Theo Bộ Công Thương, 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hoá chất hoạt động ổn định. Thời gian chạy máy đạt từ 19-24 ngày. Phụ tải trung bình đạt khoảng 75-90%. Các nhà máy đạm được xây dựng theo hướng tăng cường quản trị, tiết giảm chi phí để giảm lỗ, mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng chủng loại sản phẩm…
Tuy nhiên, hoạt động của các nhà máy chưa hiệu quả. Bộ Công Thương thậm chí đã ban hành biện pháp tự vệ tạm thời đối với một số mặt hàng phân bón DAP để hỗ trợ cho 4 nhà máy đạm.
5 dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn còn nhiều khó khăn. Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi vẫn chưa khởi động lại được vì không có chi phí khắc phục, xử lý hệ thống nước thải. Ngoài ra, giá xăng dầu vẫn ở mức thấp nên cổ đông sợ mất vốn do sản xuất kinh doanh thua lỗ.
Nhà máy đạm Ninh Bình. Ảnh: Hiếu Công. |
Đối với 2 dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Bình Phước, PVN đã chỉ đạo thuê tổ chức tư vấn và xây dựng phương án thoái vốn. Theo Bộ Công Thương, hiện đã có nhà đầu tư “đánh tiếng” mua lại dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ.
Về dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Bộ Công Thương cho biết tình trạng của dự án vẫn khó khăn và chưa khởi động lại. Các phương án xử lý dự án này cũng rất khó áp dụng. Nguyên nhân là nhà máy còn nợ tiền điện, nước, cơ sở hạ tầng cho Khu công nghiệp Đình Vũ lên tới 73 tỷ đồng.
Về dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất, PVN đang “nhờ” các đơn vị trong ngành tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ sử dụng dịch vụ nhằm giải quyết khó khăn trước mắt, tạo công ăn việc làm, ổn định tâm lý cho cán bộ, công nhân viên.
Cơ cấu vốn của 12 dự án yếu kém ngành Công Thương. Đồ họa: Hiếu Công. |
2 dự án đầu tư sản xuất thép của Tổng công ty Thép Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết sau khi Chính phủ chỉ đạo rút 1.000 tỷ đồng vốn góp, nhà thầu MCC đã trở lại đàm phán, giải quyết một số vướng mắc với chủ đầu tư. Còn dự án Nhà máy Gang thép Việt - Trung đã có lãi từ tháng 3, tới cuối năm dự kiến sẽ nộp hơn 290 tỷ đồng tiền thuế các loại vào ngân sách.
Với dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục xin ý kiến Thủ tướng để tổ chức bán đấu giá.
Kết luận phiên họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc xử lý các vướng mắc của nhà thầu EPC ở một số dự án chưa tiến triển nhiều. Ngoài ra việc tái cơ cấu nợ của Ngân hàng Phát triển và một vài ngân hàng thương mại còn chậm ở một vài dự án, nhà máy.
Ông cũng đề nghị các bộ, doanh nghiệp kiện toàn các ban chỉ đạo xử lý khó khăn vướng mắc của 12 dự án, nhà máy. Mục tiêu cơ bản hoàn thành dứt điểm các vướng mắc pháp lý với các nhà thầu EPC trong năm 2017.
Phó thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh Chính phủ không bỏ thêm tiền để khởi động lại các dự án.