Trong ngày 14/12, thống kê của Bộ Y tế cho thấy cả nước ghi nhận thêm 15.203 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Xu hướng gia tăng người mắc Covid-19 tiếp tục được ghi nhận tại Việt Nam.
Mặt khác, những thông tin về biến chủng Omicron, dù chưa rõ ràng, cũng gây ra những sự lo ngại nhất định, nhất là khi chúng đã xuất hiện ở các quốc gia rất gần nước ta.
Dịch phức tạp, TP.HCM và Hà Nội chủ động lên kế hoạch
Hà Nội tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về số ca mắc Covid-19 khi ghi nhận thêm 837 trường hợp trong 24 giờ qua. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ 11/10 đến 18h ngày 14/12, thành phố có thêm hơn 16.000 ca nhiễm SARS-CoV-2.
Về công tác điều trị, 9.463 F0 đang được theo dõi tại Hà Nội. Trong đó, 8.896 trường hợp được điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế, trạm y tế lưu động. 540 bệnh nhân còn lại đang được cách ly, điều trị tại nhà.
Cụ thể, 2 bệnh viện của Trung ương là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang điều trị cho 257 bệnh nhân. Bên cạnh đó, 29 bệnh viện của Hà Nội cũng đang điều trị cho 1.984 bệnh nhân.
Bên trong khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng ở khu vực phía Bắc. Ảnh: Thạch Thảo. |
Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định thời gian qua thành phố vẫn kiểm soát được tình hình dù số ca bệnh tăng mạnh. Tuy nhiên, ông lo ngại tâm lý chủ quan, tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện “5K” khi ăn uống ở hàng, quán diễn ra nhiều nơi. Một số địa phương chưa triển khai điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng, cách ly F1 tại nhà.
Vì vậy, Bí thư Hà Nội đã giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày. Người đứng đầu cấp quận, huyện xác định cấp độ dịch và biện pháp tương ứng; nâng cao năng lực hệ thống y tế, thành lập các trạm y tế lưu động; đẩy mạnh điều trị F0 nhẹ, cách ly F1 tại nhà đối với tất cả phường, xã, thị trấn.
Liên quan tiến độ bao phủ vaccine, theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, 91,59% người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã được bao phủ 2 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19.
Dù đã qua giai đoạn khốc liệt nhất, TP.HCM vẫn nằm trong nhóm những địa phương có số ca mắc mới nhiều nhất cả nước. Riêng trong ngày 14/12, TP.HCM đã ghi nhận 991 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số ca nhiễm tích lũy trong đợt dịch thứ 4 lên gần 500.000 người.
Thậm chí mới đây, với nguy cơ xuất hiện biến chủng Omicron cùng những phân tích số liệu thời gian qua, một nhóm chuyên gia đã dự báo thành phố nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với ít nhất một làn sóng dịch mới từ nay đến tháng 6/2022.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, đã khẳng định tất cả mẫu bệnh phẩm của người từ nước ngoài đến đều đã được giải mã trình tự gene và chưa phát hiện chủng mới.
Dẫu vậy, ngày 14/12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký ban hành khẩn kế hoạch xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến chủng Omicron. Cụ thể, TP.HCM vạch ra 8 giải pháp gồm:
Thứ nhất, tăng giám sát, kiểm dịch quốc tế tại các cửa khẩu hàng không, hàng hải.
Thứ hai, tăng giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp.
Thứ ba, giám sát bằng xét nghiệm nhằm sớm phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron. Cụ thể, TP.HCM xét nghiệm giải trình tự gene tất cả trường hợp dương tính thuộc 2 nhóm: Người nhập cảnh trong vòng 28 ngày; người tái mắc Covid-19.
Trường hợp thuộc 2 nhóm nêu trên dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được chuyển tới Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly, điều trị và thực hiện giải trình tự gene.
Thứ tư, tăng cập nhật thông tin trên thế giới về Omicron để đánh giá đúng mức nguy hiểm; chuẩn bị biện pháp phòng ngừa, can thiệp và tổ chức truyền thông phù hợp, hiệu quả.
Thứ năm, triển khai đầy đủ, kịp thời việc tiêm vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại.
Thứ sáu, kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống kiểm dịch từ cấp thành phố đến huyện, xã; ứng phó linh hoạt tùy thuộc cấp độ nguy hiểm của dịch do biến thể Omicron gây ra.
Thứ bảy, tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả các trạm y tế lưu động; tổ chức chăm sóc F0 tại cộng đồng.
Cuối cùng, xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19 cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động ngay khi có yêu cầu.
Tại TP.HCM, 94,94% người dân trên 18 tuổi cũng đã được bảo phủ đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19.
Dịch tại khu vực phía Nam vẫn “nóng”
Xếp sau TP.HCM và Hà Nội, Tây Ninh là một trong những địa phương có số ca mắc mới cao nhất cả nước thời gian gần đây. Trung bình tuần qua, Tây Ninh ghi nhận khoảng hơn 900 F0/ngày. Riêng 24 giờ qua, tỉnh đã có thêm 931 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Theo cập nhật từ Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19, toàn tỉnh đang thiết lập 322 vùng cách ly y tế và có 16.561 bệnh nhân được điều trị.
Số ca mắc Covid-19 tại Tây Ninh trong 7 ngày qua | ||||||||
Nguồn: Bộ Y tế | ||||||||
Nhãn | 8/12 | 9/12 | 10/12 | 11/12 | 12/12 | 13/12 | 14/12 | |
Số ca mắc mới | ca | 874 | 895 | 893 | 903 | 920 | 919 | 900 |
Đến nay, Tây Ninh cũng đã đạt tỷ lệ người dân trên 18 tuổi được tiêm một mũi vaccine Covid-19 lên tới 96,88%. Tỷ lệ này của tỉnh với mũi 2 cũng đạt 88,49%.
Trước tình hình dịch phức tạp, UBND tỉnh kêu gọi người dân và toàn xã hội không chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” và tích cực tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; tăng cường khai báo y tế điện tử, quét mã QR tại các địa điểm.
Cũng nằm trong nhóm ghi nhận số ca mắc mới cao, Đồng Tháp vừa ghi nhận 734 trường hợp nhiễm nCoV trong 24 giờ qua. Cộng dồn đến nay, Đồng Tháp đã có tổng cộng 31.780 F0. Số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị là 8.907 ca, trong đó 8.548 ca không triệu chứng, diễn biến nhẹ và 63 trường hợp có tình trạng rất nặng.
Địa phương này đã có tỷ lệ hơn 99% dân số tỉnh từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi một vaccine phòng Covid-19. Với mũi 2, tỷ lệ này là 83,63%. Đồng Tháp cũng đã thực hiện 205.222 mũi tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi.
Số ca mắc Covid-19 tại Đồng Tháp 7 ngày qua | ||||||||
Nguồn: Bộ Y tế | ||||||||
Nhãn | 8/12 | 9/12 | 10/12 | 11/12 | 12/12 | 13/12 | 14/12 | |
725 | 730 | 744 | 750 | 745 | 740 | 700 |
Vừa qua, Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khẳng định công tác điều trị là đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, các địa phương thiếu thuốc cần khẩn trương báo cáo về tỉnh để được cấp. Ông nhấn mạnh với sở y tế và các địa phương thuộc tỉnh tuyệt đối không để thiếu thuốc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân tại tuyến cơ sở.
Tại Cà Mau, trung bình tuần qua, địa phương này ghi nhận khoảng 750 ca mắc mới/ngày. Riêng ngày 14/12, Cà Mau cũng phát hiện thêm tới 1.011 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, dẫn đầu cả nước.
Theo báo cáo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh đang có tổng cộng 9.165 F0 đang điều trị. Trong đó, 29 trường hợp điều trị tại tầng 3, 51 ca ở tầng 2 và 9.085 người được theo dõi tầng 1.
Số ca mắc Covid-19 tại Cà Mau 7 ngày qua | ||||||||
Nguồn: Bộ Y tế | ||||||||
Nhãn | 8/12 | 9/12 | 10/12 | 11/12 | 12/12 | 13/12 | 14/12 | |
Số ca mắc mới | ca | 511 | 720 | 822 | 722 | 675 | 793 | 700 |
Để đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 tăng cao, mới đây, giám đốc Sở Y tế Cà Mau đã chỉ đạo kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 8 tại trường Chính trị tỉnh. Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau được giao nhiệm vụ tổ chức điều hành hoạt động tại đây.
Cà Mau cũng thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao khi 101,17% dân số trên 18 tuổi đã được tiêm đủ 2 mũi.
Triển khai tiêm mũi 3 chưa rộng rãi
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 13/12, 748.830 liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm. Đến nay, tổng số liều vaccine tiêm tại Việt Nam là 133.631.226. Qua đó, 58,61% dân số Việt Nam đã được bao phủ 2 mũi vaccine.
Trước tình hình dịch phức tạp cùng những thông thông tin về biến chủng mới, hôm 1/12, Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo và hướng dẫn dẫn các địa phương triển khai tiêm chủng mũi 3 vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Tuy nhiên, sau 2 tuần, TP.HCM mới là địa phương duy nhất thực hiện. Theo thông tin mới nhất, TP.HCM đã tiêm liều vaccine bổ sung cho gần 4.500 người thuộc nhóm suy giảm miễn dịch và hơn 7.300 mũi nhắc lại cho tuyến đầu chống dịch.
Trong khi đó, tại Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, cho biết thành phố đã có kế hoạch và chủ trương về việc tiêm mũi 3 vaccine phòng bệnh Covid-19 cho người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, UBND Hà Nội vẫn cần chỉ đạo sớm từ Bộ Y tế về lộ trình phần bổ vaccine, kế hoạch tiêm mũi 3 trên cả nước cũng như khoảng cách quy định giữa mũi cơ bản và mũi tăng cường.
TP.HCM là địa phương đầu tiên và duy nhất đến nay đã tổ chức tiêm mũi tăng cường vaccine Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo vị lãnh đạo này, ngành y tế Hà Nội sẽ tập trung vào đối tượng người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người nhiều bệnh nền. Thành phố cũng sẽ có chiến lược bảo vệ cho nhóm đối tượng này để giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất.
Mới đây, Sở Y tế Hải Phòng cũng đã có văn bản gửi các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19 cho người dân, trong đó có hướng dẫn triển khai tiêm mũi bổ sung và nhắc lại.
Cụ thể, thành phố sẽ tiêm mũi vaccine bổ sung cho nhóm từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên người trên 50 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản, có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng (như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...).
Với mũi vaccine nhắc lại, đối tượng tiêm là người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung. Hải Phòng cũng ưu tiên người trên 50 tuổi, có bệnh nền, cần được chăm sóc dài hạn tại cơ sở y tế hoặc trường hợp trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.