Lãnh đạo hơn 100 hội đồng giám mục trên khắp thế giới sẽ đến Vatican tham dự một hội nghị cấp cao từ ngày 21-24/2 được Giáo hoàng Francis chủ trì để giải quyết vấn đề xâm hại tình dục trong nhà thờ và tình trạng che đậy của các chức sắc Giáo hội.
Trong thời gian qua, nhiều nhóm hoạt động vì quyền lợi nạn nhân đã yêu cầu nhà thờ Công giáo đưa ra kế hoạch hành động có ý nghĩa thực chất trong cuộc chiến chống lại nạn xâm hại tình dục, theo AFP.
Luis Badilla, chuyên gia người Chile về Vatican, nhận định hội nghị cấp cao lần này sẽ là "thời khắc quyết định" trong cuộc chiến chống nạn xâm hại tình dục trong môi trường nhà thờ.
Vệ binh Thụy Sĩ bảo vệ giáo hoàng khi ông xuất hiện tại quảng trường Thánh Peter tại Vatican vào tháng 11/2018. Ảnh: AFP. |
Giáo hoàng đã yêu cầu các giám mục trao đổi với các nạn nhân bị xâm hại tình dục trong giáo phận của mình trước khi đến dự họp tại Vatican. Ông cũng kêu gọi dư luận hạ thấp "những kỳ vọng quá lớn" về một biện pháp giải quyết dứt điểm nạn xâm hại tình dục trong các nhà thờ.
Hội nghị "bảo vệ thiếu niên" được xem là cơ hội để tăng nhận thức và cảnh giác trên toàn thế giới về hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em trong nhà thờ. Cộng đồng tại các nước châu Phi, châu Á và Trung Đông vẫn từ chối thừa nhận hiện tượng này, xem đây là "vấn đề của phương Tây".
Vatican muốn tập trung vào khía cạnh giáo dục của hội nghị. Tại nhiều nơi trên thế giới, thảo luận về vấn nạn bạo lực hay xâm hại tình dục trẻ em còn bị xem là một đề tài cấm kỵ.
Một số nạn nhân bị xâm hại tình dục, cụ thể là ở những nước mà vấn nạn này còn bị làm ngơ, đã được mời tham dự và phát biểu ở hội nghị.
"Những ai từng gặp các nạn nhân, nghe tiếng khóc cầu cứu của họ, chứng kiến những vết thương tinh thần lẫn thể xác của họ, sẽ không bao giờ giữ nguyên cách nghĩ cũ", linh mục Hans Zoller, nhà tâm lý học và thành viên tổ chức hội nghị tại Vatican, chia sẻ.
Hồng y Theodore McCarrick khi đến Vatican vào năm 2002. Ảnh: AP. |
"Nhà thờ Công giáo đã đối diện với vấn đề này suốt 35 năm qua, ông nhấn mạnh nhiều biện pháp ngăn chặn mạnh tay đã được áp dụng tại Australia, Anh, Canada, Ireland và Mỹ.
Cách đây vài ngày, Giáo hoàng Francis phế truất cựu Hồng y Theodore McCarrick tại Mỹ vì cáo buộc xâm hại tình dục một nạn nhân tuổi thiếu niên 50 năm trước. Ông McCarrick là thành viên cấp cao nhất của nhà thờ Công giáo bị cho hồi tục trong thời hiện đại.
Trước đó, tại thánh lễ ngày 26/1 ở nhà thờ Santa Maria La Antigua, thành phố Panama, Giáo hoàng Francis thừa nhận rằng giáo hội Công giáo đã "bị tổn hại bởi tội lỗi", ám chỉ những vụ bê bối lạm dụng tình dục bị lên án thời gian qua.