Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Các lãnh đạo Chính phủ đã có 570 chuyến đi lên rừng, xuống biển'

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong 5 năm qua, đất nước trải qua nhiều khó khăn, thách thức, vượt xa dự tính từ đầu nhiệm kỳ.

chinh phu tong ket nhiem ky 2016 2021 anh 1

Mở đầu bài phát biểu trước Quốc hội vào kỳ họp cuối cùng của khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến hình ảnh "con tàu" để ví về hành trình của đất nước 5 năm qua. Ông nhấn mạnh "con tàu" đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố, khó khăn vượt xa dự tính từ đầu nhiệm kỳ.

Ông cho biết trong bối cảnh đó, Chính phủ kiên trì thực hiện phương châm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến đi "lên rừng, xuống biến" làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.

Đất nước đã đạt những thành tựu quan trọng, khá toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua.

Tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn

Theo Thủ tướng, trong nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là năm 2020, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016-2020.

Năm 2018 và 2019, Chính phủ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao; riêng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão, lũ, vẫn đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu Quốc hội giao và thực hiện thành công “mục tiêu kép”, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19, tạo điều kiện cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

chinh phu tong ket nhiem ky 2016 2021 anh 2

Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8% nằm trong 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Tính chung giai đoạn 2016-2020 đạt 5,99%.

Năm 2020 kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng dương trong khi kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng, đạt 2,91%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới.

Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.

Ông cho biết đến nay xếp hạng GDP của Việt Nam đã tăng 11 bậc (vượt qua 11 quốc gia) đứng thứ 37 thế giới.

Bên cạnh vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, trở thành một động lực thúc đẩy phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng. Có nhiều địa phương nỗ lực đổi mới sáng tạo, phấn đấu vươn lên và tăng trưởng bứt phá.

Tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn, đóng góp của các ngành kinh tế và các thành phần kinh tế đồng đều hơn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Xuất siêu liên tục 5 năm liền, năm sau cao hơn năm trước. Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam nằm trong 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới, vươn lên vị trí thứ 33, tăng 9 bậc so với năm 2019.

Việc làm, thu nhập và đời sống cả về vật chất và tinh thần của người dân ở tất cả khu vực nông thôn, đô thị, đồng bằng, miền núi ngày càng được cải thiện. Chỉ số phát triển con người HDI được Liên Hợp Quốc xếp vào nhóm phát triển cao của thế giới.

“Tình trạng bất bình đẳng về thu nhập, về giới được kiểm soát tốt. Nhiều biện pháp, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được thực hiện với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau”, ông nói.

Thăng hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại một số thành tựu nổi bật nhiệm kỳ qua, đặc biệt là các đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Theo đó, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành 50 văn bản quy phạm pháp luật cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt gần 63%). Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 30/120 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm 6.776/9.926 (đạt 68%) danh mục dòng hàng kiểm tra chuyên ngành.

Theo xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và xếp thứ 5 trong ASEAN. Về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, giai đoạn 2018-2020, Việt Nam tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia.

chinh phu tong ket nhiem ky 2016 2021 anh 3

Báo cáo Quốc hội, Thủ tướng cho biết theo xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia. Ảnh: Thuận Thắng.

Quy mô thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 được cải thiện, đạt khoảng 25,2%/GDP, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (23,5%). Mức độ phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất nhập khẩu và nguồn thu từ tài nguyên, khoáng sản giảm đáng kể từ 30% xuống 17,6% trong giai đoạn 2016-2020.

Nợ công giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống 55,3% GDP vào cuối năm 2020; nợ Chính phủ giảm từ mức 52,7% năm 2016 xuống 49,1% GDP năm 2020; nợ nước ngoài quốc gia giảm từ 49% GDP năm 2017 xuống 47,3% GDP năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tập trung đầu tư hiện đại, nhiều công trình hạ tầng về giao thông quốc gia. Chính phủ đã đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc kết nối các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long (cầu Cao Lãnh, Vàm Cống…); chú trọng xây dựng hệ thống đường vành đai, đường xuyên tâm tại các đô thị lớn.

Ngoài ra, 5 năm qua đã tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống sân bay, đặc biệt các sân bay lớn, cửa ngõ, chiến lược như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành.

Chính phủ cũng chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, có lợi thế phát triển. Đến nay đã triển khai phủ sóng di động đến 99,8% dân số Việt Nam, hơn 1 triệu km cáp quang (gấp 2 lần so với năm 2016), cung cấp Internet cáp quang đến 100% xã, phường trên cả nước.

Phục vụ người dân và doanh nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn thừa nhận trong nhiệm kỳ qua, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo, điều hành, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Việc tổ chức thi hành pháp luật còn chậm; chưa được khắc phục triệt để việc chậm ban hành, nợ đọng văn bản quy định chi tiết. Một số vướng mắc, bất cập của chính sách, pháp luật đã được phát hiện nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Việc thực hiện các trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế trên một số lĩnh vực chưa đạt như kỳ vọng. Phát triển nông nghiệp vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, việc đổi mới các mô hình tổ chức sản xuất còn chậm; việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp tại một số địa phương hiệu quả chưa cao.

chinh phu tong ket nhiem ky 2016 2021 anh 4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến các bài học kinh nghiệm được đánh giá, rút ra là cơ sở để Chính phủ nhiệm kỳ tới nghiên cứu, tham khảo. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển kinh tế vùng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm quốc gia còn chậm.

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề còn chậm được xử lý; chất lượng không khí tại các đô thị giảm.

Chính phủ đã nỗ lực làm việc hết mình theo phương châm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Cuối bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến các bài học kinh nghiệm được đánh giá, rút ra. Điều này không chỉ là tổng kết, kiểm điểm của Chính phủ, Thủ tướng trong nhiệm kỳ, mà còn là cơ sở để Chính phủ nhiệm kỳ tới nghiên cứu, tham khảo trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Thủ tướng cho rằng con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21, không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng được “thụ hưởng” thành quả.

"Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ phát huy những thành tựu và kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại; vượt qua khó khăn thách thức, hướng tới những mục tiêu, khát vọng xây dựng quốc gia Việt Nam trở nên giàu mạnh hùng cường vào giữa thế kỷ 21", Thủ tướng nói.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm