Theo Bloomberg, Zhang Shiping là một trong hàng triệu thanh niên Trung Quốc được điều động về nông thôn trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Hàng chục năm sau, ông xây dựng một công ty may mặc khổng lồ và nhà máy luyện nhôm tư nhân lớn nhất thế giới.
Sau khi ông Zhang qua đời năm 2019 ở tuổi 73, hai người con của ông thừa kế khối tài sản 14 tỷ USD và quản lý tập đoàn gia đình. Tổng tài sản của gia tộc Zhang phình to đáng kể trong năm 2021 khi lợi nhuận tập đoàn và giá cổ phiếu đồng loạt tăng vọt.
Đây là gia đình đầu tiên tại Trung Quốc đại lục có mặt trong bảng xếp hạng các gia tộc giàu nhất châu Á của Bloomberg.
Trung Quốc có số lượng tỷ phú nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Các công ty công nghệ, năng lượng xanh và dược phẩm quy mô lớn liên tục xuất hiện tại thị trường này. Tuy nhiên, phần lớn số tài sản được tích tụ
Bảng xếp hạng gia tộc Bloomberg bao gồm các gia đình doanh nhân kéo dài ít nhất hai thế hệ. Ở Hong Kong, Ấn Độ hay Đông Nam Á, tài sản thường được chuyển giao qua ba hoặc bốn thế hệ. Một số gia tộc giàu có ở châu Âu đã chuyển giao tài sản qua hàng thế kỷ.
Doanh nhân Zhang Bo, con trai tỷ phú Zhang Shiping. Ảnh: AP. |
Và tại Trung Quốc, một sự dịch chuyển lớn đang diễn ra. Các tỷ phú lãnh đạo những tập đoàn hàng đầu nước này sở hữu gần 1.100 tỷ USD và sẽ sớm chuyển giao số tài sản này cho con cháu.
“Chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều cuộc chuyển giao tài sản tại Trung Quốc đại lục, khi nhóm doanh nhân thế hệ thứ nhất bước vào tuổi nghỉ hưu”, Bloomberg dẫn lời chuyên gia Hao Gao, giám đóc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh Gia đình Toàn cầu thuộc Đại học Tùng Hoa nhận định.
Các nhà sáng lập của Wanxian Group, New Hope Liuhe, Country Garden Holdings hay Hopson Development Holdings đều đã chuyển giao tài sản và quyền lực cho con cháu. Yang Huiyan - đồng Chủ tịch Country Garden - trở thành người phụ nữ giàu nhất châu Á vào năm 2005 sau khi được cha chuyển cổ phần tập đoàn.
Trong khi đó, nhóm 80 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc theo bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index hiện có độ tuổi trung bình là 55. Việc chuyển giao tài sản sẽ diễn ra trong vòng một thập niên tới.
Thời gian qua, chính quyền Trung Quốc bắt đầu thực hiện chiến dịch “thịnh vượng chung” để giảm khoảng cách giàu nghèo. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa đưa ra thuế thừa kế như các nước Âu - Mỹ.
“Thuế thừa kế chưa phải là vấn đề ở Trung Quốc”, phó giáo sư luật Angela Zhang thuộc Đại học Hong Kong cho biết. “Trong khi đó, phần lớn tỷ phú công nghệ cất giữ tài sản ở các thiên đường thuế ngoài Trung Quốc. Đó là lý do tại sao chính quyền Trung Quốc gây sức ép buộc các tỷ phú quyên góp từ thiện và đổ tiền vào các dự án cộng đồng nhằm tái phân phối tài sản”.
Chuyên gia Hao Gao cho rằng chiến dịch trấn áp các ngành công nghệ, bất động sản và giáo dục của chính quyền Trung Quốc thời gian qua làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của hàng loạt tập đoàn lớn. Do đó, các tỷ phú Trung Quốc có thể đẩy nhanh kế hoạch chuyển giao tài sản cho con cháu.
“Khối tư nhân ở Trung Quốc đang đối mặt nhiều thay đổi lớn. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để thế hệ thứ hai phát triển nhanh hơn. Các tỷ phú Trung Quốc đang ngày càng nhận thức rõ hơn về việc phải đưa ra kế hoạch chuyển giao nhanh chóng”, ông Gao nói.