Ngày 12/2, phóng viên mua vé của xe giường nằm L.H tuyến Hà Tĩnh - TP HCM xuất bến mùng 6 Tết. Giá vé là 1,5 triệu đồng cho quãng đường khoảng 1.370 km. Đây cũng là mức giá chung của các hãng xe giường nằm chạy tuyến này.
Sang khách để "vượt chốt"
Khoảng 6h ngày 13/2 (mùng 6 Tết), phóng viên có mặt tại điểm hẹn trên quốc lộ 1 để đón xe. Tuy nhiên, ôtô loại 40 giường nằm BKS 81B không phải của L.H. mà là nhà xe T.P., chạy tuyến Gia Lai - Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội). Lúc này, trên xe có khoảng 20 khách.
Chủ xe T.P. cho biết, do tuyến Hà Nội - Gia Lai chạy Tết khách không nhiều bằng tuyến Hà Tĩnh vào TP HCM. Do đó, 2 hãng liên kết với nhau, nhà xe L.H. bán vé và hãng T.P. sẽ chở khách.
Sau khi đón đủ 40 khách ở Hà Tĩnh đã đặt chỗ trước, xe T.P. chạy vào Quảng Bình, đón thêm 10 người, xếp nằm giữa sàn ngăn cách 3 hàng giường; giá vé cũng rẻ hơn, từ 1 đến 1,2 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thúy (21 tuổi, công nhân trong KCN Amata, Đồng Nai) cho biết, do không mua được vé vào nên ra quốc lộ 1 đón xe. Cô chấp nhận việc nằm dưới sàn để tiết kiệm chi phí và để kịp đi làm ngày 15/2.
Hành khách nằm giữa xe T.P. Ảnh: K.T. |
Trên đường đi, tài xế liên tục gọi điện trao đổi với những hãng xe khác chạy cùng đường về việc CSGT làm việc ở đâu, khó dễ ra sao để chỉ nhau cách "vượt chốt". Những chỗ nào "dễ", xe chạy chậm lại, đi đúng làn để CSGT không kiểm tra. Nơi nào được thông báo "khó", xe T.P. cùng nhiều hãng khác sử dụng những cách "vượt chốt" rất tinh vi.
Khoảng 10h ngày 13/2, đến cuối Quảng Bình, được tài xế khác thông báo có một chốt CSGT kiểm tra phía trước, xe T.P. rẽ vào quán ăn bên đường. Một ôtô 30 chỗ trờ tới, chở 10 khách quá tải của xe T.P. đi.
Đúng như cảnh báo, rời khỏi quán cơm khoảng 1 km thì chốt CSGT ra tín hiệu dừng xe T.P.. Một trung úy CSGT lên kiểm tra, thấy phương tiện không chở quá số người quy định nên cho đi. Cách đó 2 km, xe 30 chỗ đợi sẵn để trả 10 khách cho T.P.
Cùng chiêu bài này, khoảng 14h ngày 14/2, xe chạy đến địa phận huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), nghe tin chốt CSGT tại đây sẽ kiểm tra, tài xế tấp vào một hẻm nhỏ ở xã Xuân Hưng. Khoảng 3 phút sau, xe du lịch loại 16 chỗ chạy đến chở 9 khách, còn 1 người được xếp nằm chen vào giường.
Sau khi "vượt chốt" an toàn, xe du lịch được hãng T.P. trả 200.000 đồng cho việc đưa 9 khách qua quãng đường khoảng 3 km. Ngoài ra, quãng đường từ Hà Tĩnh vào Đà Nẵng, xe T.P. để biển Gia Lai - Đắk Lắk để CSGT không bắt lỗi sai tuyến. Từ Đà Nẵng đổ vào, nơi có nhiều tuyến đường lên Tây Nguyên, tài xế đổi sang biển đi Sài Gòn.
Xe T.P. chạy vòng lên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây để né CSGT. Ảnh: K.T. |
Đi cao tốc tránh CSGT
11h ngày 13/2, vào đến Quảng Trị thì tài xế nhận được tin báo có chốt CSGT làm việc gần TP Đông Hà. Xe T.P. chuyển hướng, đi vòng qua đường Hồ Chí Minh rồi nhập lại quốc lộ 1 sau khi đã đi qua địa phận TP này.
Chiều 14/2, sau khi "vượt chốt" tại Xuân Lộc, tài xế tiếp tục nhận được tin đoạn đường đến TP HCM còn tới 4 chốt CSGT. Xe T.P. liền thông báo cho khách rằng quốc lộ 1 đoạn qua Đồng Nai bị ùn ứ nên sẽ đi vào Bến xe Miền Đông qua cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Thực tế, thông tin của phóng viên nắm được, đoạn đường này thời điểm đó giao thông vẫn bình thường, không kẹt xe.
Nhiều hành khách là công nhân làm việc tại Đồng Nai phản ứng vì cho rằng nhà xe lừa đảo, không đi theo đúng lộ trình đã ghi trên vé, ảnh hưởng công việc của họ. Tài xế liền quát nạt, dọa đánh nhóm người này để "dẹp loạn". Những hành khách này sau đó được đẩy xuống ở điểm nối cao tốc Long Thành với quốc lộ 1 để đón phương tiện khác di chuyển vào các KCN thuộc TP Biên Hòa.
Sau đó, xe T.P. lên cao tốc hướng về TP HCM, vượt qua 4 trạm CSGT trên quốc lộ 1. Đến 17h ngày 14/2, sau khi trả hết khách ở cầu vượt Sóng Thần (quận Thủ Đức), nhà xe vòng luôn ra Bắc để tiếp tục đón khách dịp cao điểm Tết.