Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các ngân hàng đang mua chéo trái phiếu của nhau?

Theo SSI, có thể các ngân hàng đã sở hữu chéo trái phiếu của nhau, mục đích là để đối phó với yêu cầu giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ Ngân hàng Nhà nước.

Số liệu từ Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho hay từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại đang là chủ thể phát hành nhiều trái phiếu nhất trên thị trường.

Theo đó, nhóm ngân hàng đã phát hành tổng cộng 56.060 tỷ đồng (47,9%) trái phiếu trong 8 tháng từ đầu năm. Giá trị trái phiếu này nhiều hơn nhóm doanh nghiệp bất động sản với 36.946 tỷ đồng (31,5%) phát hành được, hay nhóm doanh nghiệp phát triển hạ tầng là 9.207 tỷ (7,9%)…

Đặc biệt, tỷ lệ phát hành thành công của nhóm ngân hàng ở mức rất cao, lên tới 99,6%. Ngoại trừ, SeABank với 2 lô phát hành ngày 8/5 và 19/6 với giá trị lần lượt 1.000 tỷ và 900 tỷ đồng không bán hết, còn lại cả 10 ngân hàng thương mại đều bán hết 100% lượng trái phiếu chào bán.

Có tỷ lệ phát hành thành công cao nhưng trái phiếu ngân hàng lại là nhóm có lãi suất thấp nhất thị trường và chủ yếu là lãi suất cố định với nhiều nhà băng phát hành như BIDV, Vietinbank, SeABank hay VIB.

Theo đó, lãi suất bình quân của nhóm ngân hàng chỉ khoảng 6,75%/năm (trong khi nhóm bất động sản là hơn 10%), kỳ hạn bình quân là 3,3 năm.

Cac ngan hang dang mua cheo trai phieu cua nhau? anh 1

Thống kê về bên mua cho thấy các ngân hàng chỉ mua vào 10.210 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 8,8% tổng lượng giá trị phát hành. Phần lớn số này là mua trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản và phát triển hạ tầng.

Trong khi đó, các công ty chứng khoán lại là bên mua lớn nhất với tổng lượng mua 29.447 tỷ đồng (25,4% tổng lượng phát hành), trong đó 22.900 tỷ đồng là trái phiếu của các ngân hàng.

Theo phân tích từ SSI, lượng mua này quá lớn so với quy mô vốn của các công ty chứng khoán. Bản thân các công ty này cũng phải huy động trái phiếu để tăng vốn nên khả năng cao các công ty này chỉ là trung gian, tham gia mua trên sơ cấp để bán lại trên thứ cấp chứ không phải là người mua cuối cùng.

Báo cáo tài chính bán niên 2019 của 18 ngân hàng niêm yết cũng cho biết, lượng trái phiếu tổ chức tín dụng mà các ngân hàng nắm giữ đã tăng thêm 56.400 tỷ đồng. Con số này tương đương với lượng trái phiếu các ngân hàng đã phát hành từ đầu năm.

Ngoài ra, với mức lãi suất trung bình chỉ 6,72%/năm, tương đương lãi suất huy động của các ngân hàng lớn (thấp nhất thị trường) thì trái phiếu ngân hàng hầu hết không hấp dẫn với nhà đầu tư thông thường.

“Đối tượng mua chủ yếu là các công ty chứng khoán nên rất có thể các ngân hàng đã sở hữu chéo trái phiếu của nhau, mục đích là để gia tăng nguồn huy động và nâng cao tỷ trọng vốn trung và dài hạn, đối phó với yêu cầu giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN”, báo cáo của SSI nhận định.

Thực tế, SSI không phải tổ chức đầu tiên đặt nghi vấn về hoạt động này, cuối tháng 5, trong báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra chiêu trò một số ngân hàng áp dụng để "cải thiện ảo" hệ số an toàn vốn CAR.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng loại trừ các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng thì một số ngân hàng thương mại đã đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau để “cải thiện ảo” hệ số CAR.

Điều này khiến hệ số an toàn vốn (CAR) toàn hệ thống ngân hàng trong năm 2017 chưa đáng tin cậy.

Cùng với đó, nhiều ngân hàng thương mại đã phân loại nợ không đúng, ảnh hưởng đến lợi nhuận, tác động giảm hệ số này.

Thực tế, với các khoản trái phiếu kỳ hạn dài mà ngân hàng phát hành nhằm mục đích tăng vốn cấp 2 và sẽ cải thiện hệ số CAR.

Hơn 20% trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được mua bởi ngân hàng

Theo Công ty Chứng khoán SSI, trong 36.876 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được phát hành từ đầu năm, các ngân hàng thương mại đã mua 7.410 tỷ đồng (20,1%) số này.


Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm