TP.HCM vừa có quyết định hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn, cùng với đó là các chế tài xử phạt đối với cá nhân vi phạm nhiều lần.
Tuy việc phân loại rác có vẻ khá mới mẻ với người dân Việt Nam, nhưng nhiều nước trên thế giới đã áp dụng từ rất lâu.
Câu chuyện 3 chiếc thùng rác ở Canada
Ở Canada, mỗi năm ước tính có khoảng 25 triệu tấn rác được thải ra môi trường, trong số đó có đến 15 triệu là các chất thải rắn sinh hoạt.
Việc phân loại đã được áp dụng từ nhiều năm trước, ở đây, mỗi nhà có 3 thùng chuyên dụng với màu sắc khác nhau để phân biệt từng rác loại được bỏ vào.
Các thùng rác màu ghi và xanh là được xếp trước cửa nhà để chờ được thu gom. Ảnh: The Globe and Mail. |
Rác thải tái chế cho vào thùng xanh tím than, thùng xanh lá cây để chứa các loại rác hữu cơ, và các loại khác vào thùng màu ghi.
Theo Cục Thống kê Canada (Statistic Canada), mỗi năm nước này tiêu tốn khoảng 3,3 tỷ đôla Canada (khoảng 58.000 tỷ đồng) cho các dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt, trong số đó có 1,1 tỷ (khoảng 19.000 tỷ đồng) cho các công việc thu gom và vận chuyển.
Nước này cũng có tỷ lệ tái chế rác thải thuộc mức cao nhất thế giới, khoảng 35% năm 2016, so với Mỹ, con số này chỉ dừng lại ở 26%.
GS Hanspeter Schreier (ĐH British Columbia, Canada) cho biết, việc thu gom rác do chính quyền của từng thành phố quyết định, cho đấu thầu và chọn đơn vị trúng thầu.
Green For Life được chọn làm nhà thầu thu gom, vận chuyển rác ở thành phố Toronto, Canada. Ảnh: UrbanToronto.ca. |
Các đơn vị này mặc dù không được phép xử phạt người dân vì không phân loại rác, nhưng họ có quyền không thu gom rác trong những ngày thùng rác không được phân loại cẩn thận, hoặc gom nhiều loại rác khác nhau vào một thùng.
Nhật Bản và 1% rác thải ra môi trường
Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng bởi sự sạch sẽ, nhưng cũng nổi tiếng trong việc xả rác. Theo báo cáo của Waste Atlas, mỗi năm, mỗi người Nhật xả ra môi trường gần 350 kg rác thải và đất nước mặt trời mọc tạo ra khoảng 45 triệu tấn rác, đứng thứ 8 trên thế giới.
Nhiều nguyên nhân được đưa ra cho việc Nhật Bản lại có nhiều rác như vậy, với dân số 126 triệu, cùng với văn hoá thích gói quà của người Nhật. Một quả dưa ở siêu thị được gói tới 4 lần giấy hoặc lớp nylon, chưa kể khi mua hàng được siêu thị cho túi để xách về.
Rác được chia làm 4 loại ở Nhật Bản. Ảnh: Tofugu.com. |
Mỗi năm nước này xả ra môi trường đến 10 triệu tấn nhựa các loại, trở thành một trong các quốc gia sử dụng nhựa nhiều nhất thế giới.
Vậy người Nhật đã làm gì?
Người dân luôn trân trọng tất cả các vật dụng vẫn còn giá trị sử dụng và luôn cố gắng tái sử dụng chứ không vứt ngay. Bên cạnh đó việc phân loại rác cực kỳ chính xác và khắt khe.
Về cơ bản, rác được chia làm 4 loại thông thường, rác đốt được như giấy gói, vỏ nhựa, chai nhựa, cao su và da, loại rác này được thu gom từ nhà dân 2 lần mỗi tuần.
Các loại rác không đốt được như đồ gốm, sứ, kính mắt, đồ điện tử, chảo, bế… sẽ được thu gom vào mỗi tháng.
Hai loại rác còn lại là rác quá khổ và các loại lon, vỏ hộp kim loại, sẽ được thu gom 2 lần một tháng.
Người dân nước này cũng phải trả rất nhiều tiền cho các dịch vụ thu gom và xử lý các loại rác đặc biệt như đồ điện tử, xe gắn máy, hoặc đồ quá khổ. Ở Tokyo, bạn sẽ phải trả khoảng 1.200 yen (250.000 đồng) để vứt một chiếc đệm, 2.000 yen (410.000 đồng) cho một chiếc sofa.
Chỉ có 1% rác thải bị thải ra môi trường, phần lớn rác được tiêu huỷ trong các lò đốt rác khổng lồ, vì Nhật Bản không có đủ diện tích đất cho các bãi tập kết. Phần lớn rác được xử lý bằng cách đốt, các kỹ sư ở Nhật cho biết, thể tích của rác sẽ giảm xuống còn 1/20 nếu được đốt bằng nhiệt độ lớn với thời gian thích hợp.
Việc phân loại đòi hỏi rất kỹ lưỡng, những chai nước phải sạch, nhãn mác và nắp phải tháo ra trước khi vứt bỏ. Nhiều người nước ngoài khi sang Nhật cũng tỏ ra bất ngờ khi nhìn thấy người dân phun rửa một chai nước thật sạch sẽ rồi sau đó…vứt đi.
Một người Nhật làm sạch chai nhựa trước khi bỏ vào thùng. Ảnh: ABC News. |
Được tặng quà khi phân loại rác ở Trung Quốc
Mỗi năm Trung Quốc thải ra khoảng 254 triệu tấn rác, chiếm 1/3 số lượng rác thải trên thế giới. Nước này cùng với Mỹ dẫn đầu thế giới về rác thải.
Phần lớn lượng rác này được thải ra môi trường, rất ít được tái chế hoặc xử lý triệt để.
Một em bé làm nghề đào bới rác ở TP. Quý Dương, Trung Quốc. Ảnh: China.org.cn. |
Trung Quốc cũng bắt đầu thực thi chính sách phân loại rác thải từ tháng 3/2017, nhưng chính sách mới áp dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hàng.
Trong đó rác được chia làm 3 loại là chất thải độc hại, chất thải nhà bếp và rác có thể rái chế.
Đến cuối tháng 11 năm ngoái, có 12 thành phố đã ban hành luật liên quan và 24 thành phố khác đã thông báo sẽ tham gia chủ trương này.
Dù luật được áp dụng cho các tổ chức, cơ sở kinh doanh, nhưng các hộ gia đình ở Trung Quốc cũng được khuyến khích tham gia chương trình này bằng các phần thưởng vật chất.
Một máy đổi rác thải đã phân loại lấy điểm thưởng ở TP. Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Shanghai Municipal Bureau of Greenery and City Planning. |
Cuối tháng 10/2017, đã có đến hơn 4 triệu hộ gia đình ở Thượng Hải đăng ký tham gia chương trình phân loại rác nhận quà. Các hộ dân khi phân loại rác đúng theo quy chuẩn sẽ nhận được những điểm thưởng, điểm thưởng này có thể dùng để đổi lấy các mặt hàng nhu yếu phẩm.
UBND TP.HCM vừa ban hành Quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/11.
Theo đó, người dân phải phân chất thải ra làm 3 loại trước khi thu gom bao gồm: chất thải hữu cơ dễ phân huỷ, chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại.
Quy định cũng nêu các cá nhân, hộ gia đình vi phạm nhiều lần sẽ bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo về môi trường theo nghị định 155/2016/NĐ-CP.