Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Các nước tích cực ứng dụng công nghệ để chống dịch

Tuy Singapore và Trung Quốc có chênh lệch lớn về dân số, công tác chống dịch Covid-19 của hai nước có chung đặc điểm: Tích cực ứng dụng công nghệ để truy vết và xét nghiệm.

Covid-19 anh 1

“Tầm nhìn của chúng tôi là mong muốn Singapore trở thành quốc gia thông minh - một đất nước mà người dân có thể sống cuộc sống ý nghĩa và mãn nguyện nhờ vào công nghệ, với cơ hội dành cho mọi người”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói trong bài phát biểu cuối năm 2014.

Bài nói của Thủ tướng Lý đã đặt nền móng cho "Quốc gia Thông minh" - sáng kiến của chính phủ Singapore nhằm tận dụng công nghệ thông tin và dữ liệu lớn để phục vụ cho sự phát triển của đảo quốc sư tử. Đây cũng là bước đà giúp nước này có thể sớm đưa ra các giải pháp công nghệ ngay khi Covid-19 bùng phát để có thể nhanh chóng khoanh vùng dập dịch.

Tương tự, công nghệ cũng là một lĩnh vực được Trung Quốc, quốc gia với gần 1,4 tỷ dân, chú trọng từ sớm. Khi Covid-19 xuất hiện, chính phủ nước này dùng công nghệ để cân bằng biện pháp chống dịch và nhu cầu đi lại thiết yếu của người dân.

Cả “chàng tí hon” Singapore và “gã khổng lồ” Trung Quốc đều để lại một số bài học hữu ích cho thế giới trong việc ứng dụng công nghệ chống đại dịch.

Covid-19 anh 2

Một phụ nữ phải quét mã QR y tế để được vào sân trượt tuyết ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 1. Ảnh: AFP.

Singapore: Tăng tốc xét nghiệm, tăng cường truy vết

Trên phương diện chẩn đoán Covid-19, xét nghiệm PCR vẫn luôn được coi là “tiêu chuẩn vàng” vì độ chính xác cao. Nhưng bất lợi của xét nghiệm PCR là cần dùng máy móc chuyên dụng trong phòng thí nghiệm và mất vài tiếng để biết kết quả.

Để bổ trợ cho xét nghiệm PCR, Singapore tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại trong chẩn đoán Covid-19, từ đó có thể xét nghiệm nhanh, thường xuyên, và rộng hơn.

Ngày 11/6, Singapore cấp phép tạm thời cho hai thiết bị xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở thuộc về 2 công ty khởi nghiệp: Silver Factory Technology (thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore) và Breathonix (thuộc Đại học Quốc gia Singapore), theo Nikkei Asia.

Thiết bị của hai công ty trên sẽ phân tích hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) trong hơi thở để tìm kiếm thành phần nguyên tử đặc trưng thường thấy ở người mắc Covid-19. Kết quả sẽ được trả trong chưa đầy 2 phút, theo thông tin trên Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA).

Covid-19 anh 3

Breathonix - một trong hai hệ thống xét nghiệm bằng hơi thở của Singapore. Ảnh: Reuters.

Hai hệ thống xét nghiệm qua hơi thở nói trên phù hợp cho các sự kiện quy mô lớn và kiểm soát nhập cảnh. Chúng đang được thử nghiệm tại sân bay Changi của Singapore và cửa khẩu giữa Singapore và Malaysia, theo Nikkei Asia.

Trước khi dự họp quốc hội, Thủ tướng Lý Hiển Long và một số nghị sĩ cũng phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở vào ngày 26/7.

Bên cạnh đó, Singapore còn kết hợp nhiều công nghệ khác trong công tác chống dịch như bộ kit tự xét nghiệm, phân tích chất thải, xét nghiệm huyết thanh và phân tích các bộ gene virus COVID-19 để truy vết chuỗi lây nhiễm.

Chẳng hạn, phương pháp phân tích bộ gene virus có thể trợ giúp các nhà khoa học trong việc xác định “bệnh nhân số 0” của một cụm dịch, theo Strait Times.

Trong trường hợp cụm dịch gần đây liên quan tới cảng cá Jurong, phương pháp phân tích bộ gene cho phép nhà chức trách xác định biến chủng liên quan là Delta và có đặc điểm tương tự các ca nhập cảnh từ Indonesia.

Giữa tháng 6, chính phủ đảo quốc sư tử cho phép một số nhà thuốc bán bộ kit tự xét nghiệm với độ chính xác là 82%. Tuy không chính xác bằng xét nghiệm PCR, ưu điểm của bộ kit này là người dân có thể tự kiểm tra ở nhà và biết kết quả sau 15 phút.

Cơ quan hữu trách tại Singapore cũng định kỳ áp dụng công nghệ xét nghiệm nước thải sinh hoạt tại hơn 200 địa điểm để phát hiện sớm Covid-19, bao gồm ký túc xá lao động, nhà dưỡng lão, và khu dân cư. Công nghệ này sẽ giúp tìm ra các trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng.

Nguyên lý của xét nghiệm nước thải là việc người mắc Covid-19 có thể để lại một phần virus trong chất bài tiết hoặc dịch cơ thể, theo Judith Wong, lãnh đạo đơn vị vi sinh học và dịch tễ học phân tử tại Viện Y tế Môi trường, thuộc Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA).

Công nghệ này đã được sử dụng tại đảo quốc sư tử bắt đầu từ tháng 2/2020. Tháng 6, xét nghiệm nước thải đã giúp Singapore phát hiện 15 ca mắc, theo NEA.

Ngày 8/7, NEA cho biết số lượng các địa điểm được giám sát nước thải sẽ tăng gấp đôi vào năm 2022, Straits Times đưa tin.

Covid-19 anh 4

Nhân viên NEA chuẩn bị lấy mẫu nước thải để xét nghiệm Covid-19 vào ngày 7/7. Ảnh: Straits Times.

Bên cạnh áp dụng công nghệ vào xét nghiệm, chính phủ Singapore cũng sử dụng hệ thống kỹ thuật số TraceTogether và SafeEntry để phục vụ truy vết.

TraceTogether là hệ thống kỹ thuật số dưới dạng ứng dụng đi động hoặc thiết bị token, có tác dụng tìm người tiếp xúc gần với ca dương tính Covid-19. Hơn 90% người dân Singapore sử dụng TraceTogether, theo website của hệ thống này.

SafeEntry Gateway là hệ thống ghi lại thời điểm một người ra vào địa điểm nhất định thông qua quét mã QR trên smartphone.

Bằng cách sử dụng dữ liệu được thu thập thông qua công nghệ Bluetooth, cả ứng dụng và thiết bị token đều có thể xác định những người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19. Điều này giúp nhà chức trách mau chóng khoanh vùng dịch.

Trung Quốc dùng mã QR để kiểm soát đi lại

Để có thể kiểm soát đi lại của người dân nhưng vẫn đảm bảo hoạt động kinh tế, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc ứng dụng công nghệ số để tạo ra hệ thống mã QR y tế.

Ngày 11/2/2020, chính quyền Hàng Châu tạo ra hệ thống mã QR y tế với trợ giúp của ứng dụng thanh toán trực tuyến Alipay. Để đăng ký nhận mã QR y tế, người dân cần điền tên, số căn cước, số điện thoại, và trả lời lịch sử di chuyển và tình trạng sức khỏe, theo South China Morning Post.

Sau đó, chính quyền phối hợp với một số doanh nghiệp dữ liệu lớn để đánh giá độ rủi ro của mỗi người đăng ký và cấp cho họ mã QR mang một trong ba màu: Đỏ, vàng, hoặc xanh lá cây.

Covid-19 anh 5

Mỗi người dân Hàng Châu được cấp mã QR màu sau khi nhập thông tin cá nhân và lịch sử đi lại. Ảnh: Alipay.

Người có mã QR xanh được cho là không có nguy cơ mắc Covid-19 và có thể tự do di chuyển và đặt chân vào siêu thị, phương tiện giao thông công cộng, văn phòng…

Nếu người dùng được hệ thống cho là có nguy cơ mắc Covid-19 hoặc từng tiếp xúc gần với F0, mã QR của họ sẽ chuyển sang màu vàng hoặc đỏ.

Người có mã QR chuyển vàng sẽ phải tự cách ly ở nhà trong 7 ngày. Người có mã đỏ sẽ phải cách ly trong 14 ngày. Ngoài ra, người có mã đỏ và vàng còn được yêu cầu đăng nhập mỗi ngày trong thời gian cách ly để mã của họ có thể chuyển xanh trở lại.

Chính quyền Hàng Châu cũng cho biết mã sức khỏe của một người được xác định dựa trên 3 yếu tố: Lịch sử đi lại, thời gian nán lại vùng dịch, và mối quan hệ với người nghi nhiễm. Thông tin từ các công ty dữ liệu lớn cho phép hệ thống mã QR y tế có thể truy vết địa điểm của người dùng xuống phạm vi từng quận, theo South China Morning Post.

Sau Hàng Châu, một số nơi cũng tạo ra hệ thống mã QR y tế thông qua Alipay, bao gồm toàn tỉnh Chiết Giang, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, và Thượng Hải. Trong khi đó, hệ thống mã QR của các tỉnh thành khác lại được phát triển nhờ hợp tác với ứng dụng trò chuyện trực tuyến WeChat.

Covid-19 anh 6

Một người phụ nữ đo nhiệt độ trong lúc những người phía sau phải quét mã QR trước khi tiến vào trung tâm mua sắm tại Bắc Kinh vào ngày 2/5/2020. Ảnh: AFP.

Để giải quyết vấn đề mã QR y tế không đồng nhất, nền tảng Dịch vụ Công dân Chính phủ điện tử hồi tháng 4/2020 lập ra bộ quy tắc chung cho mọi tỉnh. Từ đó trở đi, chính quyền địa phương sẽ thông báo thông tin y tế lên nền tảng quốc gia theo cùng tiêu chuẩn.

Theo thời gian, mã QR y tế không chỉ chứa thông tin về lịch sử đi lại của người dùng mà còn bao gồm kết quả xét nghiệm Covid-19, tiền sử dịch tễ, và nơi tiêm chủng…

Theo China Daily, nền tảng mã QR y tế giúp người dân không phải khai báo y tế nhiều lần với nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau. Mã y tế đóng vai trò như giấy thông hành và cũng giúp người dùng biết được rủi ro lây nhiễm.

Với các cơ quan y tế, mã QR y tế cải thiện hiệu quả công tác phòng chống dịch và làm đơn giản hóa quy trình thu thập thông tin. Nền tảng này cũng giúp nhà chức trách đánh giá chính xác tình hình thực tế để đưa ra chính sách chống dịch.

Gần 70% dân tiêm chủng đầy đủ, Singapore nới lỏng lệnh hạn chế

Từ tuần sau, Singapore sẽ dỡ bỏ một số biện pháp giãn cách chống dịch, trong bối cảnh gần 70% người dân tại đây đã được chích ngừa Covid-19 đầy đủ.

Dù mở cửa, số ca mắc Covid-19 ở Anh đang giảm

Hệ số lây nhiễm trong cộng đồng R của Covid-19 tại Anh đã giảm mạnh và có thể thấp hơn 1. Con số này cho thấy số ca mắc ở Anh có xu hướng giảm sau khi tái mở cửa.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm