Trước thềm phiên khai mạc chính thức Đại hội XIII của Đảng, lãnh đạo một số tỉnh thành dành thời gian trao đổi với báo chí về kế hoạch phát triển địa phương trong giai đoạn mới để phù hợp với định hướng nêu trong văn kiện Đại hội Đảng XIII.
Một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được đề ra trong văn kiện Đại hội XIII là phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải chia sẻ tỉnh đang rất nỗ lực thực hiện mục tiêu này.
Mục tiêu “top 10” về chuyển đổi số
Theo bà Hải, chuyển đổi số là xu hướng phát triển mở ra nhiều cơ hội, những cũng đặt ra không ít thách thức. Nhìn nhận đây là chủ trương lớn và đúng đắn, song bà Nguyễn Thanh Hải thẳng thắn đánh giá quá trình chuyển đổi số của Thái Nguyên còn bộc lộ một số hạn chế.
Từ thực tiễn của địa phương, Bí thư Thái Nguyên nhấn mạnh tỉnh xác định cần chủ động trong chuyển đổi số để tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bởi vậy, nghị quyết đầu tiên trong chương trình công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới chính là Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thái Nguyên chia sẻ mục tiêu về phát triển định hướng chuyển đổi số ở địa phương. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bà Hải nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc.
“Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố và năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số”, bà Hải chia sẻ.
Đề cập đến giải pháp, nữ Bí thư cho biết tỉnh đặt ra yêu cầu đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
Ngoài ra, địa phương sẽ xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số. Theo đó, Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 700 doanh nghiệp số.
Việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin; xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao cũng được người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.
Các giải pháp này nhằm phấn đấu đến năm 2025 phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; xây dựng chính quyền số, hình thành các đô thị thông minh là thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên tại địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Thái Nguyên sẽ triển khai cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào năm 2025 trên thiết bị di động thông minh.
Cùng với đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh.
Hà Nội hướng đến thành phố xanh, thông minh, hiện đại
Trong khi đó, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết nội dung nghị quyết Đại hội đảng bộ thành phố vừa qua xác định đến năm 2025 sẽ phát triển nhanh và bền vững thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nêu mục tiêu đến 2030, Hà Nội trở thành thành phố xanh - thông minh - hiện đại. Ảnh: TTXVN. |
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố xanh - thông minh - hiện đại; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.
"Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD", bà Tuyến chia sẻ.
Để thực hiện mục tiêu đó, Phó bí thư Hà Nội cho biết thành phố xác định 5 định hướng lớn; 3 khâu đột phát để tập trung thực hiện và xác định rõ 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025. Thành ủy Hà Nội triển khai xây dựng 10 chương trình công tác lớn để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Tới đây, căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và tình hình thực tế, yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể, Thành ủy Hà Nội sẽ chỉ đạo xây dựng các chương trình công tác, nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, kế hoạch, đề án theo từng lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, cấp bách, đột phá, khâu yếu.
Nữ Phó bí thư Hà Nội tin tưởng những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo niềm tin, khí thế mới cho đất nước phát triển.