Các đồng minh phương Tây từ chối bố trí quân đội trên bộ và thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine, nhưng cố gắng hỗ trợ thiết bị, vũ khí và các vật tư quân sự khác cho nước này.
Ban đầu, viện trợ của phương Tây mang tính thận trọng với mũ bảo hiểm và áo giáp. Giờ đây, họ đã gửi cho Ukraine cả máy bay không người lái có thể tiêu diệt xe tăng và pháo từ khoảng cách xa tới 80 km, theo Guardian.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2
Loại máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất thường xuyên xuất hiện từ những ngày đầu giao tranh nổ ra. Ukraine đã thực hiện một số cuộc tấn công thành công chống lại xe tăng và xe bọc thép của Nga.
Thiết bị này trở nên kém hiệu quả hơn sau khi Nga thiết lập hệ thống phòng không.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu bán máy bay không người lái TB2 cho Ukraine vào năm 2019. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tiết lộ số lượng máy bay, nhưng ước tính cho thấy Ukraine có tới 50 máy bay TB2.
Aaron Stein, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ, mô tả thiết bị này là “Toyota Corolla của máy bay không người lái”.
“Nó có thể làm được khoảng 80% những gì một chiếc xe thể thao cao cấp làm được”, ông nói. “Vì vậy, ngay cả với một đội quân được trang bị toàn đồ cao cấp, như Mỹ chẳng hạn, việc sử dụng thiết bị rẻ, uy tín để tấn công lại một lực lượng vượt trội vẫn có giá trị”.
Máy bay không người lái Switchblade
Trong gói viện trợ quân sự "chưa từng có" mà Mỹ gửi cho Ukraine bao gồm 100 máy bay không người lái. Theo các quan chức, đây là loại Switchblade, hay còn gọi là "máy bay không người lái kamikaze" phát nổ khi va chạm.
Switchblade được gấp lại thành bệ phóng súng cối hạng nhẹ. Mẫu nhỏ nhất có thể nằm gọn trong ba lô.
Khi bắn, cánh của Switchblade sẽ mở ra và bay thẳng vào mục tiêu để kích nổ đầu đạn nhỏ. Phiên bản mạnh nhất di chuyển với tốc độ 115 km/h và hoạt động trong phạm vi khoảng 80 km. Phiên bản nhẹ hơn có phạm vi hoạt động khoảng 10 km.
Theo ABC News, Switchblade 300 dài chưa đầy 70 cm và chỉ nặng 2,2 kg, bay tối đa 15 phút. Trong khi đó, Switchblade 600 có hiệu quả chống lại các mục tiêu bọc thép và bay trong hơn 40 phút, nhưng nặng tới 22 kg.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 và Switchblade 300. Ảnh: AP/Thủy quân lục chiến Mỹ. |
Tên lửa Stinger
Trong gói viện trợ mới nhất, Mỹ cam kết gửi thêm 800 hệ thống phòng không Stinger, bên cạnh số lượng 600 hệ thống đã hứa hẹn trước đó. FIM-92 Stinger là "hệ thống phòng không di động" - hay còn gọi là Manpads - thường được sử dụng bởi lực lượng mặt đất, nhưng cũng có thể dùng từ máy bay trực thăng.
Dễ mang vác và vận hành, tên lửa Stinger giúp chống lại các mục tiêu nhỏ, chẳng hạn máy bay không người lái, tên lửa hành trình và trực thăng trinh sát hạng nhẹ cho các lực lượng cơ động cao. Tên lửa Stinger phiên bản mới nhất có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao 3.500 m với tầm bắn khoảng 8 km.
Stinger được đưa vào trang bị cho quân đội Mỹ năm 1981 và hiện có trong trang bị của các lực lượng vũ trang 30 quốc gia. Vũ khí này đã chứng minh khả năng chiến đấu trong bốn cuộc xung đột lớn và nhiều xung đột khu vực tại quần đảo Falklands, Afghanistan, Angola, Lybia, Chechnya (Nga), Sri Lanka, Syria.
Tên lửa Javelin
Javelin là hệ thống tên lửa chống tăng sử dụng ảnh nhiệt để tìm mục tiêu. Gói viện trợ mới nhất của Mỹ bao gồm 2.000 tên lửa loại này.
Theo Times of Israel, được trang bị hai đầu đạn nổ, Javelin có thể xuyên thủng các loại xe tăng tinh vi nhất trên thế giới, và đặc biệt là xe tăng T-90 của Nga. Đây là loại xe tăng có lớp giáp riêng chống lại quả đạn để làm giảm, thậm chí ngăn nó xuyên thủng xe tăng.
Đầu đạn thứ nhất của Javelin phát nổ khi tiếp xúc với xe tăng, và sau đó nó phóng ra đầu đạn thứ hai, mạnh hơn, xuyên qua lớp giáp.
Javelin có thể được bắn từ bệ phóng vác vai hoặc từ mặt đất. Với tầm bắn hiệu quả lên đến 2.500 m, Javelin được sử dụng ở chế độ tấn công trực tiếp để tiêu diệt mục tiêu hoặc bắn lên cao để hạ máy bay tầm thấp như trực thăng. Bên cạnh đó, trong tấn công gián tiếp, Javelin sẽ bay lên độ cao 160 m và sau đó rơi thẳng đứng xuống mục tiêu.
Quân nhân Ukraine cầm tên lửa Javelin ở khu vực phía bắc Kyiv ngày 13/3. Ảnh: Reuters. |
Vũ khí chống tăng di động
Nhà Trắng cho biết họ đang gửi 6.000 vũ khí chống tăng di động AT4. Đây là vũ khí cỡ nòng 84 mm do Thụy Điển sản xuất có tầm bắn 500 m. Người sử dụng không cần được đào tạo quá chuyên nghiệp với loại vũ khí này, nhưng AT4 chỉ có thể dùng một lần.
Các nước châu Âu đang cung cấp hàng nghìn vũ khí chống tăng cho Ukraine. Đức cam kết gửi 1.000 vũ khí chống tăng, Na Uy là 2.000 và Thụy Điển đã giao 5.000 chiếc.
Tên lửa vũ khí chống tăng hạng nhẹ và tên lửa phòng không Starstreak
Vương quốc Anh đã gửi 3.615 vũ khí chống tăng hạng nhẹ tầm ngắn thế hệ tiếp theo do Anh - Thụy Điển sản xuất - tên lửa NLAW - tới Ukraine. Tên lửa chỉ nặng 12,5 kg và dài hơn 1 m, giúp bộ binh dễ dàng sử dụng. Chúng có tầm bắn tối đa 800 m.
Mỹ đã cam kết gửi 1.000 vũ khí chống giáp hạng nhẹ, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hứa cung cấp vũ khí phòng không tốc độ cao Starstreak cho Ukraine.
Vũ khí do Belfast sản xuất được biết đến là loại tên lửa đất đối không tầm ngắn nhanh nhất. Chúng tăng tốc sau khi phóng và gồm ba bom chùm được dẫn đường bằng laser để tăng cơ hội bắn trúng mục tiêu.
Máy bay trực thăng Mi-17
Ba Lan đề xuất cho phép tất cả máy bay chiến đấu MiG-29 của họ - loại máy bay quen thuộc với phi công Ukraine - chuyển giao qua căn cứ không quân của Mỹ ở Đức.
Mỹ đã bác bỏ kế hoạch này. Tuy nhiên, Washington đã điều các máy bay khác từ thời Liên Xô tới Ukraine dưới dạng 5 máy bay trực thăng Mi-17.