Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các nhà máy thủy điện EVN chuẩn bị mọi tình huống ứng phó thiên tai

Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên sớm xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, diễn tập khắc phục sự cố.

Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) được đẩy mạnh trên các lĩnh vực sau.

Hoàn thiện kế hoạch PCTT

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2017 cả nước sẽ có 13-15 cơn bão trên biển Đông, nhiều hơn trung bình các năm (khoảng 12 cơn). Dự báo có 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền và tập trung ở Trung Bộ.

Tap doan dien luc Viet Nam anh 1
Cửa đập xả lũ phía hạ lưu thuỷ điện Hoà Bình.

Trên cơ sở theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình thủy văn, EVN chỉ đạo các nhà máy thủy điện xây dựng phương án PCTT & TKCN: tăng cường đầu tư thiết bị quan trắc, đo lượng mưa; đầu tư hệ thống cảnh báo; thực hiện diễn tập; ký kết quy chế phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về phòng tránh, ứng phó khi mưa lũ xảy ra.

Công tác vận hành, điều tiết xả lũ các hồ chứa thủy điện theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa được chú trọng đặc biệt. Tính đến hết năm 2016, EVN có 35/37 hồ chứa có quy trình vận hành hồ/liên hồ được Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt.

Đảm bảo an toàn hồ đập

Theo Tổng cục Thủy lợi, cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 11 tỷ m3. Các công trình hồ đập cung cấp nước phục vụ phát điện của các nhà máy thủy điện, tưới tiêu phục vụ nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều hồ đập có vai trò điều tiết lượng nước phòng, chống lũ an toàn ở vùng hạ lưu. Do đó, việc bảo đảm an toàn hồ đập, đặc biệt vào mùa lũ là hết sức quan trọng.

Tap doan dien luc Viet Nam anh 2
Đảm bảo an toàn hồ đập là nhiệm vụ trọng tâm trong PCTT & TKCN.

Cụ thể, các đơn vị thành viên EVN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan địa phương, các chủ hồ trong công tác vận hành hồ chứa, nhất là vận hành xả lũ; tổ chức kiểm tra thường xuyên các hạng mục công trình trước - trong - sau các đợt lũ, bão và khắc phục kịp thời nguy cơ mất an toàn cho đập, nhà máy.

Với miền Trung và Tây Nguyên - khu vực rốn lũ có địa hình phức tạp và thời tiết khắc nghiệt, nhiều công ty thủy điện khu vực này nói chung và Tây Nguyên nói riêng, trong đó có Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã hoàn tất các phương án phòng chống lụt bão.

Cụ thể, đơn vị này đã hoàn thành các hạng mục sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, công trình phục vụ công tác PCTT & TKCN; tổ chức diễn tập xả lũ; cập nhật đầy đủ thông tin vận hành hồ chứa lên website của Ban chỉ đạo PCTT TW (hochuanuoc.com.vn).

Tap doan dien luc Viet Nam anh 3
Công ty Thủy điện Buôn Kuốp vận hành các nhà máy đảm bảo an toàn trong đợt mưa lũ.

Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, đơn vị này đã lắp đặt 16 trạm cảnh báo dọc bờ sông vùng hạ du các hồ chứa, trong đó Buôn Tua Srah 13 trạm, Buôn Kuốp 3 trạm. Số trạm này đã được tăng cường so với năm ngoái (11 trạm).

Tăng cường phối hợp với chính quyền, người dân

Sự vào cuộc của hệ thống chính trị và của người dân là tiền đề quan trọng để ứng phó hiệu quả, giảm tối đa thiệt hại do bão. Theo đó, lãnh đạo các công ty thủy điện đã phối hợp với lãnh đạo UBND, Ban chỉ huy PCTT & TKCN các tỉnh cùng các đơn vị liên quan để xử lý kịp thời khi có sự cố.

Một kinh nghiệm phòng chống mưa lũ mà Thủy điện Sông Tranh 2 và A Vương đã làm tốt là tăng cường tuyên truyền cho người dân. Các đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền cho người dân vùng hạ du bằng nhiều hình thức trực quan, dễ hiểu để người dân nhận biết và ứng phó với thiên tai, động đất, đồng thời mời người dân giám sát quy trình vận hành, điều tiết ngay tại đập thủy điện.

Tap doan dien luc Viet Nam anh 4
Hệ thống loa cảnh bảo xả lũ vùng hạ du của Cty thủy điện Buôn Kuốp.

Ngoài ra, lãnh đạo EVN cũng cho biết sẽ thường xuyên cung cấp thông tin về diễn biến thiên tai, bão lũ tới các cơ quan báo đài, đồng thời nắm vững nhu cầu điện năng trong tình huống lụt, bão, từ đó có phương án cấp điện, đặc biệt với các khu vực có phụ tải quan trọng, ưu tiên. 

EVN đang quản lý 37 hồ chứa thủy điện với tổng dung tích 44,73 tỷ m3. Có 12 hồ chứa có dung tích trên 1 tỷ m3 bao gồm: Hòa Bình, Sơn La, Trị An, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Chát, Bản Vẽ, Đồng Nai 3, Thác Mơ, Lai Châu, Pleikrông, Ialy.

Giang Minh Nguyệt

Bạn có thể quan tâm