Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Các trường đại học đau đầu vì 'chợ' tư vấn hướng nghiệp trên TikTok

Trước các video tư vấn hướng nghiệp tràn lan trên TikTok, nhiều trường đại học gặp khó khăn khi không thể đính chính ngay các thông tin chủ quan, thiếu chính xác của các TikToker.

Nhiều TikToker đưa ra quan điểm thiếu chính xác về hướng nghiệp trên TikTok. Ảnh: TopCV.

Với các từ khóa "tư vấn chọn ngành học" hoặc "tư vấn hướng nghiệp", người dùng TikTok có thể nhận về hàng trăm video bàn luận của những tài khoản có lượng lớn người theo dõi và hàng triệu lượt xem.

Các câu mở đầu nhiều đoạn video hướng nghiệp phổ biến trên TikTok thường là: "Sau đây là danh sách những bằng đại học vô dụng", "Danh sách những bằng đại học vô dụng chúng ta không nên đăng ký học", "Sau đây là danh sách 4 bằng đại học vô dụng nhất Việt Nam"...

Khi xem những video này, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng TikTok là kênh dành cho trải nghiệm cá nhân nhiều hơn kênh quảng bá thương hiệu của trường học. Các clip lên xu hướng ở TikTok phần lớn là clip của cá nhân nên nhiều TikToker đã làm các nội dung về hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh "bậy bạ" để thu hút lượt xem.

"Hiện tại, TikTok vẫn chưa thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn ngành nghề của nhiều học sinh. Nhưng theo tôi dự đoán 1, 2 năm nữa, mạng xã hội này có thể sẽ trở thành nơi các em tìm kiếm thông tin nghề nghiệp. Khi đó, việc các TikToker nói lai rai và nói nhiều thông tin phiến diện sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn ngành nghề sau này của các em", ông Sơn nói.

Nhiều sạn trong các video hướng nghiệp của TikToker

Theo ông Sơn, trong các video hướng nghiệp, tư vấn ngành học, các TikToker thường hay trình bày quan điểm, diễn giải về ngành nghề nào đó, nhưng họ lại không thật sự biết ngành nghề đó sẽ học như thế nào và học để làm gì, hoặc học ngành đó có khó khăn ra sao.

Các TikToker có thể nói đúng trong một vài trường hợp nhưng không phải đúng tất cả. Tuy nhiên, với lượt theo dõi và lượt xem đông đảo, những "người nổi tiếng" này có thể sẽ gây hiểu lầm cho học sinh khi lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Đồng quan điểm, ông Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận định các video hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh của TikToker thường là những nhận định cá nhân, không kèm theo dẫn chứng, số liệu, căn cứ xác đáng về việc "vì sao ngành này lại khó kiếm việc làm", hay "vì sao ngành này vô dụng".

Các thông tin mà TikToker đưa ra cũng chưa chắc chắn đã phản ánh đúng thực tế ở trường học. Đôi khi, những thông tin khiếm khuyết, thiếu kiểm chứng này có thể gây nguy hiểm, làm người xem ngộ nhận.

"Nếu như TikToker có ác ý đối với một số ngành/trường học nào đó hoặc họ không có tính khách quan khi trình bày quan điểm trên TikTok, học sinh sẽ bị ảnh hưởng bởi những thông tin này, đặc biệt những học sinh bị thiếu thông tin", ông Nam nói.

Ông Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu của ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), cho rằng khi TikToker đã là nhân tố có ảnh hưởng đối với một bộ phận cộng đồng, họ cần đưa ra những thông tin chuẩn xác, con số thống kê có giá trị cụ thể; thay vì trình bày các quan điểm gây tranh cãi, làm lệch định hướng nghề nghiệp của học sinh như một số video "ngành học vô dụng", "ngành học khó kiếm việc làm"...

Huong nghiep tren TikTok anh 1

Video "chê" các ngành học của TikToker thu về hàng triệu lượt xem.

Trường học khó đính chính khi TikToker "hướng nghiệp" sai

Trong các buổi tư vấn tuyển sinh ở các trường THPT thuộc nhiều địa phương khác nhau, ông Trần Nam vẫn thường nghe những trường hợp học sinh đọc hoặc xem phải những nội dung có tính chất định kiến về ngành nghề.

Các em "nghe nói" từ nhiều nguồn tin khác nhau, trong đó có những thông tin từ người nổi tiếng trên mạng xã hội, bao gồm TikToker. Những phát biểu không đầy đủ về nghề nghiệp của họ đã khiến nhiều học sinh hoang mang rồi tin theo.

"Đối với các trường hợp này, thông thường, nếu các em hỏi trực tiếp với tôi tại buổi tư vấn tuyển sinh, tôi có thể đính chính lại thông tin. Tuy nhiên, thực tế để đính chính những thông tin sai lệch ngay và luôn không phải là chuyện đơn giản vì hiện tại có quá nhiều 'sản phẩm' về tuyển sinh", ông Nam nói.

Ở các buổi tư vấn tuyển sinh, ông Nam rất mong chờ giải đáp những câu hỏi của học sinh về "hạn chế của ngành học" hoặc "ngành học này đào tạo chuyên sâu về cái gì", "cơ hội nghề nghiệp ra sao". Tuy nhiên, kỹ năng hỏi của học sinh hiện tại còn hạn chế. Bên cạnh đó, thời gian tư vấn của các chuyên gia ở những buổi tư vấn tuyển sinh cũng rất ít nên việc giải đáp, đính chính các thông tin gây hiểu nhầm - mà các em đã tiếp cận - gặp nhiều khó khăn.

Đối với những thông tin sai sự thật, gây nhiễu của các TikToker, theo ông Nguyễn Trần Ngọc Phương, trường học vẫn có nhiều hình thức khác để trình bày thế mạnh đào tạo, cơ sở vật chất, trải nghiệm sinh viên; qua đó, thuyết phục thí sinh tin tưởng lựa chọn ngành nghề của trường.

"Những trường đủ lâu đời thì sự thành công của cựu sinh viên, sự đồ sộ của thành tựu, giảng viên... sẽ chứng minh được thông tin nào của TikToker là đúng, thông tin nào sai", ông Phương nói.

"TikTok không phải nền tảng tốt để hướng nghiệp"

TikTok là mạng xã hội đang nhận nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Trước xu hướng phát triển của ứng dụng này, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã mở một tài khoản để tiếp cận và đến gần hơn với học sinh, sinh viên.

"Tiêu chí của TikTok là sản xuất các video ngắn khoảng từ 30 giây đến một vài phút. Vì vậy, tài khoản của nhà trường không đưa ra nhận định gì mang tính chất nghiêm trọng hay tiêu cực về một yếu tố nào đó, do có thể khiến học sinh không tiếp nhận đầy đủ thông tin trong khoảng thời gian ngắn", ông Trần Nam nói.

ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tận dụng TikTok để thí sinh và sinh viên tương tác. Nhà trường cũng phản hồi một số câu hỏi phổ biến trên nền tảng này, qua đó xúc tác thí sinh tiếp tục tìm hiểu thêm.

"TikTok có thể đưa ra dấu hiệu nhận biết của các ngành học một cách vui nhộn, dễ tiếp cận. Tuy nhiên, đây không thể xem là nền tảng tốt để hướng nghiệp hay tư vấn tuyển sinh", ông Nam nhấn mạnh.

Ở ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), ông Nguyễn Trần Ngọc Phương cho biết các video trên TikTok của nhà trường phải theo hướng chuẩn mực, phù hợp với môi trường sư phạm nên thường không nhận được lượt xem cao. Tuy nhiên, đây vẫn là một phương tiện truyền thông được nhà trường tận dụng để gợi mở những thông tin chính xác cho học sinh khi chọn ngành nghề.

Ngoài việc xem tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trên TikTok hay các mạng xã hội khác, ông Phương khuyên học sinh mà nên chọn lọc thông tin phân tích, dự báo nhân lực từ các tổ chức, doanh nghiệp uy tín để xem tình hình tuyển dụng ra sao, nhu cầu nhân sự của ngành mình dự định chọn học như thế nào.

Các em có thể gặp gỡ trực tiếp với những nhân vật đã có trải nghiệm đúng ở lĩnh vực, ngành nghề mình quan tâm để nghe họ nói về những hào quang, góc khuất, cơ hội, thách thức của nghề một cách chuẩn xác và chân thực nhất.

Ông Phạm Thái Sơn cũng khuyên học sinh nên tiếp cận các tài khoản TikTok của trường đại học hoặc tài khoản TikToker chuyên về giáo dục để nghe tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp.

"Các em đừng nên xem và tin tưởng làm theo bất kỳ kênh thông tin/tài khoản nào nói về giáo dục không chuyên vì họ thường đưa ra những thông tin phiến diện, thiếu chính xác hoặc làm cho to chuyện từ những thông tin không có dẫn chứng cụ thể", ông Sơn nói.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

'Chợ' tư vấn hướng nghiệp trên TikTok

Những video có nội dung chọn ngành thu hút số lượng lượt xem lớn trên TikTok. Tuy nhiên, nội dung không đồng nhất khiến học sinh lúng túng vì không biết phải nghe ai.

Minh Uyên - Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm