Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các hãng điện thoại Trung Quốc muốn bành trướng thế giới

Khi thị trường nội địa dần bão hòa, các hãng sản xuất smartphone Trung Quốc như Lenovo, Huawei đang lên đường tham gia vào cuộc chơi toàn cầu.

Các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện trên thị trường toàn cầu. Năm nay, Lenovo và Huawei giành thêm nhiều thị phần, đe dọa tới người đứng đầu như Samsung. Hiện tại, đến lượt những tên tuổi kém tiếng hơn tiến lên sàn đấu.

Các hãng điện thoại Trung Quốc muốn nhìn ra biển lớn để duy trì tăng trưởng. Ảnh: Reuters

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Wall Street Journal (WSJ), một giám đốc cao cấp của Coolpad, hãng điện thoại có trụ sở đặt tại Thâm Quyến, cho biết công ty dự định chi hàng triệu USD trong năm 2014 để quảng bá tại Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ.

Vì sao những người Trung Quốc này lại muốn đánh thị trường quốc tế? Theo nhà phân tích Peter Yu của BNP Paribas, “thị trường smartphone Trung Quốc đang dần bão hòa. Nếu muốn phát triển, bạn phải nhìn ra bên ngoài”.

Số liệu từ hãng nghiên cứu IDC cho thấy từ năm 2011 đến 2013, lượng xuất xưởng smartphone tại Trung Quốc tăng gần 4 lần. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thường niên đang giảm dần trong khi doanh số smartphone lại tăng mạnh tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Đông Nam Á và Mỹ Latinh, nơi nhiều người dùng bắt đầu chuyển từ điện thoại “cục gạch” sang điện thoại thông minh. Vẫn theo IDC, 89% lượng điện thoại bán ra tại Trung Quốc trong nửa đầu năm nay là smartphone, còn tại Ấn Độ, con số này chỉ chiếm 28%.

Với các doanh nghiệp Trung Quốc, mở rộng thị trường toàn cầu là một cách để duy trì tăng trưởng và có lợi nhuận tốt hơn. Nhà phân tích Kiranjeet Kaur của IDC cho biết cạnh tranh bằng giá tại đây vô cùng khốc liệt.

Trả lời WSJ, Tổng Giám đốc Lenovo Yang Yuangqing mô tả Trung Quốc là thị trường smartphone cạnh tranh bậc nhất thế giới. “Có quá nhiều người chơi nội địa, một số không biết làm kinh doanh hợp lý. Họ không muốn kiếm tiền trong ngắn hạn”.

Lenovo, nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới và Huawei, một trong những nhà cung ứng thiết bị viễn thông lớn nhất, đều có đủ nguồn lực để cạnh tranh tại nước ngoài. Họ thực sự đang tăng trưởng nhanh chóng tại các thị trường mới nổi. Tuần trước, Lenovo công bố lượng smartphone xuất xưởng trong quý kết thúc tháng 6/2014 tăng gần 4 lần tại Đông Nam Á và 6 lần tại Đông Âu. Tháng 7/2014, Huawei cũng cho biết lượng smartphone xuất xưởng trong nửa đầu năm tăng hơn 6 lần tại Trung Đông và châu Phi, gần 4 lần tại Mỹ Latinh.

Tất nhiên, không phải hãng điện thoại Trung Quốc nào cũng có đủ tiềm lực để vươn tầm thế giới như Lenovo và Huawei. Coolpad hay Xiaomi chắc chắn gặp phải nhiều thử thách hơn hẳn cả về tiếp thị lẫn kênh phân phối. Một trở ngại khác là tài sản sở hữu trí tuệ. Một số hãng thiếu bằng sáng chế quốc tế dễ đối mặt với các vụ kiện tụng nếu mở rộng thị trường, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu. Ngược lại, theo ông Yu, tại quê nhà họ không phải lo ngại điều này.

Đầu năm 2014, Lenovo mua lại các bằng sáng chế di động của NEC (Nhật Bản). Hãng cũng đang trong quá trình hoàn tất thương vụ thâu tóm Motorola Mobility với giá 2,9 tỷ USD, động thái giúp công ty có được kênh phân phối và bằng sáng chế đáng mơ ước làm bàn đạp tiến vào Mỹ.

http://ictnews.vn/kinh-doanh/cac-hang-dien-thoai-trung-quoc-muon-banh-truong-the-gioi-119197.ict

Theo Du Lam/ICT News

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm