Thuyết tương đối và cơ học lượng tử là một trong những nguồn cảm hứng cho các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như Người chạy xuyên không gian, Thư viện nửa đêm... |
Một trong những xu hướng của dòng tác phẩm văn học hư cấu thế kỷ 21 là sự pha trộn yếu tố kỳ ảo vào trong các định luật về vật lý, khoa học vũ trụ, không gian, thời gian...
Theo GS Phạm Xuân Yêm, thuyết tương đối của Einstein và lý thuyết về cơ học lượng tử là những kiến thức nền tảng mở ra những khái niệm mới về không-thời gian và khoa học hiện đại. Einstein cho rằng không hệ quy chiếu nào là tuyệt đối và tính chất của vật quan sát được có thể thay đổi ở mỗi vị trí khác nhau.
Một số tác phẩm văn học hiện đại cũng áp dụng việc đặt nhân vật vào các hệ quy chiếu không-thời gian khác nhau giống như thuyết tương đối của Einstein để thấy được sự thay đổi. Chẳng hạn Nora Seed trong cuốn Thư viện nửa đêm của Matt Haig sau khi chết đã trải nghiệm rất nhiều cuộc sống khác nhau. Nora đã nhận được nhiều bài học giá trị. Những "hệ quy chiếu" mới dẫu đem lại cho Nora cảm giác trọn vẹn nhưng cô vẫn cảm thấy mình không thuộc về nơi này. Matt Haig vừa kế thừa quan niệm về thế giới sau cái chết nhưng phát huy nó thông qua kiến thức về khoa học hiện đại có thuyết tương đối làm nền.
Bên cạnh đó, thuyết cơ học lượng tử là một trong những chất liệu trải dài trong các tác phẩm hư cấu, đặc biệt là cuốn Người chạy xuyên thời gian. Tác giả Blake Crouch đã mượn thí nghiệm vật lý lượng tử của Schrodinger để diễn giải cho thông điệp của mình về sự sống, cái chết và các quyết định. Thí nghiệm của Schrondinger gồm một con mèo, một lọ thuốc độc, bộ đếm thời gian. Tất cả chúng được đem vào đặt trong một chiếc hộp. Câu hỏi được Schrondinger đặt ra rằng khi mở chiếc hộp, con mèo có các xác suất sống, chết ra sao.
Đây là một thí nghiệm gây ra nhiều tranh cãi. Có người cho rằng con mèo có thể sống, có thể chết. Người khác lại nói con mèo đã chết từ khi cho vào trong hộp. Nhưng một số nhà khoa học lại nhận định con mèo không sống, không chết vì ta không thấy được hệ quy chiếu của riêng con mèo. Đây là cách để Blake Crouch nói rằng mọi xác suất của trong cuộc sống đều có khả năng tạo ra những phân nhánh trong đa vũ trụ.
Cơ học lượng tử và Thuyết tương đối là cuốn sách lý giải hai lý thuyết vật lý quan trọng. Ảnh: Đức Huy. |
Các thành tựu về vật lý đầu thế kỷ 20 đã tạo nên một nguồn cảm hứng lớn cho văn học hiện nay. Trong cuộc sống hàng ngày, nó còn được áp dụng rất nhiều để tạo ra những thiết bị công nghệ tiên tiến, giúp ích cho đời sống con người như GPS, máy vi tính...
Để hiểu rõ hơn về bản chất của những lý thuyết trên, độc giả có thể tìm đọc cuốn Cơ học lượng tử và Thuyết tương đối của GS Phạm Xuân Yêm. Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Ái Việt (nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội), cơ học lượng tử hay thuyết tương đối đều là những kiến thức cao cấp, hay và khó hiểu. Tuy nhiên cuốn sách của GS Phạm Xuân Yêm đã sử dụng ngôn ngữ toán học một cách rất tự nhiên khiến bạn đọc dễ hình dung hơn.
Cơ học lượng tử và Thuyết tương đối là một bức tranh khoa học hiện đại với các tiêu đề rất đặc trưng như: Bản giao hưởng huyền diệu của Lượng tử và Tương đối, Trăm năm cái "h" vẫn hằng... Cuốn sách là nỗ lực của GS Phạm Xuân Yêm thúc đẩy tinh thần nghiên cứu khoa học của nước nhà, đặc biệt là thế hệ trẻ.