Ban Tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) đã có hướng dẫn về việc đăng ký sơ tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp quân sự và đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.
Theo đó, các trường tuyển sinh hệ đại học gồm có bảy học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Biên phòng, Phòng không - Không quân, Khoa học quân sự, Hậu cần, Hải quân và 10 trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh, Công binh, Thông tin, Không quân, Tăng thiết giáp, Đặc công, Phòng hóa.
Hệ đào tạo cao đẳng quân sự gồm hai trường: Trường Sĩ quan không quân, Trường cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật ô-tô.
Đại diện trường quân đội giải đáp thắc mắc cho thí sinh, phụ huynh. Ảnh: M.N. |
Thí sinh ngoài quân đội có nguyện vọng xét tuyển phải nằm trong độ tuổi từ 17-21. Quân nhân tại ngũ hoặc đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ công an nhân dân phải từ 18-23 tuổi.
Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo quy định của pháp luật phải có thời gian phục vụ tại ngũ từ 12 tháng trở lên (tính tới tháng 4 năm tuyển sinh). Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng phải có thời gian phục vụ trong quân đội từ 12 tháng trở lên (tính tới tháng 9 năm tuyển sinh).
Năm nay, các ngành Bác sĩ quân y của Học viện Quân y; Quan hệ quốc tế về quốc phòng và Ngoại ngữ của Học viện Khoa học quân sự tuyển 10% chỉ tiêu nữ.
Ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử y sinh, Khí tài quang, Địa tin học của Học viện Kỹ thuật quân sự tuyển không quá 6% chỉ tiêu nữ.
Đối với các ngành được giao tuyển thí sinh nữ, mỗi ngành tuyển ít nhất hai em.
Thí sinh đăng ký dự thi các ngành quân đội sẽ tham gia sơ tuyển từ 1/3 đến 25/4. Thời gian khám sức khỏe cho thí sinh sẽ chia thành hai đợt vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4.
Đáng chú ý, các trường quân đội chỉ xét tuyển đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất).
Sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng 1 trong nhóm các trường quân đội có cùng tiêu chí sức khỏe.