt động hiệu quả. Thông thường thủy thủ phải luyện tập cứu nạn khẩn cấp 10 ngày/lần nhưng cả thuyền trưởng và các thuyền viên khác đều không quen với các thao tác cứu nạn cơ bản.
Người lái tàu thiếu kinh nghiệmGiới truyền thông đưa tin tàu Sewol vượt qua vùng nước với những dòng hải lưu mạnh trước khi gặp nạn. Lúc ấy thuyền phó thứ ba, cô Park Han Gyeol, cầm bánh lái. Nhưng Park mới làm việc cho công ty điều hành tàu 4 tháng và chưa từng điều khiển tàu trong điều kiện nguy hiểm. Thuyền trưởng Lee Joon Seok, 69 tuổi, không ở trong buồng lái khi tàu qua vùng nước nguy hiểm mà đang hút thuốc và nghỉ ngơi.
Tuy Hàn Quốc không quy định thủy thủ có kinh nghiệm phải lái tàu qua vùng nước nguy hiểm nhưng lẽ ra thuyền trưởng phải điều khiển tàu trong tình huống khó.
Cứu nạn không thành công
Đoàn thủy thủ gọi cấp cứu tới đảo Jeju, điểm đến của hành trình, mà không gọi đến Trung tâm Dịch vụ Giao thông trên đảo Jindo gần đó khi Sewol bắt đầu chìm. Họ gọi lần đầu vào lúc 8h55 phút ngày 16/8 và 12 phút sau trung tâm phản hồi. Theo nội dung đoạn hội thoại cuối cùng giữa hai bên, cả hai đẩy trách nhiệm sơ cứu hành khách cho nhau vì sợ phải chịu trách nhiệm. Thời gian quý giá trôi qua khiến số người giành cơ hội sống sót giảm xuống.
Thủy thủ đoàn bỏ chạy trước hành khách
Trong khi tàu cứu nạn và các thuyền bè khác nhanh chóng tiếp cận Sewol để cứu hành khách, thủy thủ đoàn yêu cầu mọi người trên tàu giữ nguyên vị trí đến 9h30 phút, tức là khoảng 30 phút sau khi tàu nghiêng và chìm dần. Những người đầu tiên nhảy ra khỏi Sewol khi tàu cứu hộ đến là thuyền trưởng và các thuyền viên khác. Vào lúc 9h37 phút, thuyền trưởng thoát thân trong khi hành khách vẫn chờ mệnh lệnh hướng dẫn từ thủy thủ đoàn.
20 trong số 29 người thuộc thủy thủ đoàn thoát nạn. Trong số 325 học sinh từ trường Danwon ở Ansan, chỉ 75 em sống sót. Thuyền trưởng nói dối lực lượng cứu hộ rằng ông ta chỉ là hành khách bình thường để thoát thân.
Thông tin saiSau khi tàu gặp nạn, các quan chức ngành giáo dục thông báo rằng tất cả học sinh trên tàu Sewol đều thoát. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Sau đó, quan chức ngành giáo dục xin lỗi vì đưa ra tuyên bố sai do dựa vào nguồn tin không đáng tin.
Đó không phải là lỗi duy nhất trong thảm kịch ngày 16/4. Các quan chức liên tục đưa ra các con số không chính xác khiến người nhà nạn nhân lo lắng hơn. Tổng số hành khách bắt đầu từ 477 người trước khi xuống 459, rồi tăng lên 462, 474. Các báo cũng bối rối trước ma trận các con số.
Vào 13h ngày 16/4, chính phủ thông báo 107 hành khách mất tích. Ba giờ sau họ đính chính số người mất tích là 293.
Ngày 18/4, chính phủ thông tin rằng tàu chở 476 hành khách và 174 người được cứu.
Ngày 17/4, Tổng thống Park thăm hiện trường vụ tai nạn và hỏi các quan chức vì sao các con số thay đổi liên tục. Họ trả lời rằng các con số chỉ mang tính ước lượng. Họ chưa thể đưa ra con số chính xác vì sợ cấp trên phạt.