Chiều 16/8, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng) thông tin, thời tiết tại địa phương này chỉ mới xuất hiện mưa vừa và nhỏ, chưa có gió.
Chính quyền thị trấn Cát Bà tiếp tục vận động, di chuyển người dân từ các làng chài lên tránh trú tại thị trấn Cát Bà. Tính đến 16h cùng ngày, khoảng hơn chục người dân đang tạm tránh trú ở trụ sở UBND thị trấn Cát Bà. Nhiều người dân ở các làng chài đã chủ động lên bờ, lưu trú tại nhà người thân ở thị trấn.
Tàu thuyền tránh trú tại quận Đồ Sơn. Ảnh: Thuỳ Linh. |
Riêng với lượng khách du lịch, theo ghi nhận của chính quyền địa phương, đến sáng cùng ngày, còn khoảng 1.200 người lưu lại trên đảo Cát Bà. Tuy nhiên, một số lượng lớn du khách đã theo lượt tàu cuối cùng rời khỏi đây, chính quyền địa phương đang tiến hành kiểm đếm số khách lưu lại để hỗ trợ họ tránh trú bão.
“Toàn bộ khách du lịch lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ kiên cố ở thị trấn Cát Bà chứ không có ai ở ngoài các đảo nhỏ”, ông Tuấn khẳng định.
Trên toàn huyện Cát Hải, chính quyền đã huy động 1.666 người, trên 5.500 chiếc bao tải, 4.300 cọc tre, 310 mai, cuốc, xẻng; trên 1.000 áo phao và phao cứu sinh, 26 ôtô, 50 xe cải tiến, 225 tàu thuyền, hàng chục máy phát điện, 38,5 tấn gạo, 648 thùng mì tôm và 582 bình nước uống để chuẩn bị phòng, chống bão số 4.
Tại các bãi biển ở Đồ Sơn, không còn xuất hiện người dân chụp ảnh đón bão. Ảnh: Thuỳ Linh |
Ở Đồ Sơn, từ ngày 15/8, UBND quận Đồ Sơn đã vận động và đưa được 208 tàu thuyền với trên 850 lao động và 9 chòi nuôi ngao về nơi tránh trú. Lực lượng chức năng quận này cũng tăng cường tuần tra nghiêm cấm người dân xuống biển chơi đùa, tắm khi cấm biển. Các bãi biển, khu vui chơi tại Đồ Sơn đều không có khách du lịch.
UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ cũng chủ động các phương án phòng chống bão. Chính quyền huyện đảo đã thành lập 4 đội công tác xuống các khu dân cư, các khu vực trọng yếu. Chính quyền huyện cũng vận động, lên phương án sơ tán 32 gian hàng cá, 10 ki-ốt gần khu vực âu cảng. Lực lượng chức năng đã vận động 37 tàu vào đất liền, 84 tàu thuyền với 179 lao động đã được đưa lên bờ. Trong âu cảng Bạch Long Vĩ không còn tàu, đề phòng sóng đánh chìm, vỡ.
Tính đến 17h cùng ngày, ghi nhận trên toàn thành phố Hải Phòng, mưa vừa và nhỏ xuất hiện, trời âm u. Ông Nguyễn Kim Pha, Chánh văn phòng UBND thành phố Hải Phòng khẳng định: "Hải Phòng đã sẵn sàng ứng phó với bão số 4. Riêng đội ngũ lãnh đạo các ban ngành, sẽ túc trực 100% những ngày này.".
Trước đó, chiều ngày 15/8, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành lệnh cấm các phương tiện vận chuyển hành khách trên sông, biển từ 12h ngày 16/8.
Thanh Hóa xả đập, sẵn sàng sơ tán 7.000 hộ dân
9h ngày 16/8, hồ Cửa Đạt (huyện Thường Xuân) xả lũ trước diễn biến phức tạp của bão số 4. Ban đầu, hồ được vận hành xả với lưu lượng 50 m3/s. Đến 13h cùng ngày, 5 cửa mở đã xả với lưu lượng 1.000 m3/s.
Thanh Hóa hiện có 610 hồ chứa, trong đó 490 hồ đã đầy nước, 124 hồ không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ (9 hồ đã chỉ đạo không tích nước); 40 công trình trọng điểm về đê điều. Trong số này chỉ có 4 hồ có cửa xả sâu, số hồ còn lại đa phần đã được xả tràn tự nhiên.
Thủy điện Cửa Đạt xả lũ. Ảnh: V.D. |
Các trọng điểm về hồ đập và đê điều đều đã được triển khai thực hiện phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng sơ tán khoảng hơn 7.000 hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Hồ Cửa Đạt có dung tích thiết kế 1,45 tỷ m3, chiều cao thân đập 118 m, ngoài nhiệm vụ cắt giảm lũ cho hệ thống sông Chu còn tưới, tạo nguồn cho 86.862 ha cây trồng; nằm trên thượng lưu 5 huyện, thành phố của tỉnh Thanh Hóa.
Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết 100% phương tiện tàu thuyền đã về nơi tránh trú bão. Trong đó, 417 phương tiện neo đậu tránh trú bão ở các tỉnh ngoài.
Tất cả phương tiện tàu thuyền đều đang giữ liên lạc được với gia đình. Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Thanh Hóa đã họp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4. Ngay sau đó, các đoàn công tác của UBND tỉnh Thanh Hóa đã về các địa phương kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4.
Nghệ An, Hà Tĩnh cấm biển đón bão số 4
Tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cho biết từ trưa 16/8 đã thực hiện lệnh cấm biển. Các loại tàu thuyền, phương tiện vận tải phải vào bờ tránh trú bão nhằm đảm bảo không ảnh hưởng về người và tài sản. Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn chình quyền các huyện, thị xã ven biển về việc cấm biển từ trưa ngày 16/8. Các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 10h ngày 16/8. Yêu cầu các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để đảm bảo an toàn trước 15h ngày 16/8. Yêu cầu các đơn vị, địa phương sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Theo thống kê của Ban phòng chóng thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, tính đến 16h chiều nay, trên địa bàn tỉnh có 3.67/3.868 phương tiện, với 16.589/18.189 lao động đã về neo đậu tại bến.
Tại Nghệ An cũng có 47 phương tiện, với 260 lao động của các tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hóa đánh bắt hải sản trên biển đang neo đậu tại các bến ở Nghệ An. Hiện nay các phương tiện đánh bắt hải sản trên biển của tỉnh đã nhận được thông tin về vị trí, hướng di chuyển của bão số 4.
Người dân Nghi Lộc đưa tàu thuyền vào trãnh bão số 4.
Ảnh: P. Hòa. |
Còn tại Hà Tĩnh, ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng lệnh cho huyện, thị xã thực hiện lệnh cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt trên biển phòng bão số 4.
Theo Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, cơn bão số 4 được đánh giá là khá dị thường và nguy hiểm. Công điện nhấn mạnh, diễn biến của bão và mưa lũ còn hết sức phức tạp.
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ lớn có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin; thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện tàu thuyền, tàu du lịch đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để thoát hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phưong tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra và sẵn sàng các biện pháp phòng, tránh phù hợp.
Bắt đầu từ 12h ngày 16/8, cấm không cho các tàu thuyền tiếp tục ra khơi đánh bắt cá trên biển. Thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập úng ở vùng thấp trũng và các vừng nuôi trồng thủy sản biết diễn biến của bão và mưa lũ để chủ động các biện pháp phòng, tránh...