Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các 'thành phố ma' tại Trung Quốc hồi sinh

Nhiều quận nội thành rộng lớn tại Trung Quốc đang trở thành điểm đến thu hút cả người dân và doanh nghiệp sau nhiều năm hoang vắng.

Theo Bloomberg, nằm ở những nơi hẻo lánh và không có ai sinh sống, những thành phố ma của Trung Quốc từng là chủ đề thu hút giới truyền thông phương Tây cách đây 1 thập kỷ. Qua những bức ảnh được lan truyền trên mạng về các kế hoạch phát triển đô thị, có thể nhìn thấy hàng loạt tòa chung cư hoang vắng ngập trong bùn đất, các đại lộ không một bóng người, nhiều công trình kiến trúc đồ sộ nhưng lại bị bỏ không.

thanh pho ma anh 1

Một thành phố ma ở Bắc Hải, Quảng Tây. Ảnh: Daily Mail

Max Woodworth, phó giáo sư địa lý tại Đại học bang Ohio, nói: “Những nơi này được gọi là thành phố ma vì chẳng ai thèm đến định cư, bất chấp các dự án đô thị hoá với vốn đầu tư lớn. Kết quả là những thành phố trông có vẻ hiện đại nhưng lại chẳng có một bóng người”.

Theo Woodworth, quá trình đô thị hóa tại Trung Quốc đã được đẩy mạnh trong nhiều năm. Tuy nhiên, tốc độ những tòa cao ốc mọc lên thường cao hơn tốc độ người mua căn hộ, bất chấp việc thị trường bất động sản tại Trung Quốc đang nóng lên.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc dần bớt phụ thuộc vào trọng tâm nông nghiệp, đô thị hoá và các hoạt động xây dựng trở thành chất xúc tác quan trọng cho sự tăng trưởng của đất nước tỷ dân. Năm 1978, chỉ 18% dân số Trung Quốc sống ở các thành phố lớn, trong khi vào năm 2020, con số này đã tăng lên 64%.

Trung Quốc đang sở hữu 10 siêu đô thị với hơn 10 triệu cư dân mỗi thành phố. Hơn 1/10 tổng dân số thế giới đang định cư tại các thành phố lớn của Trung Quốc.

Để đáp ứng được lượng người đổ vào các thành phố và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành nhiều dự án xây dựng quy mô lớn. Chính quyền địa phương cũng có thêm ngân sách qua việc bán đất và thu thuế từ doanh nghiệp.

Quyền lực của nhà nước Trung Quốc là chất xúc tác cho sự phát triển của những thành phố này. Thông thường, văn phòng chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước là những đối tượng đầu tiên chuyển vào các thành phố. Tiếp đến là các công trình công cộng như viện bảo tàng, trung tâm hội nghị, sân vận động và các trường học nhằm thu hút vốn đầu tư tư nhân.

Phố Đông của Thượng Hải là trường hợp ngoại lệ khi có bước chuyển mình từ một thành phố ma thành nơi đông đúc dân cư. Tuy nhiên, tái khởi động những dự án này đồng nghĩa với việc phải chấp nhận gánh nợ. Sự bùng nổ của ngành xây dựng, với đầu tàu là bất động sản, đã tiêu tốn chính quyền địa phương hơn 3.750 tỷ NDT (khoảng 580 tỷ USD).

Chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy xu hướng di cư ra các thành phố lớn với một lý do rất rõ ràng: Thu nhập người dân thành thị cao hơn, đồng nghĩa với gia tăng tiêu dùng nội địa, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Trung Quốc vào các hoạt động ngoại thương. Trong bối cảnh những đô thị lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải siết chặt kiểm soát số lượng người cư trú tại thành phố, việc xây dựng các khu dân cư mới trở nên quan trọng.

Tuy nhiên, rủi ro vẫn tồn tại về khả năng tạo ra đủ doanh thu từ cư dân và doanh nghiệp để bù cho chi phí xây dựng những thành phố này. Dẫu vậy, các khoản nợ chỉ là một trong những thách thức mà một thành phố mới phải đối mặt. Một cộng đồng dân cư muốn tồn tại và phát triển còn cần những yếu tố như con người, công việc, trường học và bệnh viện ở mức tối thiểu.

Thật khó để nói về mức độ thu hút dân cư của những thành phố ma này khi chính phủ Trung Quốc không công bố các dữ liệu, trong khi có rất ít công trình nghiên cứu độc lập.

Tuy nhiên, trong số những thành phố ma, vẫn tồn tại một số thành phố đang có sự hồi sinh mạnh mẽ.

Thiên Hải

Bạn có thể quan tâm