Theo Digital Trends, đội ngũ giám sát của 2 sứ mệnh Mars 2020 (NASA) cùng ExoMars (châu Âu và Nga) đã có chuyến thực nghiệm tại một khu vực ở Australia.
Cụ thể, khu vực Pilbara có những yếu tố tương đồng với Hỏa tinh như nhiệt độ cao, độ ẩm thấp và thông thoáng.
Các nhà khoa học từ NASA và châu Âu trau dồi kỹ thuật nghiên cứu trước khi triển khai sứ mệnh tại hành tinh đỏ vào mùa hè năm 2020. Ảnh: NASA. |
Cả 2 sứ mệnh Mars 2020 cùng ExoMars đều có chung mục đích tìm kiếm bằng chứng về sự sống cổ đại trên Hỏa tinh. Do đó, chuyến thực nghiệm ở Australia có trọng tâm là tìm kiếm và xác định các hóa thạch có kích thước nhỏ từng tồn tại ở khu vực này.
“Khu vực hẻo lánh ở Pilbara được xác nhận có các dạng sự sống hóa thạch lâu đời nhất trên Trái Đất. Nếu có thể hiểu rõ hơn về nguồn gốc của những hóa thạch này, chúng ta sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên Hỏa tinh”, Ken Farley - nhà khoa học thuộc dự án Mars 2020 - giải thích.
Chuyến đi của NASA nhằm thực hành các kỹ thuật nghiên cứu và xác định mẫu vật, vốn là “chìa khóa” quan trọng của sứ mệnh Mars 2020.
Trong khi đó, ExoMars sử dụng xe tự hành cùng với một phòng thí nghiệm hóa học thu nhỏ trên tàu để phân tích các hợp chất hữu cơ như axit amin. Các hợp chất này có thể là bằng chứng cho sự sống kiếp trước trên sao Hỏa.
Một hẻm núi tại Vườn Quốc gia Karijini, trung tâm của vùng Pilbara. Ảnh: iStock. |
Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học của NASA thực nghiệm tại các môi trường khắc nghiệt trên Trái Đất để thử nghiệm công nghệ họ dự định sử dụng trên Hỏa tinh.
Trước đó, NASA đã tiến hành thử nghiệm các nhiệm vụ sử dụng xe tự hành tại vùng sa mạc Atacama của Chile, nơi cũng có điều kiện khí hậu nóng và khô tương tự Hỏa tinh.
Sứ mệnh Mars 2020 dự kiến khởi động vào tháng 7/2020 và đến Hỏa tinh vào tháng 2/2021. Trong khi đó, ExoMars dự kiến khởi động sau dự án của NASA vài ngày và sẽ đến Hỏa tinh vào tháng 3/2021.