Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ GTVT chỉ đạo các hãng hàng không xem xét mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với một số quốc gia, khu vực.
Sau gần 6 tháng phải dừng khai thác, các hãng hàng không đang rất nóng lòng mở lại đường bay thương mại quốc tế.
Kỳ vọng của hãng bay
Chia sẻ với Zing, đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng vẫn theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh và bám sát thị trường để có phương án khai thác trở lại đường bay quốc tế.
Nhìn chung, việc chuẩn bị khai thác trở lại không quá khó khăn bởi hãng vẫn duy trì nhiệm vụ đưa công dân hồi hương, vận chuyển hàng hóa và chở hành khách một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài.
Từ cuối tháng 3 đến nay, các hãng hàng không Việt Nam phải dừng toàn bộ các đường bay thương mại quốc tế. Ảnh: Khánh Huyền. |
Vietnam Airlines cho biết hãng mong muốn Chính phủ thống nhất được bộ quy trình phối hợp kiểm dịch giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hàng không và hành khách.
Hãng hy vọng quy định của các bộ, ngành sẽ đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu để các hãng hàng không và hành khách có thể hiểu và thực hiện nhất quán.
"Quy trình kiểm dịch phải đảm bảo khách nhập cảnh không mang mầm bệnh vào cộng đồng nhưng thủ tục cũng phải nhanh chóng, thuận tiện để tránh trường hợp khách có nhu cầu nhưng ngại bay do thủ tục rườm rà, phức tạp, mất thời gian, tiền bạc", đại diện hãng chia sẻ.
Đảm bảo khách nhập cảnh không mang mầm bệnh vào cộng đồng nhưng thủ tục cũng phải nhanh chóng, thuận tiện.
Đại diện Vietnam Airlines
Hiện, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng phương án yêu cầu khách nhập cảnh vào Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm âm tính của nước sở tại trước đó 3 ngày.
Khi đến Việt Nam, khách cách ly tại các cơ sở lưu trú với số ngày phù hợp và trong khoảng thời gian này sẽ xét nghiệm RT-PCR hai lần. Nếu có kết quả âm tính, khách được chuyển về theo dõi tại gia đình. Khách sẽ tự chi trả toàn bộ chi phí xét nghiệm và cách ly.
Thủ tục cách ly phức tạp có thể là trở ngại khiến du khách không mặn mà đáp máy bay đến Việt Nam. "Nếu đường bay mở ra chỉ có 1-2 chuyến mỗi tuần thì không khác gì việc bay giải cứu như thời gian qua", đại diện Vietnam Airlines bày tỏ lo ngại.
Ngoài trách nhiệm của hãng hàng không là đảm bảo an toàn trong mọi khâu dịch vụ từ mặt đất đến trên máy bay, Vietnam Airlines kiến nghị các cảng vụ hàng không xây dựng và duy trì môi trường an toàn ở nhà ga, sân bay để hành khách yên tâm đi lại.
Cùng với Vietnam Airlines, VietJet và Bamboo Airways cũng cho biết đã sẵn sàng kế hoạch khai thác đường bay quốc tế ngay khi Chính phủ cho phép.
Đại diện Bamboo lo ngại lượng khách bay quốc tế trong giai đoạn đầu có thể chưa nhiều do tâm lý ngại dịch. Sau khi Vietnam Airlines và VietJet bay thí điểm trong khoảng 14 ngày, Bamboo Airways sẽ tham gia với đường bay đầu tiên đến Đài Loan.
Giảm dần những chuyến bay giải cứu
Một nguyên nhân khiến người dân và doanh nghiệp hàng không kỳ vọng mở lại đường bay quốc tế là bởi chi phí đắt đỏ của các chuyến bay giải cứu công dân. Những chuyến bay giải cứu chỉ có thể giảm dần khi việc tìm mua một tấm vé bay thương mại trở nên dễ dàng.
Trong lần di chuyển từ Moscow (Nga) về Việt Nam trên chuyến bay giải cứu công dân giữa tháng 8, Nguyễn Trí Trung - du học sinh chuyên ngành dầu khí - đã phải trả cho Vietnam Airlines 1.300 USD (30 triệu đồng). Trên chặng bay tương tự vào mùa hè năm ngoái, giá vé chỉ 400 USD.
"Giá vé của một chuyến bay giải cứu đã đội lên hơn 3 lần so với bình thường. Mà không phải ai cũng có suất", Trung chia sẻ.
Hành khách về nước trên các chuyến bay giải cứu. Ảnh: Việt Linh. |
Từ Paris (Pháp), Quỳnh Hương cũng được Vietnam Airlines đưa về TP.HCM với mức phí 1.300 USD. "Trước khi có dịch, giá vé 2 chiều của chặng này chỉ khoảng 800 USD", nữ du học sinh chia sẻ.
Tại một địa điểm gần Việt Nam hơn như Hàn Quốc, một du học sinh cho biết giá vé máy bay về nước của Bamboo Airways khoảng 430 USD - tăng gấp rưỡi so với khi chưa có dịch.
Giá vé của một chuyến bay giải cứu đã đội lên hơn 3 lần so với bình thường. Không phải ai cũng có suất.
Trí Trung - Du học sinh
Hành khách trên những chuyến bay giải cứu thường phải lựa chọn giữa việc chi tiền để được về nhà hoặc ở lại nước ngoài với điều diện phòng dịch đôi khi không đảm bảo.
Việc giá vé chuyến bay giải cứu tăng cao được hãng hàng không giải thích là tất yếu khi tần suất bay quá ít, phát sinh nhiều chi phí hơn so với bay thường lệ.
Vietnam Airlines cho biết toàn bộ chiều đi của các chuyến bay giải cứu là máy bay trống. Tất cả cả khoang thương gia cũng không chở khách, đồng nghĩa việc mất thêm nguồn thu lớn.
Trong khi đó, chi phí nhân lực (phi hành đoàn) tăng gấp 2-3 lần. Nhân lực bay giải cứu về phải cách ly 14 ngày. Một số máy bay sau khi về phải ngừng hoạt động 2-3 ngày để khử trùng, bảo dưỡng... làm gia tăng chi phí.
Vietnam Airlines cho biết chi phí của chuyến bay giải cứu có thể đội giá lên tới trên 10 tỷ đồng vì những chi phí phát sinh, cao hơn nhiều so với chuyến bay thương mại thông thường.
Hiện, Vietnam Airlines, VietJet và Bamboo đều đang thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân trong điều kiện kinh doanh thua lỗ nặng nề, lượng lớn máy bay phải nằm sân vì tần suất bay sụt giảm.
Theo phương án của Bộ GTVT trình Chính phủ, việc khôi phục đường bay quốc tế sẽ áp dụng với 6 quốc gia, vùng lãnh thổ và được chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ ngày 15/9, Việt Nam nối lại các đường bay với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ ngày 22/9, các đường bay với Đài Loan, Campuchia, Lào được khôi phục.
Bộ GTVT xác định các đối tượng được xuất nhập cảnh gồm nhà ngoại giao, người làm công vụ, công dân Việt Nam có nhu cầu về nước, người Việt đi lao động ở nước ngoài, người nước ngoài là chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, nhân viên các dự án trọng điểm.