Đầu tháng 9, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) công bố kết quả khảo sát "Sự đứt gãy chuỗi cung ứng làm giảm đà tăng trưởng của Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam".
Cũng trong tháng này, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố kết quả khảo sát "Chỉ số môi trường kinh doanh trong thời gian phong tỏa và giãn cách xã hội".
Cả hai khảo sát đều cho thấy các doanh nghiệp châu Âu nói chung và doanh nghiệp Đức tại Việt Nam nói riêng đều đang gặp khó, chủ yếu do đứt gãy chuỗi cung ứng và tạm ngưng sản xuất để đảm bảo quy định phòng chống dịch Covid-19.
Kết quả khảo sát về tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng do Covid-19 tới hoạt động của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Ảnh: AHK. |
Trả lời Zing về kết quả khảo sát này, ông Marko Walde, Trưởng đại diện AHK, cho biết nhiều công ty Đức ở Việt Nam đã cảm nhận được tác động ban đầu của đại dịch. Nhiều nhà đầu tư đến từ Đức phải hoãn kế hoạch đầu tư hoặc dừng xây dựng nhà máy do tình hình hiện tại của Việt Nam, do quy định hạn chế đi lại và tiến độ tiêm chủng vaccine.
Tuy nhiên, 58% các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam kỳ vọng tình trạng sẽ được cải thiện vào năm sau. Trong khảo sát đối với doanh nghiệp Đức, 20% công ty đang hoạt động tại Việt Nam cho biết họ có ý định đa dạng hóa và chuyển nhà máy sản xuất đến một địa điểm mới. Tuy nhiên, trưởng đại diện AHK cho biết các công ty Đức vẫn có xu hướng lựa chọn Việt Nam là nơi đặt nhà máy để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
"Trong thời gian tới, xu hướng hiện tại này diễn biến như thế nào sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế kiểm soát dịch bệnh của chính phủ, cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng ở Việt Nam", ông Walde nói với Zing.
Thách thức từ vận tải hàng hóa và "3 tại chỗ"
Theo thông cáo của AHK, kết quả khảo sát về ảnh hưởng của đứt gãy chuỗi cung ứng cho thấy 60% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam xác nhận tình trạng này đã để lại rất nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp của họ.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này (do 83% doanh nghiệp trả lời khảo sát) là khó khăn trong vận tải hàng hóa, đặc biệt là thiếu công suất vận tải đường biển và thiếu container.
Trả lời Zing, trưởng đại diện AHK cho biết do Covid-19, trong năm 2021 một số tuyến đường nối Á - Âu hoặc Á - Bắc Mỹ có cước vận tải thậm chí đã tăng gấp 5 lần. Theo Báo cáo Logistics của SSI Research, tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng và gián đoạn liên quan đến lưu thông và phân phối hàng hóa đã đẩy giá cước vận chuyển lên mức cao kỷ lục.
"Do đó, chúng tôi bị tác động tiêu cực từ việc tăng giá cước trên các tuyến đường dài. Nhìn chung, chi phí vận tải gia tăng ảnh hưởng đáng kể đến lưu thông hàng hóa trong nước, hoạt động thương mại và cản trở chuỗi cung ứng toàn cầu. Về lâu dài, vấn đề này sẽ gây áp lực lên chuỗi cung ứng trong nước, đặt vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu vào rủi ro", ông Walde cho biết.
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam. Ảnh: AHK. |
Theo trưởng đại diện AHK, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ vấn đề vận tải và đi lại chủ yếu nằm ở các tỉnh miền Nam Việt Nam, bao gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Biên Hòa.
Ngoài ra, một thách thức khác đối với các doanh nghiệp Đức liên quan đến vấn đề vận chuyển là do yêu cầu khắt khe về đi lại, bao gồm thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày. "Quy định này đặc biệt khó khăn khi chúng tôi muốn đưa chuyên gia vào Việt Nam", ông Walde nói.
Thách thức lớn tiếp theo của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam là việc thực hiện phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm” và “3 tại chỗ” với chi phí cao.
"Theo ước tính, chi phí thực hiện quy định '3 tại chỗ' vào khoảng 600.000 đồng/tuần/người, và mỗi tuần, một nhà máy với 1.000 công nhân cần khoảng 600 triệu đồng để thực hiện 3 tại chỗ. Đây là một khoản chi lớn nhưng không đảm bảo được hoạt động sản xuất diễn ra liên tục", trưởng đại diện AHK cho biết.
Đồng quan điểm với ông Walde, ông Erwin Debaere - Tổng thư ký của ủy ban điều hành EuroCham, Giám đốc tài chính chi nhánh Việt Nam của tập đoàn đa quốc gia Perfetti Van Melle - cho biết nhìn chung các doanh nghiệp châu Âu đều gặp khó khăn đối với quy định này, và đã được phản ánh trong kết quả khảo sát của EuroCham.
"Ngoài gánh nặng về chi phí, chính sách hiện tại cũng không cho phép lao động tham gia 3 tại chỗ trở về nhà, do vậy khi công nhân đã tham gia rồi và có nhu cầu về nhà, chúng tôi cũng không thể thay thế họ với những công nhân mới khác. Điều này cũng đặc biệt khó khăn đối với một số trường hợp ở các tỉnh phía nam, người dân làm việc ở tỉnh này nhưng lại sinh sống ở tỉnh khác", ông Debaere nói với Zing.
Kết quả khảo sát của EuroCham về khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện quy định "3 tại chỗ". Ảnh: EuroCham. |
"Chính phủ nên hành động ngay bây giờ"
Trưởng đại diện AHK Marko Walde cho biết từ trước khi xảy ra "xung đột thương mại", các nhà đầu tư Đức ở Trung Quốc tìm cách đa dạng hóa hoạt động với một địa điểm khác ở châu Á. Lý do cụ thể xuất phát từ chiến lược đa dạng hóa, độ tin cậy của các đối tác Việt Nam cũng như chi phí lương cho người lao động ở Trung Quốc đang tăng cao.
Xu hướng này hiện chưa kết thúc và các doanh nghiệp Đức vẫn đang có nhiều kế hoạch mở rộng hoạt động từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam.
Khi cân nhắc các lựa chọn trong khu vực ASEAN, các công ty Đức chọn Việt Nam đầu tiên.
"Về trung hạn, chúng tôi có thể khẳng định tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam với tư cách là một địa điểm đặt nhà máy sản xuất. Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp Đức trong khu vực, nhờ Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) chất lượng và toàn diện của EU với Việt Nam", ông Walde cho biết.
Tuy nhiên, trưởng đại diện AHK cho rằng trong thời gian tới, xu hướng này diễn biến như thế nào sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế kiểm soát dịch bệnh của chính phủ, cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng ở Việt Nam.
Trích dẫn kết quả khảo sát, ông Walde cho biết hơn 60% công ty Đức tham gia khảo sát có ý định tìm kiếm trong khu vực các nhà cung cấp mới hoặc bổ sung, coi đây là giải pháp phù hợp.
Để đón đầu xu hướng đó, trưởng đại diện AHK đề xuất chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ các chuỗi cung ứng tại địa phương, giúp chuỗi cung ứng này trở nên đáng tin cậy, linh hoạt và cạnh tranh hơn.
Vì Covid-19 cũng đặt ra nhu cầu về một chuỗi cung ứng linh hoạt và có phương pháp tiếp cận sáng tạo để phục hồi chuỗi cung ứng, nên Chính phủ Việt Nam cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng để giảm thiểu các vấn đề và hỗ trợ hiện đại hóa ngành hậu cần của Việt Nam.
Kết quả khảo sát cho thấy hơn 66% doanh nghiệp Đức ở Việt Nam coi tìm kiếm nhà cung cấp mới/bổ sung tại địa phương là biện pháp cho vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng. Ảnh: AHK. |
Do tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng, tại thời điểm thực hiện khảo sát này, 20% công ty Đức tại Việt Nam tham gia khảo sát có ý định đa dạng hóa và chuyển nhà máy sản xuất đến một địa điểm mới.
"Chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất là chính phủ Việt Nam nên hành động ngay bây giờ để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, tìm ra lối thoát cho đại dịch này, tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo cơ sở hạ tầng hậu cần và chăm sóc sức khỏe cần thiết luôn sẵn sàng", ông Walde nhấn mạnh.
Ngoài ra, chính phủ cũng nên phát triển các chiến lược dài hạn bao gồm cam kết cung cấp vaccine cho các nhóm đối tượng cần được tiêm chủng nhất, đồng thời làm hài hòa quy định chống dịch với mục tiêu phục hồi nền kinh tế.
Một trong số những giải pháp hữu ích là dỡ bỏ quy định hạn chế di chuyển giữa các tỉnh ở Việt Nam, thay vào đó quản lý bằng cách cấp thẻ xanh cho người được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine, trưởng đại diện AHK đề xuất.
Tại cuộc họp chiều ngày 9/9 với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cùng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh việc triển khai tiêm vaccine diện rộng của Việt Nam và đảm bảo sự lưu thông tự do của hàng hóa, đi lại thuận tiện hơn cho người lao động.
EuroCham đề xuất rút ngắn thời gian cho các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia đã được tiêm vaccine trở lại Việt Nam làm việc và đảm bảo các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại càng sớm càng tốt, sống chung với dịch để duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo vệ sinh kế.
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây chỉ là những khó khăn nhất thời, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.
Hiện Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và ban hành Nghị quyết số 105 ngày 9/9 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế thích ứng an toàn với dịch bệnh cả trước mắt và lâu dài.