Theo báo cáo từ IntoTheBlock, 99% giao dịch Bitcoin (BTC) là những đợt mua bán với khối lượng trên 100.000 USD. Các giao dịch lớn dần chiếm ưu thế trên mạng lưới Bitcoin từ đầu năm 2021. Ngoài ra, một lượng BTC trị giá 1,2 tỷ USD đã được rút khỏi sàn giao dịch Coinbase, theo số liệu từ Glassnode.
Tài liệu từ IntoTheBlock cũng cho biết thêm dù bối cảnh thị trường đang ảm đạm, số lượng ví nắm giữ Bitcoin đang tăng lên vùng đỉnh. Gần 40 triệu ví đang có số dư BTC lớn hơn 0.
Giao dịch khối lượng lớn chiếm xu thế trên mạng lưới Bitcoin. Ảnh: IntoTheBlocks. |
Các thợ đào ngày càng nắm giữ ít BTC. Điều này khiến họ ít có khả năng gây ảnh hưởng mạnh đến thị trường. Theo IntoTheBlock, áp lực từ độ khó trong quá trình khai thác kết hợp với giá của BTC giảm mạnh và đi ngang trong thời gian dài khiến các thợ đào phải chốt lời.
Ngược lại, giá BTC giảm không hề khiến các quỹ đầu tư ngừng chú tâm vào thị trường tiền số, theo IntoTheBlock. Các quỹ đầu tư lớn đang áp đảo về khối lượng giao dịch Bitcoin kể từ quý 3 năm 2020.
Bên cạnh thông tin từ IntoTheBlock, Glassnode, một nền tảng cung cấp dữ liệu trên chuỗi (on-chain) cũng cho biết 31.130 Bitcoin đã được rút khỏi sàn giao dịch Coinbase trong tuần trước. Đây là lượng BTC lớn nhất được rút ra trong một tuần kể từ năm 2017.
“Đây là xu hướng trên sàn Coinbase trong 2 năm qua. Khách hàng chính của sàn này là các quỹ và công ty lớn. Vì thế đây là tín hiệu cho thấy nhiều quỹ đầu tư đang nhìn nhận và đầu tư nghiêm túc vào Bitcoin", Glassnode chia sẻ trong tài liệu công bố vào đầu tuần.
Lượng BTC rút khỏi sàn Coinbase lớn tương đương với giai đoạn tháng 5-7/2021. Ảnh: Glassnode. |
Danh sách các quỹ lớn tham gia đầu tư vào tiền mã hoá ngày một dài hơn.
Theo WSJ, các quỹ đầu tư mạo hiểm (hedge fund) so sánh tiền mã hoá có nhiều điểm tương đồng với cổ phiếu. “Nhiều quỹ đầu tư đang xem tiền số là loại tài sản cần đầu tư bên cạnh cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ và hàng hoá. Thị trường này đã phát triển hoàn thiện", Robert Bogucki, Giám đốc bộ phận đầu tư tại quỹ Galaxy Digital chia sẻ.
Theo ông Bogucki, các quỹ đầu tư mạo hiểm thường tập trung vào phân tích giá và xu hướng để ra quyết định mua hay bán tiền số. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư hạn chế bán khống (short) tiền mã hoá do thị trường này biến động nhanh có thể khiến họ thua lỗ nặng.
Các quỹ đầu tư khác như Jane Street tại New York, Mỹ cho biết nhiều quỹ đầu tư lớn đang nhắm đến thị trường blockchain. “Lượng lớn khách hàng của chúng tôi là các quỹ đang tiếp tục đổ tiền”, Mina Nguyen, trưởng bộ phận phân tích chiến lược tại Jane Street chia sẻ.
Một số mô hình quỹ khác như phong cách đầu tư sử dụng số liệu đã đem lại hiệu quả cao. Quỹ đầu tư Alameda Research, một bộ phận của sàn giao dịch FTX nổi tiếng với lối đầu tư theo số liệu và máy tính. Đây cũng là quỹ hàng đầu thị trường tiền số.
Thông tin về loại tiền số trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Zing News. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.