Chia sẻ với Zing, ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết đã phối hợp cùng Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) để tạo hiệu ứng cổ vũ ảo, mang đến cảm giác sôi động cho khán giả xem truyền hình dù thực tế trên sân không có cổ động viên. Tuy nhiên hệ thống chỉ tạo tiếng ồn cổ vũ, không có hiệu ứng tùy theo tình huống trên sân.
Hiệu ứng mô phỏng khán giả ảo tại sân Mỹ Đình có thể được nghe qua truyền hình. Hệ thống loa cũng được lắp đặt trên sân để mang đến cảm giác hưng phấn cho các cầu thủ. Trên thực tế, ghế ngồi trên sân hoàn toàn trống.
Trận đấu Việt Nam - Australia tối 7/9 sử dụng hệ thống mô phỏng âm thanh cổ vũ của khán giả. Ảnh: Việt Linh. |
"Những trận đấu không có khán giả trên sân Mỹ Đình trong khuôn khổ vòng loại 3 World Cup 2022 đều sẽ sử dụng hiệu ứng này", ông Lê Hoài Anh cho biết.
Ngoài hệ thống mô phỏng tiếng cổ vũ, trận đấu sắp diễn ra trên sân Mỹ Đình cũng lần đầu sử dụng công nghệ quảng cáo ảo. Màn hình quảng cáo trên sân sẽ hiển thị thông điệp, hình ảnh khác nhau tùy thuộc vào vị trí địa lý của khán giả truyền hình đang theo dõi. Ngoài ra, công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) cũng được áp dụng trong trận đấu này.
Năm 2020, công nghệ mô phỏng tiếng cổ vũ đã được áp dụng tại nhiều giải bóng lớn trên thế giới khi dịch bệnh bùng phát, khiến các sân bóng không thể đón khán giả.
Theo Forbes, giải VĐQG Tây Ban Nha (La Liga) đã áp dụng hiệu ứng từ tháng 6/2020 nhằm tái tạo bầu không khí sôi động trên khán đài, một trong số đó là sử dụng tiếng cổ vũ ảo. Hiệu ứng được áp dụng đến khi các sân đón khán giả trở lại trong năm nay.
Tại La Liga, âm thanh khán giả được cung cấp bởi EA Sports, nhà phát triển loạt game bóng đá FIFA nổi tiếng. EA Sports là đối tác chính thức của La Liga, trong khi Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) sở hữu toàn bộ hiệu ứng kỹ thuật số trong game. Bộ âm thanh có tên Sound of the Stands sẽ thay đổi linh hoạt tùy vào các tình huống trên sân như bàn thắng, phạm lỗi hoặc bỏ lỡ cơ hội nguy hiểm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ công nghệ mô phỏng tiếng khán giả tại sân vận động. Phillips, khán giả 53 tuổi đã "hoảng hốt" khi kênh truyền hình lồng tiếng cổ vũ của khán giả cho một trận đấu của giải VĐQG Đức (Bundesliga). Vào năm ngoái, các trận đấu tại Đức cũng tổ chức không khán giả do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trả lời New York Times, Phillips cho biết ông "khó chịu về mặt tâm lý" khi tiếng ồn giả cổ vũ cho bàn thắng, phản đối khi có pha phạm lỗi thô bạo và hốt hoảng khi bóng lăn đến gần vòng cấm. "Thật khủng khiếp. Không phải vì tôi không thích âm thanh của khán giả, mà thực tế chúng là âm thanh giả", Phillips chia sẻ.