Các nước 'dàn trận' đối phó với tên lửa Triều Tiên
Hàn Quốc vừa triển khai hai tàu khu trục ở biển Hoàng Hải và một con tàu nữa sẽ được triển khai ngay trước thời điểm vụ phóng tên lửa gây tranh cãi của Triều Tiên bắt đầu.
Thông tin trên vừa được hãng thông tấn Yonhap đưa ra hôm qua (8/12).
Các tàu chiến được trang bị hệ thống ra-da đa chức năng SPY-1D này sẽ được sử dụng để theo dõi sát sao đường đi của tên lửa Triều Tiên khi nó được phóng đi, đồng thời định vị vị trí nơi tầng tên lửa đẩy thứ nhất rơi xuống biển, một nguồn tin quân đội của Hàn Quốc cho hay.
Thêm vào đó, Không lực Nga sẽ triển khai 2 máy bay cảnh báo sớm E-737 để phối hợp theo dõi mục tiêu.
Trước đó, Triều Tiên đã ra một “thông báo cho các phi công” rằng tầng đầu tiên của tên lửa này sẽ rơi xuống vị trí cách Buan khoảng 140 km về phía tây, trong khi đó các phần khác của tên lửa sẽ rơi xuống vùng lãnh hải cách Đảo Jeju của Hàn Quốc khoảng 88 km về phía tây.
Cũng trong hôm qua (8/12), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản – ông Satoshi Morimoto đã tiết lộ với báo giới rằng, Tokyo đã triển khai 4 tên lửa đất đối không MIM-104 Patriot đến biên giới phía nam Nhật Bản và 3 tên lửa loại này được đặt gần thủ đô để sẵn sàng đối phó với mối đe dọa từ vụ phóng tên lửa tầm xa của CHDCND Triều Tiên.
Theo lời ông Morimoto, tất cả các hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot đều được dựng lên nhằm sẵn sàng “thổi tung” những mảnh vỡ rơi ra từ tên lửa của Triều Tiên hoặc ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào từ tên lửa của Triều Tiên gây ra đối với lãnh thổ Nhật Bản.
Động thái triển khai các hệ thống lá chắn tên lửa của Nhật Bản diễn ra sau khi nước này triển khai tàu chiến để đối phó với tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên.
Cùng với hai quốc gia đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ cũng "dàn trận" để đối phó với tên lửa của Triều Tiên.
Trước đó, hôm 6/12, đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết các tàu chiến của nước này đã được cử đến vị trí phù hợp nhất để theo dõi tên lửa và đường bay của nó.
Ông cho biết, hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Benfold và USS Fitzgerald đã được cử đến khu vực phòng bị trước vụ phóng. Cả hai tàu này đều được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis tối tân.
Ông nhận định rằng, việc tàu hải quân Mỹ sẽ được sử dụng để theo dõi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hợp lý.
Ông nói: "Chúng tôi sẽ xác định vị trí để tàu có thể tham gia phòng vệ tên lửa đạn đạo", đồng thời thêm rằng hải quân Mỹ cũng từng có hành động tương tự trong vụ phóng tên lửa lần trước của Bình Nhưỡng.
Đô đốc cho biết thêm rằng: "Tàu hải quân Mỹ được điều động để chúng tôi tìm hiểu xem liệu họ có vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hay không, loại tên lửa là gì, mục đích là gì, nó đi đâu và ai bị đe dọa". Đô đốc Locklear cũng cho biết lực lượng Mỹ sẽ theo dõi bất cứ bộ phận bay lạc nào có thể rơi ra từ tên lửa.
Hôm 1/12, CHDCND Triều Tiên đã bất ngờ thông báo kế hoạch phóng tên lửa đưa vệ tinh quan sát trái đất lên quỹ đạo. Tên lửa này sẽ được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Sohae ở Tỉnh Bắc Phyongan của Triều Tiên trong khoảng thời gian dự kiến từ 10-22/12, mang theo phiên bản thứ hai của vệ tinh Kwangmyongson-3.
Động thái trên của Triều Tiên đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhiều nước, nhất là các quốc gia láng giềng như Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Mỹ. Bên cạnh đó, ngay cả Trung Quốc, đồng minh thân cận của Triều Tiên cũng “bày tỏ quan ngại sâu sắc” sau khi nhận được thông tin về kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên.
Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cho rằng vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên chỉ là một cái vỏ bọc cho một vụ phóng tên lửa tầm xa của nước này.
Tuy nhiên, hãng tin KCNA chính thức của Triều Tiên đã lên tiếng khẳng định, kế hoạch phóng tên lửa đưa vệ tinh vào vũ trụ sắp tới của họ là vì mục đích “hòa bình”, nói rằng Bình Nhưỡng “sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan của quốc tế”.
Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, bất chấp mọi sự phản đối của cộng đồng quốc tế Bình Nhưỡng cũng đã tiến hành một vụ phóng vệ tinh tương tự nhưng bị thất bại.
Theo Vnmedia