Chỉ mới một tháng trước, Danny Lau vẫn còn lo ngại rằng công ty sẽ không kịp giao hàng cho một khách hàng Mỹ vì không thể mở lại nhà máy sản xuất ở Đông Quan (Trung Quốc) do ảnh hưởng của dịch virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Hiện, 80% công nhân nhà máy đã trở lại làm việc. Mối lo của anh Lau giờ là không có đủ đơn đặt hàng để trả tiền nhân viên.
Không còn đơn đặt hàng
Giờ đây, các doanh nghiệp Trung Quốc phải đối mặt với một vấn đề nan giải, đó là họ buộc phải tiếp tục hoạt động khi dịch Covid-19 đang tàn phá những thị trường nước ngoài quan trọng.
Đối với anh Lau, 40% sản phẩm của công ty được xuất khẩu đến Mỹ, nhưng hoạt động kinh doanh tại quốc gia này đang ngưng trệ do dịch Covid-19 lây lan nhanh.
“Nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian dài, điều đó ảnh hưởng đến các đơn đặt hàng vật liệu xây dựng”, Nikkei Asian Review dẫn lời anh Lau.
Anh cho biết công ty không nhận được đơn đặt hàng mới nào kể từ khi nhà máy mở cửa trở lại hồi cuối tháng 2.
Các nhà máy Trung Quốc không có đợt đặt hàng từ nước ngoài dù đã hoạt động trở lại. Ảnh: Reuters. |
Nền kinh tế hàng đầu châu Á đang hoạt động trở lại. Nhưng các công ty như của anh Lau gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, triển vọng không thể màu hồng như những gì Bắc Kinh muốn tin.
"Chúng tôi đang cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Trung Quốc từ 5,4% xuống 2,1%, do sự gián đoạn kinh tế kéo dài và nhu cầu toàn cầu sụt giảm", nhà phân tích Wang Dan tại Economist Intelligence Unit tiết lộ.
Năm 2019, tổng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Trung Quốc là 17.230 tỷ NDT, tương đương 17,4% GDP. Tuy nhiên, cả bốn thị trường hàng đầu của Trung Quốc là Liên minh châu Âu, Mỹ, Đông Nam Á và Nhật Bản đều đang vật lộn với dịch Covid-19 với các biện pháp phong tỏa gắt gao.
Chuyên gia Wang tin rằng các khoản trợ cấp của chính phủ sẽ giúp gia tăng tiêu dùng nội địa ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những chính sách này không mấy hữu ích đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Vấn đề nan giải
“Đó là vấn đề về phía cầu. Cắt giảm thuế và trợ cấp sẽ không giúp ích gì nếu các công ty không nhận được đơn đặt hàng. Tình hình chỉ có thể cải thiện khi dịch bệnh được kiểm soát bên ngoài Trung Quốc”, cô Wang nói.
Richard Chan, chủ sở hữu một nhà máy sản xuất đồ trang trí ở Đông Quan, cho biết sẽ phải cắt giảm 20-30% công nhân trong năm nay vì nhu cầu sụt giảm.
“Hầu hết khách hàng đều giảm quy mô đơn đặt hàng”, ông than vãn.
Khách hàng của ông, bao gồm chuỗi siêu thị Tesco và nhà bán lẻ Marks & Spencer, đặt mua ít đồ trang trí ngày lễ hơn để có chỗ cho vật tư y tế.
Các nhà bán lẻ Italy không đặt bất cứ đơn hàng nào với công ty ông Chan trong năm nay.
Triển vọng tái khởi động không màu hồng như Bắc Kinh kỳ vọng. Ảnh: Reuters. |
Các vấn đề về hậu cần cũng rất nghiêm trọng khi dịch bệnh bùng phát bên ngoài Trung Quốc. “Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi được hoạt động trở lại. Nhưng lô hàng đầu tiêu đã bị kẹt ở cảng Malaysia”, ông Chen Zhijian tại Yige Trading chia sẻ.
Ngoài ra, chủ sở hữu các nhà máy còn lo ngại dịch Covid-19 sẽ bùng phát trở lại. “Tôi thậm chí không dám nghĩ đến hậu quả (khi dịch bùng phát trở lại). Các đơn đặt hàng từ châu Âu của công ty đều bị hoãn thanh toán hoặc hủy bỏ”, ông Ye Zhenqing, nhà sáng lập kiêm CEO của Zhen Qing Eyewear, lo lắng nói.
Trong khi chủ các doanh nghiệp đang chật vật, Bắc Kinh vẫn khẳng định mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ. Quốc gia này khẳng định tỷ lệ hoạt động trở lại trên toàn quốc là 90% đối với những công ty có doanh thu năm trên 20 triệu NDT (2,8 triệu USD) ở tỉnh Hồ Bắc (nơi có Vũ Hán – tâm chấn của dịch bệnh).
Tình hình bấp bênh
Chính quyền trung ương và địa phương cũng đưa ra hàng loạt ưu đãi, bao gồm cung cấp các khoản vay lãi suất thấp và gia hạn ngày trả bảo hiểm xã hội.
Hồi cuối tháng 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các cấp chính quyền hãy “nỗ lực không ngừng” để duy trì công việc và sản xuất.
Mong muốn của chính phủ đã dẫn đến tình trạng gian lận ở một số công ty và địa phương. Theo Caixin, hồi đầu tháng 3, một nhà máy ở Hàng Châu để thiết bị, đèn, máy tính và điều hòa chạy cả ngày dù không sản xuất. Hành động này nhằm tăng mức tiêu thụ điện – một thước đo đánh giá tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Tesla, nhà sản xuất xe điện của Mỹ, đã được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đánh giá là “công ty gương mẫu” khi tiếp tục vận hành nhà máy Shanghai Gigafactory và thực hiện nghiêm khắc các biện pháp ngăn ngừa dịch.
Nhà máy trị giá 2 tỷ USD đã khởi động lại từ ngày 10/2.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng, Tesla bị chỉ trích dữ dội sau khi những người mua hàng Trung Quốc phát hiện mẫu xe Model 3 mới được trang bị chip điều khiển tự động phiên bản thấp hơn thay vì phiên bản mới nhất mà công ty hứa hẹn.
Hãng đổ lỗi cho sự gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của dịch virus corona.
Tesla bị chỉ trích vì trang bị chip điều khiển tự động chất lượng thấp hơn đã hứa. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Khi tình hình tại thị trường nước ngoài ngày càng tồi tệ, chủ các doanh nghiệp Trung Quốc phải thích nghi để duy trì hoạt động.
Ye, chủ một nhà sản xuất kính mát, phải chuyển sang bán hàng trong nước. 50 trong số 100 công nhân của anh đã trở lại nhà máy vào cuối tháng 3. Giờ, anh Ye đứng trước áp lực bù đắp những đơn hàng từ châu Âu bị mất.
“Tôi đang học cách sử dụng TikTok để bán kính râm”, anh Ye nói.
Công ty của anh phải thay đổi thiết kế kính râm để phù hợp với khuôn mặt người châu Á và giảm chi phí sản xuất do sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc thấp hơn người tiêu dùng phương Tây.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bán hàng ở Trung Quốc. Là một nhà xuất khẩu, tôi phải nghiên cứu nhu cầu trước khi sản xuất. Nhưng giờ, tôi chỉ có thể sản xuất trước rồi hy vọng khách hàng sẽ mua sau”, anh nói.
Anh Ye không phải người duy nhất cảm thấy bấp bênh.
Một giám đốc điều hành của nhà cung cấp chính cho Apple và Google cho biết công ty đang tăng cường sản xuất thiết bị học tập và làm việc trực tuyến để đáp ứng nhu cầu tăng vọt.
“Tình hình rất bấp bênh. Tôi không biết nhu cầu sẽ ra sao trong tương lai”, ông than vãn.