Dưới sức ép của Covid-19, hàng loạt quán cà phê tại TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều quán tạm ngưng mọi hoạt động trong khi một số khác đẩy mạnh chiến lược bán online với các sản phẩm đóng chai.
Các chủ quán cà phê thừa nhận làn sóng thứ 4 đã đặt ra một bài toán khó cho người kinh doanh, buộc họ phải đổi mới và chuyển hình thức hoạt động liên tục.
Trong cuộc phỏng vấn với Zing, 4 chủ quán cà phê đã chia sẻ tình hình kinh doanh trong mùa dịch và phương án mà họ đưa ra để khắc phục khó khăn.
Quách Thanh Quyền (26 tuổi), chủ quán cà phê Local Saigon Cafe (quận 1)
Quán cà phê của tôi mới hoạt động được 3 tháng. Ngày 9/7, tôi buộc phải đóng cửa theo Chỉ thị 16 của chính phủ. Mọi việc diễn ra rất gấp rút, ngay khi nhận thông báo, tôi và các nhân viên nhanh chóng dọn dẹp, cáo lỗi với khách hàng.
Do có theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh nên tôi cũng không quá bất ngờ. Tôi và cả team đã chuẩn bị những phương án để thích nghi với tình huống này.
Thật ra, trước khi có chỉ thị mới, Local Saigon Cafe đã ra mắt dòng cà phê đặc biệt và 2 loại trà đóng chai, vốn đã được khách hàng tin dùng. Khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao, quán chuyển sang bán trên mạng.
Việc đóng chai giúp sản phẩm đảm bảo vệ sinh, hạn sử dụng lâu hơn và người dân hạn chế ra đường.
Thay vì đặt qua các ứng dụng gọi đồ ăn như trước đây, khách sẽ đặt trực tiếp qua cửa hàng. Sau khi nhận đơn, đóng gói, quán sử dụng dịch vụ giao hàng để chuyển đến tận tay khách. Phí ship phụ thuộc vào bên vận chuyển, quán sẽ hỗ trợ 50% cho khách mua dưới 3 chai.
Thanh Quyền chuyển hình thức kinh doanh sang bán online tạm thời. Ảnh: NVCC. |
Đợt dịch kéo dài khiến doanh thu của quán giảm rất nhiều, khoảng 40-50% so với trước kia. Đặc biệt, Local Saigon Cafe là một tân binh trên thị trường, mới ra mắt được vài tháng và đang tìm kiếm tệp khách hàng của riêng mình.
Trong thời gian này, tôi xem xét lại các nhận xét của khách hàng từ trước dịch để tìm cách khắc phục, đẩy mạnh chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Nguyễn Hữu Tuấn Thanh (31 tuổi), chủ quán cà phê Caztus Ice Blended (quận 3)
Ngay khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao, tôi quyết định chuyển từ bán mang đi sang đặt hàng online.
Kể từ khi thành lập từ năm 2010, đây là thời điểm khó khăn nhất của Caztus Ice Blended vì phải ngừng kinh doanh 2 lần. Ngày 8/7, khi nhận được thông báo, mọi người đều rất lo lắng vì tình hình dịch chuyển biến ngày một xấu hơn.
Giống với nhiều quán khác, Tuấn Thanh cũng đẩy mạnh các sản phẩm đóng chai trong thời gian này. Ảnh: Phương Lâm, NVCC. |
Nếu xét về phương diện chung, những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống đều gặp cảnh ngộ tương tự.
Dưới sức ép của Covid-19, quán vẫn cố gắng duy trì bằng một phương án khác. Hiện Caztus Ice Blended đã cho ra mắt sản phẩm đóng chai pha sẵn với bao bì được tinh gọn tối đa.
Tôi tin hình thức này sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế cũng như giữ an toàn cho xã hội theo chỉ thị của nhà nước. Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm "giảm nhiệt" để mọi thứ sớm hoạt động trở lại.
Trần Thanh Tùng (33 tuổi), chủ quán cà phê Monkey in Black (quận 10)
Ngày 27/5, tôi quyết định tạm ngừng kinh doanh quán cà phê sau khi hay tin các ổ dịch trên địa bàn TP.HCM bùng phát trở lại. Thời điểm đó, Monkey in Black là một trong những nơi đóng cửa đầu tiên tại Sài Gòn.
Sau 2 tháng quyết không bán mang về để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, tôi và đội ngũ của mình nghĩ ra ý tưởng đẩy sản phẩm đóng gói lên sàn thương mại điện tử.
Dựa theo nhu cầu của khách hàng, những người thích tự pha chế ở nhà từ nguyên liệu có sẵn, tôi chọn món bán chạy nhất tại quán để “chạy thử”.
Từ khâu lên ý tưởng đến lúc hoàn thiện chỉ tốn khoảng 2 ngày. Trong ngày đầu tiên mở bán, quán nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khách quen, lượng đơn hàng cũng tăng nhanh chóng. Đó là nguồn động viên to lớn với tôi khi sắp trên bờ vực phá sản.
Thanh Tùng tin rằng đây là cách cứu quán cà phê của mình sau 2 tháng đóng cửa. Ảnh: Gia Bảo, NVCC. |
Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ hình thức này là để cứu Monkey in Black vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, từ sự thành công với phương án mới, tôi dự định đẩy mạnh việc bán nguyên liệu đóng gói hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Đây là một “phép thử” rất đáng để liều ngay lúc này. Tôi tin nhà nước đang làm rất tốt để giúp chúng ta vượt qua đại dịch.
Trước Chỉ thị 16, tôi và các nhân viên phụ trách đóng gói, còn khâu giao hàng phụ thuộc vào đơn vị vận chuyển. Mọi quy trình đều đảm bảo nguyên tắc 5K.
Ngô Thị Thu Thủy (28 tuổi), chủ quán cà phê Barista Collective (quận 3)
Tôi bắt đầu kinh doanh quán cà phê từ tháng 8/2019, đến nay tròn 2 năm. Trải qua 3 đợt dịch với 2 lần đóng cửa quán, đây là lần dừng hoạt động lâu nhất, kéo dài hơn 2 tháng.
Ban đầu, tôi có mở bán online nhưng không hiệu quả. Vì khách hàng đến Barista Collective yêu thích trải nghiệm tại quán là chủ yếu. Sau khi tạm dừng hẳn, nhiều khách đã nhắn tin hỏi han và thông cảm cho tình hình hiện tại.
Khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7, tôi nghĩ ngay đến nhân viên của mình. Trong hoàn cảnh thế này, không chỉ người kinh doanh mà các bạn sinh viên cũng chật vật để xoay xở cuộc sống.
Thu Thủy ấp ủ nhiều dự định sắp tới cho quán cà phê của mình. Ảnh: NVCC. |
Đóng cửa 2 tháng, tôi vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng dù đã được chủ nhà giảm một phần. Nguồn thu bị đứt, quán gần như kiệt quệ. Tuy khó khăn chồng chất, tôi và mọi người vẫn giữ vững tinh thần, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Hiện tôi có nhiều kế hoạch dành cho Barista Collective nhưng chưa thể thực hiện trong tình hình này. Dự kiến, khi UBND TP.HCM cho phép mở cửa hoạt động trở lại, quán sẽ đẩy mạnh mảng bán mang về và xây dựng nhiều phương án để sống chung với dịch.